.

TPHCM: Tái diễn cảnh xếp hàng chờ mua xăng

Cập nhật: 19:58, 31/10/2022 (GMT+7)

Khoảng 10 giờ sáng 31-10, từ nội thành đến ngoại thành TPHCM tiếp tục tái diễn cảnh xếp hàng chờ mua xăng, một số cửa hàng treo bảng hết xăng còn dầu hoặc bán theo “hạn mức”...

Đỏ mắt chờ nguồn cung

 Khảo sát trong vòng bán kính khoảng 5km, trong số 20 cửa hàng xăng dầu chỉ có 2 cửa hàng thuộc hệ thống nhà nước còn xăng, còn phía tư nhân hay nhượng quyền gần như… “đứt hàng”.

Cụ thể, 10 giờ 30 phút sáng, tuyến đường Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu…. (phường 12, 14 quận Gò Vấp và phường 15 quận Tân Bình) có 5 cửa hàng xăng, thì mỗi Petrolimex còn xăng đổ không giới hạn, nhưng người dân phải chờ cả tiếng đồng hồ do lượng khách hàng đổ dồn về khá đông. Trong khi đó, 2 cửa hàng xăng dầu của Comeco thì treo bảng hết xăng và đang nhập hàng. 2 cửa hàng còn lại dùng hàng rào chắn để chia lối vào cho khách hàng vì chỉ có 1 đến 2 trụ bơm xăng hoạt động.

a
Trưa 31-10, Cửa hàng xăng dầu Comeco  (quận Gò Vấp) tái diễn cảnh hết hàng

Đi ngược về đường Quang Trung (quận Gò Vấp) và Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12) có một cửa hàng xăng dầu quân đội và Petrolimex chật nêm người chen chúc đổ xăng, trong khi 5 cửa hàng cùng tuyến, có cả Comeco ngừng bán do hết hàng hoặc dựng rào chắn chỉ để đổ cho xe máy số lượng nhỏ.

“Hiện cửa hàng chúng tôi chỉ nhập hàng với số lượng chưa tới 50%, khoảng 7.000/16.000 lít/ngày so với ngày thường. Số lượng hàng lại bị chia nhỏ thông qua xe bồn giao 2-3 lần trong một ngày, nên vừa mở cửa là người dân dồn vào đổ vài giờ là hết sạch. Bởi thông thường 1 xe bồn chỉ nhập hàng cho 1-2 cửa hàng. Nhưng nay không đủ hàng nên phải chia nhỏ để chạy qua giao cho những cửa hàng khác”, đại diện cửa hàng xăng dầu Comeco Phan Huy Ích cho biết.

Tương tự, cách khoảng 2km từ nút giao thông An Sương về hướng Củ Chị, dọc quốc lộ 22 có 2 cửa hàng xăng dầu nhưng đều treo bảng hết xăng còn dầu. Hay QL. 1A hướng về Ngã tư Thủ Đức nhiều cửa hàng xăng có mặt bằng khá lớn, nhưng đều dùng rào chắn “chia lô” tạo lối dẫn cho khách hàng vào và chỉ bán trên dưới 50.000 đồng cho xe gắn máy và 200.000-300.000 đồng cho ô tô.

“Hôm qua chủ nhật nên không có hàng về. Sáng giờ tôi cũng chưa nghe thông báo gì nên chưa biết khi nào có xăng trở lại”, anh Hùng, phụ trách Cửa hàng xăng dầu số 6-Công ty Cổ phần xăng dầu và dịch vụ hàng hải S.T.S (quốc lộ 22) thông tin.

Ghi nhận cũng cho thấy, cửa hàng xăng trên đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), cũng ngừng hoạt động từ 10 giờ sáng nay; hay đường 3 Tháng 2 góc giao với Lê Đại Hành (quận 11), một cây xăng lớn của Comeco có đến 6 trụ bơm nhưng chỉ còn 1 trụ hoạt động…

Còn tại Bình Tân, cửa hàng xăng dầu ở góc đường Kinh Dương Vương và đường Tên Lửa hay đường đoạn qua khu Bến xe miền Tây một số cửa hàng ngưng hoạt động từ 10 giờ nhưng đến 14 giờ vẫn chưa hoạt động trở lại. Tình trạng này cũng “lây lan” ra tại TP Thủ Đức, dọc quốc quốc lộ 13, quận Bình Thạnh.

Thiếu nguồn cung

Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu lần này có thể nghiêm trọng hơn những lần trước. Bởi dù đã được 2 lần điều chỉnh xăng dầu tăng nhưng hiện nay các thương nhân nhập hàng từ các đầu mối lớn như Petrolimex hay PVOil vẫn đang than lỗ từ 2.500-3.000 đồng/lít. Chưa kể, trước đây các thương nhân nhượng quyền được mua trực tiếp từ đầu mối nhưng đến nay thì không nhận được giọt nào.

Nguyên nhân, nguồn cung của các đầu mối xăng dầu chỉ đủ cung ứng cho “con đẻ” của mình. Do vậy, các thương nhân “cấp 2” muốn có xăng bán phải mua lại của "con đẻ" với giá thỏa thuận. Còn các đại lý, cửa hàng bán lẻ muốn có xăng phải mua lại của thương nhân cấp 2, 3… Đó là lý do nhiều cửa hàng xăng dầu tư nhân không mặn mà bán hàng.

“Nguồn cung xăng dầu khan hiếm thể hiện rõ hơn khi hiện nay các thương nhân muốn có hàng phải cho nhân viên ra kho nằm chực chờ cả tuần để chờ có phiếu xuất hàng. Khác với trước đây, thương nhân được nhận phiếu nhập hàng với số lượng theo yêu cầu trước đó một tuần”, ông Nguyễn Văn Chính cửa hàng trưởng 1 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn quận Tân Phú phân tích.

a
Tái diễn cảnh xếp hàng chờ mua xăng tại Cửa hàng xăng dầu Petrolimex (quận Tân Bình)

Đại diện lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, đặc biệt trong những ngày gần đây, trung bình vẫn có khoảng 9-10% số cửa hàng xuất hiện tình trạng cung cấp gián đoạn do tạm hết xăng, dầu. Nguyên nhân là một số doanh nghiệp đầu mối, thương nhân cung cấp xăng dầu chưa đảm bảo cung cấp đủ số lượng. Tình trạng này phổ biến hơn tại các quận, huyện vùng ven, đa phần các cây xăng thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhỏ lẻ, không kinh doanh theo chuỗi, kênh bán lẻ.

Sở Công thương TPHCM khẳng định, từ nay cho đến trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023, sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình thị trường và tham mưu UBND TPHCM có những giải pháp để kiến nghị các cơ quan, Chính phủ tháo gỡ khó khăn kịp thời.

Kiến nghị tăng chi phí vào giá cơ sở

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, vừa có báo cáo gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) kiến nghị Bộ Tài chính có tính toán, tăng chi phí tính vào giá bán phù hợp nhằm bù đắp chi phí phát sinh và đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Bởi theo tính toán của Petrolimex, premium nhập khẩu (khoản doanh nghiệp đầu mối phải trả cho các nhà cung cấp trong hợp đồng nhập khẩu) thực tế đang cao hơn nhiều so với mức áp dụng trong giá cơ sở. Hay chi phí vận chuyển đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng đã được điều chỉnh từ ngày 11-10, nhưng hiện cũng thấp hơn chi phí thực tế doanh nghiệp phải trả 40-60 đồng mỗi lít xăng, dầu.

Ngoài ra, với các khoản chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở, dù đã được điều chỉnh từ ngày 11-7, nhưng vẫn đang thấp hơn so với thực tế bình quân năm 2021 khoảng 184-598 đồng một lít, tương đương 13-39% giá bán lẻ xăng dầu và 33 đồng một lít (khoảng 6%) với giá bán buôn dầu mazut. Ngoài các chi phí chưa được tính đúng, đủ từ đầu năm nay còn có các chi phí tăng cao bất thường. Đơn cử, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng 649 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí vận chuyển bình quân tăng 31%; dịch vụ thuê ngoài tăng 65% do giá xăng dầu sản lượng bán cao đột biến, các khoản chi phí dịch vụ khác, như thuê đất tăng làm tăng chi phí bình quân 3 đồng một lít; hay chênh lệch tỷ giá làm tăng chi phí giá bán bình quân thêm 17 đồng một lít.

Petrolimex kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh và phản ánh kịp thời vào giá cơ sở tại chu kỳ điều hành gần nhất, nhằm đảm bảo bù đắp chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế phát sinh của doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu xã hội. Doanh nghiệp này cũng đề nghị áp dụng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo USD/thùng, thay vì giá trị tuyệt đối trong giá cơ sở, để phản ánh phù hợp biến động tỷ giá và định kỳ rà soát điều chỉnh trước biến động bất thường.


Theo sggp.org.vn



 

.
.
.