Thứ Hai, 14/11/2022, 13:52 (GMT+7)
.

Tiền Giang đồng hành, hỗ trợ kinh tế tập thể

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Chương trình Hỗ trợ phát triển KTTT, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình) với nhiều nội dung quan trọng.

PHẤN ĐẤU TRÊN 30 HTX KIỂU MỚI GẮN VỚI CHUỖI GIÁ TRỊ

Mục tiêu quan trọng của Chương trình là hỗ trợ, phát triển khu vực KTTT, HTX cả chiều rộng và chiều sâu; trong đó, đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của người dân về KTTT, HTX. Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 là mỗi năm thành lập mới từ 5 - 10 HTX, nâng tổng số đến năm 2025 khoảng 265 HTX; trong đó, có hơn 175 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, tăng số lượng thành viên, lao động tham gia vào các tổ chức KTTT khoảng 2 - 3%/năm.

Chương trình cũng đặt mục tiêu có 100% số HTX, liên hiệp HTX tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật HTX; có khoảng 50% tổng số HTX hoạt động từ loại khá trở lên; 20% cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng trên 30 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; trên 40% tổng số tổ chức KTTT, HTX có liên kết với doanh nghiệp, tổ chức KTTT khác.

Hoạt động tại HTX Rau an toàn Phú Quới (xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây).
Hoạt động tại HTX Rau an toàn Phú Quới (xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây).

Để thực hiện các mục tiêu trên, một trong những nhóm nội dung quan trọng mà tỉnh sẽ tập trung thực hiện là: Thành lập mới, củng cố tổ chức KTTT, HTX; nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về KTTT; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm.

NÂNG CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC, HỖ TRỢ ĐẦU TƯ HẠ TẦNG

Để tổ chức thực hiện Chương trình, UBND tỉnh Tiền Giang đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhóm nội dung. Theo đánh giá, việc hỗ trợ các HTX nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng là nhóm nội dung rất cần thiết và quan trọng với các HTX hiện nay.

Theo đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập, năng lực quản lý, quản trị của HTX hiện còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu nhân lực có trình độ, chuyên môn cao đáp ứng được nhiệm vụ tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Số cán bộ quản lý của 182 HTX nông nghiệp hiện nay là 1.038 người; trong đó, trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 12,8%, trình độ trung cấp chiếm 1,9%, trình độ sơ cấp chiếm 2,4%, số cán bộ chưa qua đào tạo chiếm 82,9%.

Bên cạnh đó, hiện vẫn còn nhiều HTX có quy mô hoạt động nhỏ, cơ sở vật chất còn hạn chế, khả năng cạnh tranh yếu. Nhu cầu đầu tư mới, mở rộng nhà kho, nhà sơ chế, xưởng sản xuất chế biến, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất… cho HTX nông nghiệp rất lớn. Trong khi đó, nguồn lực tài chính của HTX nông nghiệp còn hạn chế nên rất cần nguồn lực từ cơ chế, chính sách nhà nước hỗ trợ.

Theo đồng chí Võ Văn Lập, để hỗ trợ các HTX về nguồn nhân lực, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu triển khai chính sách hỗ trợ phát triển HTX theo Quyết định 1804 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 16/2022 ngày 8-7-2022 của HĐND tỉnh quy định mức chi hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực đối với thành viên, người lao động của tổ chức KTTT, chi hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức KTTT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2025 và Chương trình.

Cụ thể, tỉnh Tiền Giang sẽ hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại tổ chức KTTT với mức hỗ trợ hằng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng. Thời gian hỗ trợ cho mỗi người theo thời gian làm việc thực tế nhưng tối đa không quá 3 năm, số lượng người được hỗ trợ tối đa là 2 người cho một tổ chức KTTT/năm.

Tỉnh sẽ ưu tiên cán bộ kỹ thuật, kế toán, quản trị kinh doanh để hỗ trợ quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu và lĩnh vực hoạt động chính của HTX; có sự hiểu biết về KTTT, HTX; là con em thành viên HTX, sống ở địa phương.

Đối với đào tạo bồi dưỡng quản trị HTX, ngành Nông nghiệp sẽ thường xuyên phối hợp các chuyên gia về KTTT ở viện, trường về tập huấn đào tạo nâng cao năng lực cho HTX gắn với những nhu cầu thực tế, những yếu kém mà HTX đang cần như: Quản lý điều hành; lập và triển khai phương án sản xuất, kinh doanh; công tác kế toán; công tác kiểm soát HTX, ứng dụng chuyển đổ số trong HTX…

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung hỗ trợ hạ tầng cho HTX nông nghiệp như: Xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế, chế biến; mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng thành viên... Để đảm bảo hiệu quả chính sách hỗ trợ, ngành Nông nghiệp đề nghị địa phương ưu tiên lựa chọn các HTX hoạt động có hiệu quả, có liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên; có phương án sản xuất, kinh doanh và khai thác sử dụng hạ tầng đầu tư đúng mục đích sản xuất, kinh doanh.

M. THÀNH

.
.
.