.

Doanh nghiệp thủy sản dự đoán sẽ gặp khó khăn trong năm tới

Cập nhật: 15:35, 28/11/2022 (GMT+7)

Thời điểm này, giá trị xuất khẩu và số lượng các đơn hàng của ngành thủy sản đều sụt giảm dù đang trong giai đoạn cao điểm tiêu dùng cuối năm. Theo kết quả khảo sát 117 doanh nghiệp thuỷ sản do vietnambiz.vn thực hiện, có 71% số doanh nghiệp cho rằng ngành thuỷ sản năm 2023 sẽ gặp khó khăn trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Số lượng các đơn hàng xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp đang trong tình trạng giảm sút mạnh. Ảnh: Nam Bình
Số lượng các đơn hàng xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp đang trong tình trạng giảm sút mạnh. Ảnh: Nam Bình

Theo TTXVN đưa tin, vietnambiz.vn thực hiện khảo sát 117 doanh nghiệp thuỷ sản bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết quả có 71% số doanh nghiệp cho rằng ngành thuỷ sản năm 2023 sẽ gặp khó khăn trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu; hơn 22% số doanh nghiệp đánh giá ngành này gặp khó khăn ở mức độ nghiêm trọng và gần 7% doanh nghiệp lạc quan vào ngành thuỷ sản trong thời gian tới.

Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm đơn hàng của ngành thủy sản là do biến động về tỷ giá, nguồn vốn bị thắt chặt. Đặc biệt, cơ cấu vốn nguyên liệu của những công ty thủy sản nhỏ và vừa chiếm tới 80%. Như vậy nếu doanh nghiệp không đủ vốn để mua nguyên liệu dẫn đến doanh nghiệp chậm trễ đơn hàng cho khách hàng.

Đồng thời, nền kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm; doanh nghiệp còn chịu sự cạnh tranh từ những đối thủ xuất khẩu mặt hàng thủy sản với chi phí thấp và giá bán rẻ hơn như Ecuador hay Ấn Độ. Lượng hàng tồn kho tăng, trong khi đó, khâu bảo quản, logistics của phần lớn doanh nghiệp trong ngành vẫn còn hạn chế.

Tại hội thảo về thách thức và giải pháp trước tình hình giảm số lượng đơn hàng và lãi suất tăng được tổ chức ngày 26-11, các chuyên gia kinh tế cho biết, để giải quyết tình trạng này, hầu hết các doanh nghiệp chọn tiến hành đầu tư vào công nghệ để phát triển bền vững (chiếm 87%).

Tuy nhiên, số doanh nghiệp này cho biết chưa sắp xếp được tài chính nên chưa thể triển khai giải pháp. Để giải quyết, nhiều doanh nghiệp chuyên cung cấp vật liệu, máy móc phục vụ ngành thủy sản đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, thỏa thuận, tạo cơ hội cho hai bên hợp tác cùng nhau.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam có nhiều thị trường để xuất khẩu sản phẩm của ngành thủy sản. Tiêu biểu là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc. Riêng thị trường Mỹ, lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch trên 2 tỉ đô la Mỹ.

Thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm cơ hội và giao thương với thị trường Mỹ.  Đối với thị trường Trung Quốc và châu Âu, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ tập trung các chương trình về nghiên cứu, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện hợp tác song phương nhiều hơn.

VASEP cho biết thêm, xuất khẩu thủy sản năm nay dự kiến đạt kim ngạch khoảng 11 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỉ đô la Mỹ, cá tra khoảng 2,5 tỉ đô la Mỹ, hải sản đạt 3,2 tỉ đô la Mỹ và cá ngừ là 1 tỉ đô la Mỹ. VASEP cho rằng, nếu thị trường khởi sắc vào cuối quí 1-2023, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2023 ở mức trên 10 tỉ đô la Mỹ.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.