.

Đồng bằng sông Cửu Long: Tích hợp đa giá trị trong ngành hàng lúa gạo

Cập nhật: 10:46, 02/12/2022 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long đã có loại gạo ngon đứng vào top đầu thế giới, tuy nhiên hiệu quả xuất khẩu gạo vẫn chưa xứng tầm với những điều kiện hiện có; thu nhập của nông dân sản xuất lúa còn thấp.

Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa Thu Đông. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)
Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa Thu Đông. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Đóng góp trên 50% sản lượng lúa cả nước và 90% sản lượng lúa xuất khẩu, tuy nhiên chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh sản phẩm và thu nhập của nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thấp.

Để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo; thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường sinh thái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện thành công đề án này, lúa gạo sẽ là ngành hàng đi đầu trong sản xuất nông nghiệp có hệ sinh thái với cách tiếp cận đa giá trị, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường.

Đây cũng là nội dung thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; góp phần thực thi cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 vừa đảm bảo tăng trưởng sản xuất vừa bảo vệ được môi trường.

Đồng bằng sông Cửu Long đã có loại gạo ngon đứng vào top đầu thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã đưa sản phẩm gạo Việt với thương hiệu của mình ra thế giới.

Tuy nhiên, so với sản lượng sản xuất và xuất khẩu thì những điểm sáng này còn rất nhỏ. Nhìn chung, hiệu quả xuất khẩu gạo vẫn chưa xứng tầm với những điều kiện hiện có. Thu nhập của nông dân sản xuất lúa thấp và không tương xứng so với thu nhập của các khâu khác trong chuỗi kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Trong sản xuất, các hình thức tổ chức liên kết nông dân chưa phát triển rộng; vật tư đầu vào chưa được quản lý tốt; khâu sấy lúa, chế biến sâu còn nhiều hạn chế, gây thất thoát và chưa tạo nhiều giá trị gia tăng.

Hơn nữa, việc sản xuất lúa thiếu tính bền vững, gây ra phát thải lớn đã để lại một số tác động, ảnh hưởng đến môi trường và biến đổi khí hậu.

Với định hướng xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp phát triển nông thôn cho rằng, tổ chức lúa gạo là phải dựa vào lợi thế, dựa vào thích ứng tình hình biến đổi khí hậu theo tinh thần thuận thiên ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sản xuất phải ở quy mô lớn để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, thậm chí một số khâu phải tự động hóa.

“Đề án phải phát huy sức mạnh tổng hợp của Trung ương, địa phương, doanh nghiệp, nông dân và quốc tế để có được nguồn đầu tư, bám sát vào thị trường, căn cứ vào thị trường xác định quy mô, tiêu chuẩn, kỹ thuật xây dựng quy trình bền vững. Phải xây dựng được hệ sinh thái tổ chức, thể chế gắn bó giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp với hợp tác xã và liên kết vùng," ông Đặng Kim Sơn góp ý.

Ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra quan điểm, 1 triệu ha lúa này phải có sự liên kết với nông dân, doanh nghiệp. Nếu không có sự liên kết, nông dân vẫn tự sản xuất lúa, thương lái vẫn tự do đi thu mua thì sẽ không phải vùng này.

Bốc xếp gạo xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Bốc xếp gạo xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Với 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ông Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, Việt Nam đã có các giống lúa đủ tốt và điều cần quan tâm là tổ chức sản xuất ra sao vừa đem lại hiệu quả, vừa bảo đảm sự phát triển bền vững.

Để làm tốt điều này, việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia tích cực trong việc triển khai đề án, bởi họ sẽ là những người giúp tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, nếu không có doanh nghiệp thì sẽ không thể có được 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Bởi, thời gian qua đã chứng minh chỉ có doanh nghiệp mới làm được cánh đồng liên kết.

Khi xây dựng 1 triệu ha lúa này, doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải thu mua hết cho nông dân khi vào vụ. Thu mua ngay tại ruộng và chỉ trong ít ngày. Chưa nói đến vấn đề doanh nghiệp phải tiêu thụ thế nào, doanh nghiệp sẽ cần đáp ứng được khả năng sấy và lưu kho.

“Cơ chế chính sách gì để doanh nghiệp được vay vốn có thể đầu tư và thu mua, tích trữ được 1 triệu ha lúa này. Doanh nghiệp cần vay vốn ngắn hạn để thu mua lúa cho nông dân và vay vốn dài hạn từ 7-10 năm để đầu tư máy sấy và silo chứa lúa. Doanh nghiệp phải có đủ vốn và cơ sở hạ tầng thì mới có thể đảm bảo để tham gia vào 1 triệu ha này," ông Phạm Thái Bình chỉ ra.

Như vậy, chính sách thu hút đầu tư là một điểm hết sức quan trọng trong việc thực thi đề án. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước chỉ tính riêng trong khâu đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu chủ động cũng là yếu tố rất cần được quan tâm. Bởi, khi có hạ tầng tốt thì mới có thêm giải pháp giảm nước tưới, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như “nông, lộ, phơi” hay "1 phải 5 giảm..." từ đó giúp giảm phát thải carbon.

Thông qua kinh nghiệm từ việc hỗ trợ dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), các chuyên gia của World Bank cho rằng, bên cạnh giá trị lúa gạo, trọng tâm là phải giảm phát thải và mang đến một khoản chi trả cho những người đã đóng góp vào công cuộc giảm phát thải khí carbon.

Quỹ chi trả carbon dựa trên kết quả sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành lúa gạo Việt Nam gia tăng thương hiệu, tiến nhập thị trường carbon toàn cầu. Nếu nhận được chi trả này sẽ tạo nên thương hiệu gạo chất lượng cao giảm phát thải.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, không chỉ là giống lúa chất lượng cao, vùng này phải đảm bảo quy trình sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính và sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu ra có giá trị gia tăng, đem lại lợi ích cho các bên tham gia.

Trên cơ sở xây dựng các tiêu chí cơ bản về vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo, các hợp tác xã để xác định diện tích triển khai cụ thể tại các vùng sản xuất đã được quy hoạch đất sản xuất lúa. Qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia thực hiện đề án.

“Đây là vấn đề khó, đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm cao của các bên tham gia thì mới có thể thực hiện thành công. Nhưng đây cũng là con đường tất yếu của ngành hàng lúa gạo," Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/dong-bang-song-cuu-long-tich-hop-da-gia-tri-trong-nganh-hang-lua-gao/833551.vnp)

 

 

 

.
.
.