Thứ Hai, 21/11/2022, 10:07 (GMT+7)
.

Hàng dệt may Việt Nam đã đến được 66 thị trường quốc tế

Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 37,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Sản phẩm của ngành dệt may đã xuất khẩu đến 66 nước và vùng lãnh thổ. Nổi bật là thị trường các nước trong khối Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…

Trong ngành dệt may, có 47-50 mặt hàng được xuất khẩu sang các nước. Ảnh minh họa: T.L
Trong ngành dệt may, có 47-50 mặt hàng được xuất khẩu sang các nước. Ảnh minh họa: T.L

TTXVN dẫn nguồn từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có 47-50 mặt hàng ngành dệt may được xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, mặt hàng quần áo may mặc xuất khẩu đạt 29,1 tỉ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đạt 37,9 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Sản phẩm của ngành dệt may đến nay đã xuất khẩu đến 66 nước và vùng lãnh thổ.

Nổi bật là xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 13,9 tỉ đô la Mỹ; các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đạt 4,733 tỉ đô la Mỹ; các nước trong khối Liên minh châu Âu đạt 3,63 tỉ đô la Mỹ; Hàn Quốc là 2,525 tỉ đô la Mỹ; Trung Quốc là 925 triệu đô la Mỹ.

Hiệp hội này cho biết thêm, đến cuối năm, xuất khẩu ngành dệt may hướng đến mục tiêu đạt 42-43 tỉ đô la Mỹ. Năm 2023, ngành dệt xuất khẩu đạt 45-47 tỉ đô la Mỹ.

Theo Baochinhphu.vn, với thị trường nội địa, 10 tháng đầu năm 2022, doanh thu nội địa của ngành dệt may Việt Nam đạt 4,8 tỉ đô la Mỹ. Đặc biệt, tỉ lệ doanh nghiệp dệt may bán hàng qua thương mại điện tử trong năm tăng lên 18-20%.

Doanh nghiệp ngành dệt may đang chuyển đổi sang quản trị số, xu thế “xanh hóa” trong sản xuất. Các doanh nghiệp còn kết nối, mở rộng thị trường, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, dệt may Việt Nam cũng hạn chế nhập khẩu, chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. Hiện, ngành đã nội địa hóa được khoảng 49%.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá. Cụ thể, đơn hàng bình quân của các doanh nghiệp giảm từ 25-27%. Doanh nghiệp sản xuất gia công, sản xuất mặt hàng giá rẻ chịu nhiều tác động nhất.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.