.

Bình quân 11 tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,02% ​

Cập nhật: 16:57, 29/11/2022 (GMT+7)

Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước, có khả năng đạt được chỉ tiêu Quốc hội giao (không quá 4%).

Sáng 29-11, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11-2022 cả nước đã tăng 0,39% so với tháng trước; tăng 4,56% so với tháng 12-2021 và tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước, có khả năng đạt được chỉ tiêu Quốc hội giao (không quá 4%).

Lạm phát cơ bản tăng 2,38%, thấp hơn mức CPI bình quân chung, phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Nguồn: Tổng cục Thống kê 
Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,2%).

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,4%), đóng góp 6,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 6,5%, đóng góp 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

IIP 11 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 24%; Hà Tĩnh giảm 16,9%).

Nguồn: Tổng cục Thống kê 
Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-11-2022 tăng 0,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,9% so với cùng thời điểm năm trước.

Cũng theo cơ quan thống kê quốc gia, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-11-2022 (bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2022 ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong 11 tháng năm 2022 có 101 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 395,8 triệu USD, tăng 61,9% so với cùng kỳ năm trước; có 22 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 78,3 triệu USD, giảm 81,9%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 474,1 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Tổng cục Thống kê 
Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Hoạt động vận tải, trong tháng 11 duy trì đà tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa. Tính chung 11 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 48,7% và luân chuyển tăng 71,4% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 24,6% và luân chuyển tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng sản lượng vận chuyển hành khách 11 tháng năm nay chỉ bằng 72,6% và luân chuyển bằng 68,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19. Vận chuyển hàng hóa 11 tháng năm nay tăng 7,4% về vận chuyển và tăng 21% về luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019.

(Theo www.sggp.org.vn)

 

 

 

 

.
.
.