Tập trung chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long
Thời gian qua, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân khu vực này.
Nông dân tỉnh Tiền Giang chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dứa xuất khẩu. (Ảnh: K.V) |
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa lớn nhất cả nước, với mật độ canh tác 3 vụ/năm, trong đó hiệu quả nhất là 2 vụ Đông-xuân và Thu-đông. Tuy nhiên, với việc giá lúa gạo bấp bênh, tình hình xuất khẩu gạo gặp khó thì việc giảm diện tích đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây khác ở Đồng bằng sông Cửu Long đang là việc làm cấp bách.
Được biết, ngay từ đầu năm 2014, Cục Trồng trọt, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cùng các địa phương trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của cả nước, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu suất, giá trị và lợi nhuận cho nông dân đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long vùng tính toán thực hiện.
Có thể khẳng định, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã thực sự tăng hiệu quả sản xuất và đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, việc chuyển đổi trồng cây ăn trái hay luân canh rau màu, diện tích tăng nhanh hoặc chậm còn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tiêu thụ nông sản.
Bước đầu, nhiều địa phương đã tổng kết thành các gói quy trình kỹ thuật tương đối đồng bộ, phục vụ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đậu tương, lạc, vừng... Các sản phẩm ngô, đậu tương, vừng, dưa, rau có thị trường tiêu thụ tốt, nhất là ngô và đậu tương. Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng bước đầu cho thấy cây màu, cây ăn trái hiệu quả cao hơn lúa, đồng thời giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Luân canh cây trồng cũng góp phần hạn chế sâu bệnh gây hại cho lúa và giảm được áp lực nước tưới trong thời điểm nắng hạn.
Ngoài ra, việc chuyển đổi cũng làm tăng thêm nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn, hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu, từ đó giảm giá thành chăn nuôi. Nhiều mô hình chuyển đổi ở các tỉnh như: Hậu Giang, Tiền Giang, Long An, An Giang, thành phố Cần Thơ …đã giúp cho người nông dân vất vả, "một nắng, hai sương" với cây lúa trở thành những tỷ phú, không chỉ thoát nghèo mà còn giúp nhiều hộ khác ở địa phương mình cùng vươn lên làm giàu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, năm 2021 tỉnh đã chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đạt trên 1.700 ha. Trong đó, chuyển sang cây hàng năm hơn 1.000 ha, cây lâu năm 534 ha và nuôi thủy sản kết hợp với trồng lúa hơn 160 ha.
Còn tại TP Cần Thơ, năm 2021 bà con nông dân địa phương tiếp tục thu được nhiều kết quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Cụ thể có gần 1.700 ha diện tích cây ăn trái các loại như xoài, mít, sầu riêng, chanh... được trồng mới trên nền đất lúa kém hiệu quả. Bên cạnh đó, trong vụ hè thu 2021 việc luân canh trên nền đất lúa, TP Cần Thơ chuyển đổi sang trồng vừng được hơn 1.000 ha.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tình hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa năm 2022 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng trên 73.000 ha. Tuy nhiên cũng có nhiều nguyên nhân, tồn tại trong quá trình chuyển đổi, đó là vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát, chưa gắn với kế hoạch chung. Một số cây trồng khi chuyển đổi nhưng lại có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra tiêu thu sản phẩm chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ lẻ.
Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa đảm bảo khâu tiêu thụ mang tính bền vững. Nhất là chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa nên việc chuyển đổi sang cây trồng khác chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp.
Trong khi đó, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng khác đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Các địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, khoa học-kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Một số địa phương chưa tính toán chi tiết và phân tích đầy đủ giá trị sản xuất trồng trọt nên việc khuyến cáo, tổ chức chuyển đổi chưa đạt hiệu quả cao.
Theo các chuyên gia kinh tế, để giúp người nông dân chuyển đổi giống cây trồng, các địa phương cần phải lựa chọn loại cây trồng phù hợp để hướng dẫn nông dân chuyển đổi. Trên cơ sở kết quả các mô hình và điều kiện cụ thể của địa phương để xác định các công thức luân canh giữa lúa và các cây trồng khác đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất, đặc biệt, chỉ hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng khi nắm vững được thị trường tiêu thụ.
Kết quả tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, trực tiếp là cho người nông dân, tuy nhiên cũng gặp không ít thách thức, đó là những khó khăn về vốn, điều kiện về khoa học - công nghệ còn thiếu và yếu, quy mô sản xuất, liên kết giữa các thành phần kinh tế hiệu quả thấp, kinh tế hợp tác hiệu quả chưa cao, môi trường sinh thái bị ô nhiễm nghiêm trọng... Tái cấu trúc nền kinh tế là một quá trình khách quan, nhưng đồng thời cũng phụ thuộc rất nhiều vào các nhân tố chủ quan như nhận thức và hành động của con người trong thực tiễn.
Gắn liền với thực hiện các mục tiêu và phương hướng tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần đổi mới và tăng cường khả năng chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương đối với quá trình này, coi đây là một trong những biện pháp hàng đầu hiện nay để khai thác tiềm năng nông nghiệp, phát triển kinh tế vững chắc, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, từng bước đưa vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành một vùng giàu có, văn minh, hiện đại.
Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có các giải pháp cụ thể để thực hiện, đó là: Phải hoàn thiện về thể chế và chính sách hỗ trợ chuyển đổi trên đất trồng lúa; hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là thuỷ lợi của các vùng chuyển đổi; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khuyến nông phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hoá sản xuất…
Các địa phương trong khu vực phải tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt.
Đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng. Kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất.