.

Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm

Cập nhật: 11:35, 01/12/2022 (GMT+7)

(ABO) Sáng 1-12, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo Những giải pháp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Theo Phó Cục trưởng Cục SHTT Trần Lê Hồng, sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu sau đại dịch Covid-19 tạo nên nhu cầu lớn của doanh nghiệp (DN) và các chủ thể về hoạt động SHTT, đặc biệt là trong việc xác lập, khai thác và thực thi quyền SHTT tại nước ngoài, phục vụ xuất khẩu hàng hóa.

Có thể nói, SHTT ngày càng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng hỗ trợ các DN Việt Nam tự tin và vững chắc hơn khi tiến hành hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế.

Chính vì vậy, hoạt động đăng ký bảo hộ quyền SHTT của DN Việt Nam tại nước ngoài cũng theo đó không ngừng gia tăng.

Theo thống kê của Cục SHTT, trong 5 năm gần đây, số lượng đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam qua hệ thống đăng ký quốc tế liên tục tăng. Không chỉ gia tăng về số lượng đơn, số lượng nước được chỉ định trong đơn cũng nhiều hơn với trên 50 quốc gia.

Các thị trường được các DN đăng ký nhiều bao gồm: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc… Danh mục hàng hóa, dịch vụ được các DN đăng ký cũng đa dạng hơn.

Đồng chí Trần Lê Hồng phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí Trần Lê Hồng phát biểu tại hội thảo.

Ngoài các sản phẩm, dịch vụ truyền thống của Việt Nam như: Nông sản, thực phẩm… những năm gần đây, có nhiều DN đã đăng ký các sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh với các DN nước ngoài như mỹ phẩm, công nghệ, thiết bị y tế…

Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Lê Hồng, thời cơ lớn luôn đồng hành cùng những thách thức. Sự chậm trễ trong việc nắm bắt quyền, hiểu biết chưa đầy đủ các quy định pháp luật SHTT đã và đang khiến nhiều DN Việt Nam đánh mất quyền SHTT tại thị trường mục tiêu, trở thành rào cản lớn trong nỗ lực xuất khẩu sản phẩm.

Đồng chí Lê Quang Khôi phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí Lê Quang Khôi phát biểu tại hội thảo.

Nhằm hỗ trợ DN thuận lợi đăng ký nhãn hiệu, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện khung pháp luật SHTT nhằm đáp ứng cam kết của các hiệp định thương mại tự do; xây dựng các chính sách, chương trình hỗ trợ DN phát triển tài sản trí tuệ; thiết lập các kênh tư vấn trong nước nhằm cung cấp cho các DN thông tin cần thiết về SHTT.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang Lê Quang Khôi cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 87.000 ha cây ăn trái, lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các sản phẩm chủ lực như: Sầu riêng, xoài, vú sữa, thanh long…

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội thảo.
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội thảo.

Đến nay, Sở KH&CN đã hỗ trợ công nhận 2 chỉ dẫn địa lý, 20 nhãn hiệu tập thể, 7 nhãn hiệu chứng nhận; trong đó có 8 nhãn hiệu không còn quản lý.

Tuy nhiên, việc khai thác các nhãn hiệu cộng đồng thời gian qua cũng còn gặp một số khó khăn. Trước hết là mô hình chủ sở hữu chưa phù hợp.

Mặt khác, vai trò của các tổ chức tập thể còn mờ nhạt do các yếu tố về con người, kinh phí hoạt động… chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, nhận thức của hợp tác xã, DN và người dân trên địa bàn trong vấn đề bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu cộng đồng còn hạn chế…

Đại diện Cục SHTT trình bày tham luận tại hội thảo.
Đại diện Cục SHTT trình bày tham luận tại hội thảo.

Đồng chí Lê Quang Khôi cũng đề ra một số giải pháp để duy trì và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhãn hiệu cộng đồng. Đồng thời, đề xuất Cục SHTT hỗ trợ tỉnh Tiền Giang đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sầu riêng (Cai Lậy hoặc Tiền Giang) tại Trung Quốc. Các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá nhãn hiệu sầu riêng tại thị trường nước ngoài.

Tại hội thảo, các đại biểu còn trình bày các tham luận xoay quanh các nội dung, như: Thực tiễn hoạt động xuất nhập khẩu nông sản ở một số thị trường xuất khẩu trọng điểm - những vấn đề cần lưu ý liên quan đến thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý; hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực có tiềm năng xuất khẩu; các hoạt động hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài; các quy định pháp luật và thực tiễn đăng ký bảo hiệu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại một số thị trường…

M. THÀNH

.
.
.