Tiền Giang: "Cú hích" để phát triển "tam nông"
Tiền Giang luôn xác định phát triển “tam nông” là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tiền Giang đã gặt hái rất nhiều thành công, tạo động lực rất lớn để vươn lên cùng cả nước.
CHUYỂN DỊCH ĐÚNG HƯỚNG
Câu chuyện nông dân trồng sầu riêng trở thành tỷ phú ngay trên chính quê hương mình không còn quá xa lạ, đặc biệt là đối với vùng chuyên canh như Tam Bình, Ngũ Hiệp thuộc huyện Cai Lậy. Sầu riêng cũng được xem là một trong những loại đặc sản của Tiền Giang, mang lại giá trị kinh tế rất cao. Đời sống của nhiều hộ dân thay đổi nhiều cũng nhờ vào loại cây trồng này.
Dự án Hệ thống thủy lợi Trạm bơm Xuân Hòa góp phần hoàn thiện hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. |
Chia sẻ về chặng đường đã qua, ông Nguyễn Văn Phương (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) cho biết, với khoảng 1,4 ha trồng sầu riêng, với giá bán bình quân hơn 65.000 đồng/kg, gia đình ông có thể thu về gần 1,6 tỷ đồng mỗi năm. Nếu trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm lợi nhuận gia đình thu được bình quân từ 800 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng. Và điều tất nhiên là, thu nhập như gia đình anh Phương không phải là hiếm đối với người dân ở ngay vùng đất chuyên canh trồng sầu riêng này.
Bởi theo thống kê của ngành Nông nghiệp, sầu riêng là loại cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao nhất hiện nay, có thời điểm mỗi ha sầu riêng có thể mang lại lợi nhuận 1,1 tỷ đồng/năm. Đây cũng chính là loại cây trồng được ngành Nông nghiệp ưu tiên phát triển và hiện có diện tích trồng cao nhất trong nhóm cây ăn trái trên địa bàn tỉnh hiện nay, với hơn 16.800 ha.
Tất nhiên, với lợi thế hiện hữu, Tiền Giang không chỉ có sầu riêng, mà còn nhiều loại nông sản khác cũng mang lại giá trị kinh tế khá cao. Trên thực tế, trong nông nghiệp, Tiền Giang cũng đã hình thành nhiều vùng chuyên canh lớn. Cụ thể, triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 10 xác định phát triển nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng khai thác đúng tiềm năng của mỗi vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, tại Vùng Trung tâm phát triển vùng rau tại huyện Châu Thành, vùng thanh long tại huyện Chợ Gạo, vùng trồng bưởi da xanh tại TP. Mỹ Tho; tại Vùng phía Đông đã triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu qua thực hiện đề án cắt vụ, chuyển vụ, hình thành vùng trồng thanh long tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông; vùng chuyên canh rau, rau an toàn tại TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông; vùng nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Tân Phú Đông; tại Vùng phía Tây tiếp tục đầu tư hạ tầng cho vùng trồng cây ăn trái tập trung thông qua triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; liên kết, tổ chức lại sản xuất, đầu tư hạ tầng các vùng lúa chuyên canh tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy và TX. Cai Lậy thông qua triển khai dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững... Đây chính là nền tảng quan trọng để ngành Nông nghiệp Tiền Giang phát triển bền vững.
Chưa kể, việc thu hút đầu tư, nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng đã chuyển hướng tích cực. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gần đây cho thấy, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp, nguồn vốn đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng khoảng 15% so tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, nhiều nguồn lực đã được thu hút, huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng phục vụ tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý là các dự án: Dự án Hệ thống thủy lợi Trạm bơm Xuân Hòa với vốn đầu tư 250 tỷ đồng, Dự án 5 kinh Bắc Quốc lộ I với vốn đầu tư 787 tỷ đồng, Dự án Xây dựng hạ tầng phát triển và bảo vệ vùng cây ăn trái Thuộc Nhiêu - Mỹ Long, tỉnh Tiền Giang với vốn đầu tư 206 tỷ đồng…
NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NÔNG DÂN
Nhìn một cách tổng thể hơn, những dấu mốc vừa qua của ngành Nông nghiệp không chỉ phản ánh được sự chuyển dịch đúng hướng, mà còn phần nào cho thấy kết quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mà Tiền Giang đã tập trung thực hiện trong thời gian qua. Đây cũng chính là một trong những nội dung cốt lõi để Tiền Giang triển khai có hiệu quả Nghị quyết 26.
Theo đó, kết quả đánh giá của ngành Nông nghiệp cho thấy, cơ cấu sản xuất nội bộ ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản. Cụ thể là giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp giảm từ hơn 78% năm 2016 còn hơn 76% năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,78%/năm; thủy sản tăng từ hơn 21% năm 2016 lên hơn 22% năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân gần 4%/năm. Trong cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp cũng đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt, tăng chăn nuôi.
Sầu riêng được xem là thế mạnh, được tập trung đầu tư. Ảnh: Minh Thành |
Đánh giá chung cho thấy, qua hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 26 trên địa bàn Tiền Giang đã tạo động lực rất lớn đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; làm thay đổi ý thức người dân trong việc chuyển đổi tư duy sản xuất theo hướng làm kinh tế nông nghiệp, xem trọng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm hơn sản lượng làm ra; khu vực nông, lâm, ngư nghiệp phát triển ổn định, sản phẩm nông nghiệp được đa dạng hóa, chất lượng hơn, được nông dân dần quan tâm sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực góp phần quan trọng vào xuất khẩu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân dần được cải thiện; diện mạo nông thôn dần khởi sắc với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường.
Kinh tế nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh có những chuyển dịch đáng kể, có bước phát triển khá và là nền tảng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả trên cây ăn trái, gia cầm, bước đầu hình thành nhiều mô hình sản xuất chuyên canh, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; các ngành hàng chủ lực từng vùng bước đầu đã nâng cao được khả năng cạnh tranh, dần đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước…
Tiếp nối những kết quả đạt được sau thời gian tập trung phát triển “tam nông”, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 của Tiền Giang cũng dựa trên những quan điểm xuyên suốt là nông nghiệp, nông dân, nông thôn có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời. Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Nông nghiệp được xem là lợi thế của tỉnh, “trụ đỡ” của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, Tiền Giang cũng nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị.
Để tạo “cú hích” phát triển “tam nông” trong thời gian tới, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt “Đề án điều chỉnh Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2030”. Theo đó, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3% - 3,5%/năm; cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29,7% GRDP của tỉnh vào năm 2025 và từ 12,5% - 14,5% GRDP của tỉnh vào năm 2030; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2025 tăng 1,6 - 1,8 lần so với cuối năm 2020 và năm 2030 tăng khoảng 1,6 lần so với năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm còn dưới 1% vào năm 2025; đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8/8 huyện đạt nông thôn mới và 3/3 đô thị (thành phố, thị xã) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới… Tiền Giang cũng xác định giai đoạn 2022 - 2025 phát triển diện tích cây ăn trái khoảng 88.600 ha, sản lượng khoảng 1,8 triệu tấn; trong đó, các cây trồng chủ lực đạt 63.900 ha với sản lượng 1,2 triệu tấn, hơn 50% diện tích cây ăn trái chủ lực của tỉnh được cấp mã số vùng trồng, nâng tỷ lệ chế biến trái cây các loại trên 30%... Bên cạnh đó, Tiền Giang tập trung phát triển các mặt hàng trái cây chủ lực: Sầu riêng, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, khóm, bưởi da xanh, sa pô và mít; trong đó, loại trái cây có nhiều cơ hội phát triển về diện tích và sản lượng do nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn, hiệu quả kinh tế cao là sầu riêng… |
THÁI AN