Triển vọng kinh tế Việt Nam qua "lăng kính" các tổ chức tài chính quốc tế
Trước bức tranh kinh tế có phần ảm đạm của nhiều quốc gia trên thế giới, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn rất lạc quan khi mà Chính phủ, Bộ Tài chính đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Kết quả này đã được các tổ chức tài chính và giới truyền thông quốc tế đánh giá cao.
Việt Nam được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao triển vọng phát triển kinh tế. |
Nền tảng tài khoá vững chắc giúp nâng hạng tín nhiệm
Đầu tháng 9/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định. Theo ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, với lần nâng hạng này, Việt Nam chỉ kém mức đầu tư một bậc.
Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện.
Trước đó, Fitch Rating đã nâng hạng Việt Nam lên BB vào tháng 5/2018 và hiện tại Việt Nam đang xếp hạng BB về triển vọng tích cực.
Theo đánh giá của các chuyên gia, có 2 yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho việc nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam, bao gồm: Thứ nhất, sức mạnh kinh tế được thể hiện ở khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, khả năng chống chọi của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài của Việt Nam đoạn vừa qua nó tốt hơn hẳn các nước đồng hạng; Thứ hai, nền tảng về chính sách tài khóa khi Việt Nam đã thực hiện chính sách tài khóa thận trọng, nên lạm phát, bội chi được hạn chế, nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ cũng như là tái cơ cấu nợ công rất hiệu quả, chi phí đi vay của Việt Nam đang thấp xuống và đang chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước là chính.
Quốc gia châu Á duy nhất được nâng dự báo tăng trưởng kinh tế
Trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương được công bố ngày 26/9, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế khu vực trong năm nay giảm tốc so với mức tăng trưởng 7,2% năm 2021, trước khi tăng tốc lên mức 4,6% vào năm tới. Tuy nhiên, Việt Nam được WB dự báo dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng là 7,2% trong năm 2022, tăng từ mức dự báo hồi tháng 4/2022 là 5,3%.
Cùng ngày, báo Financial Times (Anh) đã đăng bài viết với nội dung đánh giá cao những kết quả hoạt động kinh tế mà 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đạt được trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung đang đối mặt với triển vọng u ám. Những nền kinh tế nổi bật được bài báo kể đến gồm Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia và Nhật Bản. Financial Times không quá bất ngờ khi Việt Nam nằm trong danh sách 7 nước có hoạt động kinh tế hiệu quả và coi đây là minh chứng điển hình cho thấy các chính sách của Việt Nam, đặc biệt là các chính sách tài khóa đang phát huy hiệu quả.
Việt Nam cũng là quốc gia châu Á duy nhất được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 vào hồi giữa tháng 9 này, nhờ việc gỡ bỏ các hạn chế liên quan tới COVID-19, các nỗ lực bao phủ vắc xin, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả...
Theo bà Era Dabla-Norris - Trợ lý Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4%; kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ trong các ngành sản xuất chế tạo, bán lẻ và du lịch.
Đồng thời, khuyến nghị Việt Nam cần phối hợp các chính sách vĩ mô một cách cẩn trọng để quản lý rủi ro và giảm nhẹ tác động của các lựa chọn đánh đổi về chính sách; tiếp tục tiến hành cải cách để đảm bảo tăng trưởng bền vững, phát triển doanh nghiệp, tăng cường đầu tư vào vốn con người.
Bên cạnh đó, bà Era Dabla-Norris cho biết: “IMF đánh giá chính sách tài khoá của Việt Nam đang hỗ trợ tốt cho nền kinh tế, các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế đã triển khai theo đúng kế hoạch, cải cách về quản lý thuế như tăng cường thu thuế thương mại điện tử và củng cố quản lý rủi ro tuân thủ được ghi nhận. Chúng tôi khuyến nghị các chính sách tài khóa cần linh hoạt trong bối cảnh nhiều bất ổn đáng kể”.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 21/9 cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á trong năm 2022 và 2023, trong bối cảnh một loạt thách thức gia tăng trên toàn cầu. Song đối với Việt Nam, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 và 2023 đều được ADB giữ nguyên trong ba Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á gần nhất. Với mức dự báo tăng trưởng như vậy, Việt Nam sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023.
Lạm phát tăng cao ở Mỹ và Liên minh châu Âu làm gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Tuy nhiên, theo ADB, chính sách tiền tệ thận trọng cùng chính sách tài khóa linh hoạt cùng việc kiểm soát giá hiệu quả, đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu của Việt Nam đã giúp kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% năm 2022 và 4,0% năm 2023.
"Hiển nhiên là các nỗ lực bình ổn giá xăng dầu của Chính phủ Việt Nam đã cho thấy sự hiệu quả. Tác động của giá nhiên liệu tăng lên lạm phát ít hơn đáng kể so với các quốc gia khác", ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá.
Theo Tạp chí Tài chính Online