.

Tiền Giang chủ động phòng, chống hạn, mặn

Cập nhật: 15:45, 12/12/2022 (GMT+7)

Để chủ động phòng, chống hạn, mặn mùa khô 2022 - 2023, tỉnh Tiền Giang đã chủ động xây dựng kịch bản, phương án bảo vệ sản xuất và đời sống người dân cho từng vùng.

VÙNG PHÍA ĐÔNG ĐẨY SỚM LỊCH THỜI VỤ

Các huyện, thị phía Đông của tỉnh nằm gần biển nên bị tác động trực tiếp khi mùa hạn, mặn đến. Sau 2 đợt hạn, mặn lịch sử (2015 - 2016 và 2019 - 2020), người dân địa phương đã chủ động hơn trong việc phòng, chống hạn, mặn.

Cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp được ngành Nông nghiệp triển khai quyết liệt để người dân “sống chung” với hạn, mặn. Song song với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa khô năm 2022 - 2023, việc cắt vụ lúa thu đông tiếp tục được người dân vùng phía Đông triển khai thực hiện, đặc biệt là với huyện tiếp giáp biển như Gò Công Đông, nhằm xuống giống sớm vụ lúa đông xuân để “né” mặn.

Thi công cống ngăn mặn Phú Phong.
Thi công cống ngăn mặn Phú Phong.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa (xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông) cho biết, đến thời điểm này, thành viên của HTX và người dân địa phương đã hoàn thành việc xuống giống vụ lúa đông xuân. Năm nay, thành viên HTX tiếp tục sản xuất lúa sạch kết hợp ứng dụng công nghệ cao với các giống lúa cao sản như: ST25, Nàng hoa 9. Việc xuống giống sớm nhằm giúp nông dân chủ động nguồn nước trước nguy cơ của hạn, mặn.

Để đảm bảo nước sinh hoạt cho khu vực phía Đông trong mùa khô, khi độ mặn lớn hơn 250 mg/lít xuất hiện đến khu vực Vườn hoa Lạc Hồng, TP. Mỹ Tho, tỉnh sẽ cho mở vận hành 6 giếng khoan dự phòng trên địa bàn TP. Mỹ Tho, mở vận hành bơm 4 giếng dự phòng ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo. Điều này để tập trung điều tiết nguồn nước của Nhà máy Nước Đồng Tâm cho các huyện, thị phía Đông. Khi độ mặn lớn 250 mg/lít xuất hiện đến khu vực xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh sẽ mở vận hành 12 giếng khoan dự phòng.

Đồng thời, bơm bổ cấp nguồn nước ngọt từ kinh Sáu Ầu - Xoài Hột đảm bảo lượng nước thô để sản xuất nước sinh hoạt tại 2 Nhà máy Nước Đồng Tâm và Bình Đức nhằm bổ cấp nguồn về cho các huyện phía Đông.

Bên cạnh đó,  sẽ tổ chức mở các vòi nước công cộng (huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và TX. Gò Công) để cho nhân dân thuộc các xã vùng sâu, ngoài đê, các hộ sống phân tán chưa được sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung đến lấy nước miễn phí.

Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư và sớm hoàn thành Dự án Mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công để đưa vào phục vụ cho công tác phòng, chống hạn, mặn.

Theo kế hoạch của ngành Nông nghiệp, vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công sẽ xuống giống vụ lúa đông xuân sớm hơn (đầu tháng 11-2022) để “né” hạn, mặn trong mùa khô. Đối với diện tích không xuống giống kịp lịch thời vụ khuyến cáo, người dân chuyển sang trồng cây ngắn ngày.

Nếu xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2022 - 2023 xấp xỉ mùa khô năm 2021 - 2022 và diện tích lúa đông xuân xuống giống đúng theo khung lịch thời vụ thì diện tích này sẽ cắt nước trước ngày 15-2-2023. Khi đó, cống Xuân Hòa, Rạch Chợ vẫn còn lấy gạn được nước có thể đảm bảo nước tưới, tránh được thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ tập trung giải phóng các chướng ngại vật lòng kinh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kinh trục, cấp 1, 2.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức trục vớt, duy trì thông thoáng lòng sông, kinh, rạch; tích cực trữ nước trên kinh, rạch, ao... Ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức đo đạc, kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước trên các tuyến sông và nội đồng. Giải pháp quan trọng là ngăn mặn triệt để, sửa chữa kịp thời những cống không đảm bảo ngăn mặn; tiếp tục chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện nạo vét các tuyến kinh cấp 1, 2, 3… nhằm tích trữ nước phục vụ sản xuất.

PHÍA TÂY CHỦ ĐỘNG

Các huyện phía Tây của Tiền Giang là khu vực dễ chịu “tổn thương” bởi xâm nhập mặn. Do đó, tỉnh cũng đã xây dựng kịch bản để bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt của người dân, đặc biệt là tại vùng chuyên canh cây ăn trái. Đối với vùng Dự án Bảo Định mở rộng, để bảo vệ sản xuất, ngành Nông nghiệp sẽ kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, mặn trên sông Tiền, sông Năm Thôn. Đồng thời, phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre để theo dõi diễn biến mặn từ cửa sông Hàm Luông xâm nhập qua sông Tiền nhằm thông tin rộng rãi để các địa phương đắp đập ngăn mặn kịp thời.

Nông dân xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây chủ động xuống giống vụ lúa đông xuân để “né” mặn.
Nông dân xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây chủ động xuống giống vụ lúa đông xuân để “né” mặn.

Để đảm bảo việc ngăn mặn, các địa phương sẽ chủ động sửa chữa kịp thời những cống không đảm bảo ngăn mặn; tổ chức đắp đập nhằm ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện nạo vét các tuyến kinh cấp 2, 3 để trữ nước. Hiện nay, tỉnh đang triển khai các cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864. Tiến độ thi công các cống đang được đẩy nhanh.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, dự kiến đến cuối tháng 1-2023, đơn vị thi công sẽ hoàn thành việc lắp cửa cống Rạch Gầm và Phú Phong. Nếu đầu tháng 2-2023, hạn, mặn xảy ra thì các cống sẽ đảm bảo việc ngăn mặn. Riêng đối với tuyến kinh Nguyễn Tấn Thành, hiện Ban Quản lý dự án 10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thi công cống này. Trong quá trình thi công phần móng, nếu có hạn, mặn xảy ra, đơn vị sẽ thực hiện công việc ngăn mặn.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô năm 2022 - 2023 từ thượng nguồn sông Mê Kông về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn từ 5% - 10% so với trung bình nhiều năm, nhưng lớn hơn mùa khô 2021-2022.

Tình hình hạn, xâm nhập mặn ở Đồng Bằng sông Cửu Long khả năng ở mức tương đương mùa khô năm 2021 - 2022. Dự báo, tháng 12-2022, ranh mặn 4 g/lít có khả năng xâm nhập ở mức 10 - 20 km, tháng 1 và 2-2023, ranh mặn 4 g/lít có khả năng xâm nhập ở mức 25 - 35 km, tương đương năm 2021 - 2022.

Bên cạnh các giải pháp công trình, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân trữ nước ngọt, sử dụng tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô. Đồng thời, tập trung giải phóng các chướng ngại vật lòng kinh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kinh trục, cấp 1, 2…

Cũng theo phương án phòng, chống hạn, mặn của tỉnh, đối với vùng cù lao xã Tân Phong, Ngũ Hiệp... của huyện Cai Lậy, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động nhân dân củng cố hệ thống đê bao, sửa chữa các cống hiện có, chuẩn bị sẵn sàng vật tư để đắp đập nhằm ngăn mặn triệt để; nạo vét kinh mương, tích cực trữ nước ngọt trong mương vườn. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ vận hành 17 giếng khoan dự phòng khai thác nước ngầm để bổ sung nguồn nước tưới khi bị nhiễm mặn, thiếu nguồn nước ngọt.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.