Thứ Sáu, 07/10/2022, 08:46 (GMT+7)
.

Thúc đẩy phát triển các ngành hàng nông sản bằng cơ giới hóa

Việc gia tăng trang thiết bị, máy móc đã phần nào khắc phục được hạn chế thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng nông sản, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

9 tháng năm 2022 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 40,8 tỷ USD - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
9 tháng năm 2022 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 40,8 tỷ USD - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Các thị trường lớn chào đón nông sản Việt

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, 9 tháng năm 2022 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 16,8 tỷ USD; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD; thủy sản trên 8,5 tỷ USD. 

Hiện, Việt Nam có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.

Đến thời điểm này, có nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: Cà phê gần 3,1 tỷ USD, tăng 37,6%; cao su trên 2,3 tỷ USD, tăng 7,7%; sắn và sản phẩm từ sắn trên 1 tỷ USD; cá tra trên 1,9 tỷ USD, tăng 83,3%; tôm gần 3,5 tỷ USD, tăng 24,8%.

Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị kim ngạch đạt 10,5 tỷ USD, chiếm 25,8% thị phần; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD, chiếm 18,2% thị phần; thứ 3 là thị trường Nhật Bản, đạt 3,1 tỷ USD; thứ tư là thị trường Hàn Quốc.

Trong kỳ họp báo gần đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường mới, ngành nông nghiệp cũng tập trung phát triển đa dạng các kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm ở thị trường trong nước. Đồng thời áp dụng nhiều biện pháp điều tiết sản xuất để bảo đảm nguồn cung và ổn định giá thực phẩm, giá thịt lợn để góp phần giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong ngưỡng cho phép, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

"Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường các giải pháp về thị trường để bảo đảm mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp trong năm nay. Từ nay đến cuối năm còn 3 tháng, về xuất khẩu còn nhiều khó khăn do đơn hàng giảm nhiều, dấu hiệu tồn kho còn, sức mua giảm. Tuy nhiên, với mục tiêu đạt trên 50 tỷ USD thì chúng ta sẽ hết sức phấn đấu, cố gắng thông qua các giải pháp về thị trường để bảo đảm mục tiêu đề ra", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Đề xuất hình thành các trung tâm cơ giới hóa cấp vùng

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua có phần đóng góp rất lớn của quá trình cơ giới hóa sản xuất. Việc gia tăng trang thiết bị, máy móc đã phần nào khắc phục được hạn chế thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng nông sản, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Theo thống kê từ năm 2011 đến năm 2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy chế biến thức ăn gia súc tăng 90%. 

Mức độ cơ giới hoá tại một số khâu, trong một số lĩnh vực ngành nông nghiệp có tỉ lệ khá cao như: Trồng trọt đạt từ 70% đến 100% (làm đất, tưới, bảo vệ thực vật), chăn nuôi đạt từ 55% đến 90% (cung cấp thức ăn, nước cho vật nuôi trong chuồng).

Tuy nhiên, quá trình cơ giới hóa nông nghiệp đang bộc lộ một số hạn chế: Trang bị máy động lực tính trung bình trên đơn vị diện tích tăng nhưng so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn chưa đáp ứng kịp; quy mô sản xuất nhỏ lẻ; trang bị máy móc không đồng bộ; công suất máy móc thiết bị sản xuất nhỏ dưới 20 CV chiểm trên 48% tổng công suất máy động lực; tỉ lệ cơ giới hóa giữa các khâu cũng không đồng đều. Để tăng năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, cần đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu theo chuỗi liên kết. Do đó, phải thay đổi lại cách tiếp cận trong cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, thay đổi quy mô về cơ giới hóa.  

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 (Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022). Chiến lược này tạo động lực rất lớn để thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng, giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, tới đây Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng Nghị định về cơ giới hóa đồng bộ với định hướng: "Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu sản xuất nông nghiệp". Đồng bộ ở đây đươc hiểu là: Đồng bộ giữa việc trang bị các loại máy, thiết bị, công nghệ trong các khâu sản xuất nông nghiệp với hạ tầng kỹ thuật sản xuất và nguồn nhân lực được đào tạo, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; đồng bộ trong toàn bộ chuỗi liên kết từ sản xuất, vận chuyển, sơ chế, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ: "Trong các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Bộ đã đề xuất hình thành các trung tâm cơ giới hóa cấp vùng. Trung tâm cơ giới hoá vùng không phải là tổ chức bộ máy hành chính sự nghiệp do Nhà nước thành lập, mà là trung tâm tập hợp các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX có năng lực về cơ giới hóa, công nghệ mới, công nghệ thông minh để hợp tác, liên kết và cung ứng dịch vụ cơ giới hóa và công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp".

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, để chuyển đổi cách tiếp cận cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện, sự vào cuộc tích cực của các nhà khoa học, các viện, trường và các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trong chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp.

(Theo baochinhphu.vn)

 

 

 

 

.
.
.