ĐBQH tỉnh Tiền Giang thảo luận Luật Hợp tác xã và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
(ABO) Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 10-11, sau khi biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận đóng góp nhiều ý kiến cho 2 dự án luật này.
Hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước còn dàn trải, thiếu trọng tâm
Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho rằng sau gần 10 năm thực hiện, Luật Hợp tác xã (HTX) đã góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển HTX, góp phần tăng thu nhập cho người lao động trong HTX, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quy định pháp luật về kinh tế hợp tác còn nhiều nội dung chưa phù hợp, thiếu tính đồng bộ với pháp luật hiện hành. Vì vậy đại biểu thống nhất với việc sửa đổi Luật HTX và xin góp thêm một số ý kiến đối với Luật này.
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường. |
Cụ thể, về việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác, đại biểu đồng tình với việc cần quy định nội dung cụ thể và tập trung nguồn lực cho các tổ chức kinh tế hợp tác theo hướng phát triển kinh tế mà Đảng và Nhà nước có quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 20. Nội dung của dự thảo quy định nội dung này tại Điều 5 và các Điều từ 16 đến Điều 21.
Tuy nhiên, các nội dung ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước trong từng chính sách được liệt kê còn quá nhiều, mang tính dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm, chưa thể hiện được sự đặc trưng và tính thực chất mà tổ chức kinh tế hợp tác thực sự cần. Đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm xác định nội dung hỗ trợ mang tính tập trung nhằm mang lại tính khả thi cao, đảm bảo được hiệu quả hỗ trợ và phù hợp với nguồn lực kinh tế.
Bên cạnh đó, theo dự thảo Luật, một số nội dung chính sách còn mang tính khái quát cao, thiếu tính định lượng. Ví dụ như: Dự thảo nêu là hỗ trợ lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động có chất lượng cao làm việc tại các tổ chức kinh tế hợp tác, thì chưa rõ tiêu chí để xác định lao động có chất lượng cao là gì và việc hỗ trợ lương thưởng, phúc lợi theo định lượng nào.
Ngoài ra, việc hỗ trợ về chính sách thuế, đại biểu đề nghị cần rà soát, đối chiếu với Luật Thuế hiện hành để có sự đồng bộ với Luật Thuế như: Các nội dung là miễn giảm thuế đối với lợi nhuận từ giao dịch nội bộ của các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thuế thu nhập trích lập quỹ chung, không chia và phần thu nhập hình thành tài sản chung không chia, các nội dung khác liên quan đến miễn giảm thuế mà chưa được quy định trong Luật Thuế thì cũng cần được xem xét rà soát để có sự thống nhất.
Đối với phương thức hỗ trợ theo dự thảo Luật, việc hỗ trợ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị của Nhà nước được thực hiện thông qua các dự án đầu tư hoặc là phi dự án thì Nhà nước hỗ trợ một lần sau đầu tư và theo định mức do UBND cấp tỉnh quy định.
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đề nghị cần quy định rõ, giao UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cho tổ chức kinh tế hợp tác thuộc địa phương mình quản lý và trên cơ sở là dự án đầu tư hoặc là phi dự án được thực hiện theo định mức kinh tế kỹ thuật do pháp luật quy định.
Về kiểm toán tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, theo cơ quan soạn thảo, kiểm toán là căn cứ để Nhà nước xem xét hỗ trợ.
Theo đại biểu, cần phải làm rõ quy định này để các tổ chức có liên quan dễ dàng trong triển khai thực hiện. Điều 98 của dự thảo Luật quy định là tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân phải thực hiện kiểm toán độc lập và theo Tờ trình Chính phủ thì kiểm toán là một trong các căn cứ để Nhà nước xem xét hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế hợp tác, nhưng mà nội dung này thì chưa được quy định rõ ràng trong mục đích của báo cáo kiểm toán tại Điều 99.
Ngoài ra, nếu kiểm toán là căn cứ để Nhà nước hỗ trợ cho tổ chức kinh tế hợp tác thì đối với tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân, không bắt buộc kiểm toán thì việc hỗ trợ phải được căn cứ từ đâu? Đại biểu đề nghị cần làm rõ quy định này để các tổ chức có liên quan dễ dàng trong triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu góp ý thảo luận. |
Đối với chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho HTX, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét và thiết kế nội dung theo hướng hỗ trợ để phát triển tổ chức kinh tế hợp tác mà việc hỗ trợ này đề nghị giảm dần theo việc gia tăng của hiệu quả và sự tiến bộ của HTX để tiến đến sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong thị trường.
Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý về vấn đề giải quyết phá sản đối với tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân có nhiều điều khoản quy định chồng chéo với Luật Phá sản. Tại Điều 71 khoản 2 quy định thứ tự xử lý vốn tài sản còn lại khi giải thể phá sản, có sự khác biệt so với quy định của Luật Phá sản về thứ tự ưu tiên. Theo dự thảo Luật, ưu tiên trả lại phần góp vốn của thành phần liên kết có góp vốn, sau đó mới đến thanh toán nghĩa vụ và cuối cùng là chia cho các thành viên của HTX theo tỷ lệ góp vốn. Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm vấn đề khác nhau giữa luật này với Luật Phá sản.
ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang tham gia kỳ họp. |
Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến Luật HTX (sửa đổi) tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, xác đáng, trách nhiệm của các ĐBQH. Đồng thời, Bộ trưởng giải trình, làm rõ thêm một số nội dung.
Về các chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế tập thể, Bộ trưởng đồng ý cần thiết kế chính sách mạnh mẽ hơn, tập trung hơn, có trọng tâm trọng điểm hơn, cụ thể, rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần tập trung làm rõ tính đặc thù, chú trọng chính sách chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, tăng cường áp dụng thành tựu khoa học công nghệ.
Về tổ chức đại diện, Liên minh HTX, Bộ trưởng chỉ ra rằng, có nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ, tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định về tổ chức đại diện và hệ thống Liên minh HTX tại dự thảo Luật này cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo của hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các chính sách, đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là nhóm người dễ bị tổn thương
Cho ý kiến thảo luận đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đánh giá cao Ban soạn thảo đã nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý của ĐBQH. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc giải trình không tiếp thu việc bổ sung nội dung về dịch vụ khuyết tật hay dịch vụ không đảm bảo chất lượng là chưa thỏa đáng.
Đại biểu cho rằng, với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam không chỉ gói gọn trong sản phẩm hàng hóa, mà còn sử dụng rất nhiều dịch vụ khác nhau để phục vụ cho cuộc sống (như dịch vụ du lịch, dịch vụ khách sạn, dịch vụ tư vấn…). Đây là những hoạt động bên cạnh việc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống thì cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng và quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ trong ngắn hạn mà đôi khi là dài hạn hay suốt cuộc đời.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến thảo luận. |
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhận thấy, việc làm rõ khái niệm hàng hóa có khuyết tật nên được điều chỉnh lại, cân nhắc việc bổ sung các quy định cho nhóm dịch vụ. Trong thực tế đối với dịch vụ, người tiêu dùng có khả năng kiểm soát cao hơn đối với chất lượng và tính an toàn của dịch vụ so với những hàng hóa khác, nhưng trong nhiều trường hợp người tiêu dùng không biết và không thể kiểm soát được tác động thiệt hại của dịch vụ khuyết tật đối với mình. Do vậy rất cần được bảo vệ trong khuôn khổ của dự án Luật này.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thì chúng ta phải bảo vệ trên mọi khía cạnh, mọi góc độ, đặc biệt khi dự án Luật có quy định về nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ bao gồm những nhóm như đang nêu ở dự thảo Luật lần này, mà cần tiếp tục bổ sung thêm cho đầy đủ và toàn diện.
Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc bổ sung dịch vụ có khuyết tật, vì trong thực tế có những dịch vụ không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe cần được pháp luật điều chỉnh.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân giải trình làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu. |
Phát biểu giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rộng, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành. Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu ý kiến theo hướng dự thảo Luật điều chỉnh những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh.
Dự án Luật tập trung nhiều vào việc bảo vệ cá nhân người tiêu dùng; cả những yếu tố là người nước ngoài mua hàng tại Việt Nam; phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quan tâm đến người tiêu dùng là tổ chức, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và rà soát, bổ sung.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Luật; đồng thời sẽ có báo cáo đánh giá tác động với một số nội dung đại biểu đã nêu.
MINH TRÍ - THU HOÀI