Thứ Tư, 05/10/2022, 09:23 (GMT+7)
.

Tiền Giang: 9 tháng đầu năm 2022, lạc quan những tín hiệu phục hồi

Kế hoạch 112 ngày 5-4-2022 của UBND tỉnh Tiền Giang về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh 2 năm 2022 - 2023 gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu ứng tích cực. Các thông số gần đây cho thấy những dấu hiệu lạc quan trong phục hồi kinh tế của Tiền Giang, trọng tâm là số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới, hồi phục du lịch, cơ bản hơn là giá trị xuất khẩu.

KHÔI PHỤC

Một trong những dấu hiệu lạc quan của tình hình phục hồi kinh tế trong thời gian qua là số lượng DN thành lập mới. Điều này một phần cho thấy môi trường đầu tư của Tiền Giang không ngừng cởi mở, những chính sách điều hành đang phát huy hiệu quả.

Du khách quốc tế đến Tiền Giang qua Cảng Du thuyền Mỹ Tho.
Du khách quốc tế đến Tiền Giang qua Cảng Du thuyền Mỹ Tho.

Con số thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 9 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 695 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 5.078 tỷ đồng, tăng gần 4% so với kế hoạch phát triển DN năm 2022 và tăng 81% về số DN (cùng kỳ giảm 34%), tăng 84% về vốn đăng ký so cùng kỳ (cùng kỳ giảm gần 12%).

Điều này cho thấy dấu hiệu hồi phục của khối DN dần rõ nét hơn, chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh phát huy hiệu quả, nhất là sau thời gian dài chịu tác động của nhiều yếu tố, trọng điểm là dịch Covid-19.

Những kết quả đạt được trong phát triển DN phần lớn được khơi nguồn từ những chủ trương thích ứng của tỉnh thể hiện qua việc tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ và phát triển DN như: Tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các DN trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm, lắng nghe các ý kiến nhằm động viên, khuyến khích DN; tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ tiếp xúc với các DN trong Khu công nghiệp Long Giang; Khu công nghiệp Mỹ Tho, Cụm công nghiệp Trung An; tổ chức Hội nghị giới thiệu danh mục đầu tư năm 2022.

 

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng đã xây dựng các kế hoạch hỗ trợ DN; đồng thời, tổ chức Hội nghị phát triển DN tại một số địa phương nhằm phổ biến các chính sách, vận động hỗ trợ hộ kinh doanh có quy mô lớn để phát triển thành DN; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN, người lao động như: Miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cũng như gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất...

Số lượng DN trên địa bàn Tiền Giang không ngừng tăng trong nhiều năm gần đây đã góp phần lớn trong việc gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh giá trị xuất khẩu. Theo số liệu từ Sở Công thương, trong 9 tháng của năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Tiền Giang đạt được hơn 2,9 tỷ USD, đạt 88% kế hoạch, tăng hơn 27% so cùng kỳ. Phân tích của Sở Công thương cũng cho thấy, hàng hóa của tỉnh đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.

DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xuất khẩu sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. Châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang, chiếm hơn 43%, tiếp theo là châu Mỹ chiếm khoảng 27%…

VÀ ĐI TỚI

Điểm sáng của kinh tế Tiền Giang không chỉ tập trung vào số lượng DN thành lập mới hay giá trị xuất khẩu, mà còn được thể hiện thông qua số lượng khách du lịch đến Tiền Giang. Dấu hiệu gần đây cho thấy, tình hình du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phục hồi khá tốt.

Công ty TNHH TMDV Trí Sơn không ngừng mở rộng quy mô hoạt động.
Công ty TNHH TMDV Trí Sơn không ngừng mở rộng quy mô hoạt động.

Kết quả này phần lớn được khơi nguồn từ kết quả Tiền Giang đã tập trung triển khai Kế hoạch 378 của UBND tỉnh ban hành ngày 15-12-2021 về phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19.

Thống kê gần đây cho thấy, khách du lịch đến tỉnh Tiền Giang trong quý III-2022 đạt khoảng 251.000 lượt khách. Nếu tính chung 9 tháng năm 2022, lượng khách du lịch đến tỉnh Tiền Giang đạt hơn 542.000 lượt khách, đạt hơn 60% kế hoạch, tăng 1,1 lần so cùng kỳ (cùng kỳ giảm hơn 57%); đặc biệt là lượng khách quốc tế tăng 2,8 lần so cùng kỳ (cùng kỳ giảm hơn 96%).

Kết quả phục hồi du lịch của Tiền Giang phần lớn được bắt đầu từ việc Tiền Giang tiếp tục thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch 118 ngày 5-5-2017 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 11 ngày 5-4-2017 của Tỉnh ủy Tiền Giang; đồng thời, phối hợp với các tỉnh, thành trong cụm liên kết phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh xây dựng, tổ chức tham gia các sự kiện du lịch nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Con số minh chứng kinh tế Tiền Giang phục hồi khá tốt như chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng qua tăng gần 17% so cùng kỳ, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng gần 11%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng đạt khoảng 7.562 tỷ đồng, tăng gần 16% so cùng kỳ và đạt hơn 85% dự toán năm.

Trong thời gian tới, tiếp tục kế thừa những thành tựu đạt được, Tiền Giang nỗ lực đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh về phát triển nông sản chủ lực, thu hút phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Nhìn một cách tổng thể hơn, để mang đến những dấu hiệu lạc quan, ngay từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Tiền Giang đã tập trung triển khai nhiều quyết sách quan trọng. Theo đó, Tiền Giang đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết 34 ngày 8-12-2021 của HĐND tỉnh, Kế hoạch hành động 20 ngày 19-1-2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 01 ngày 8-1-2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch 21 ngày 19-1-2022 của UBND tỉnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 02 ngày 10-1-2022 của Chính phủ.

Ngoài ra, Tiền Giang thực hiện thành công, hiệu quả nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị, thương mại, thu hút đầu tư, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội… Bên cạnh đó, Tiền Giang không ngừng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi mạnh mẽ phương pháp làm việc, điều hành của các ngành, các cấp; tăng cường hỗ trợ phát triển DN, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đối thoại DN; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...

THÁI AN

.
.
.