.

Tiền Giang: Nhiều mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến

Cập nhật: 21:32, 12/12/2022 (GMT+7)

Trong năm 2022, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) của Tiền Giang tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Nhiều hợp tác xã (HTX) được củng cố, từ đó xuất hiện một số HTX điển hình tiên tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ THUẬN LỢI

Bước vào năm 2022, khu vực KTTT của Tiền Giang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức thời hậu Covid-19. Tuy nhiên, với việc Trung ương và tỉnh kịp thời có những chính sách hỗ trợ, phát triển KTTT phù hợp đã tạo điều kiện cho khu vực này cơ hội phát triển mới.

Theo đó, trong năm 2022, toàn tỉnh Tiền Giang thành lập mới 20 HTX với 439 thành viên, vốn góp 8,4 tỷ đồng; ngưng hoạt động 14 HTX. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 261 HTX, quỹ tín dụng nhân dân, tăng 20 HTX so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 8,3%), đạt 103,6% kế hoạch. Doanh thu lĩnh vực KTTT của tỉnh trong năm 2022 ước đạt 2.663,2 tỷ đồng, tăng 0,07% so với cùng kỳ năm 2021. Qua phân loại và đánh giá, có 145 HTX được xếp loại khá, chiếm 63,87%; 60 HTX trung bình, chiếm 26,43%; 22 HTX yếu kém, chiếm 9,7%; 14 HTX ngưng hoạt động, 20 HTX thành lập mới chưa đủ căn cứ xếp loại.

Liên minh HTX tỉnh vừa tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu cho doanh nghiệp và HTX.
Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu cho doanh nghiệp và HTX.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang, trong năm 2022, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ thiết thực cho sự ổn định, phát triển KTTT, mà nòng cốt là HTX. Hoạt động của khu vực KTTT, HTX luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội.

Thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển HTX, các HTX được hỗ trợ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, tham gia mô hình Cánh đồng lớn, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới, điển hình tiên tiến. Các HTX hỗ trợ phát triển kinh tế hộ thành viên, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ với chất lượng ngày càng tăng, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và quy mô hoạt động.

Với chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các HTX và thành viên, trong năm 2022, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang đã tích cực tham mưu đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh… phổ biến rộng rãi, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới… Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế hoạt động và báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có những giải pháp phát triển phong trào KTTT của tỉnh.

Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình Hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chương trình 30 thực hiện Nghị quyết 20. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang còn chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách phát triển KTTT; chú trọng công tác đào tạo, hỗ trợ tư vấn cho các HTX. Đồng thời, triển khai tốt các chính sách hỗ trợ HTX như: Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX, đất đai… Qua đó, nhiều HTX đã tiếp cận được các chương trình hỗ trợ, có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.

TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KTTT

Theo Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang, trong năm 2023, tỉnh sẽ tập trung phát triển KTTT, HTX gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Theo đó, mục tiêu quan trọng là tập trung củng cố, đổi mới và phát triển KTTT theo chiều sâu trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc và giá trị HTX theo Luật HTX năm 2012.

Theo đó, Tiền Giang phấn đấu phát triển mới 10 HTX, tăng số lượng HTX lên 266 HTX, tổng số lượng thành viên tăng 5%; giải quyết việc làm thường xuyên cho 32.166 lao động, tăng 5% với thu nhập bình quân đạt 76,8 triệu đồng/người/năm, tăng 5%. Doanh thu bình quân của HTX là 23,197 tỷ đồng, tăng 5%, đạt lợi nhuận bình quân 415 triệu đồng, tăng 5%; số HTX khá, giỏi đạt 70%; đào tạo trên 75% - 85% cán bộ quản lý, điều hành HTX các kỹ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập; tỷ lệ cán bộ HTX đạt trình độ sơ cấp, trung cấp là 1.038 người, tăng 5%, trình độ cao đẳng, đại học là 245 người, tăng 5%.

Ngoài ra, Tiền Giang đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 5 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang  sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân, nhận thức đúng, đầy đủ về phát triển KTTT. Trong đó, chú trọng đối tượng là cán bộ, công chức phụ trách KTTT, HTX thuộc các cơ quan cấp huyện và UBND cấp xã; cán bộ, thành viên, người lao động các HTX… Một trong những nội dung quan trọng nữa là thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển KTTT.

Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp với các ngành liên quan tập trung hỗ trợ công tác vận động thành lập mới HTX; đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới, các chính sách về đất đai.

M. THÀNH

.
.
.