BÀI CUỐI: Tạo đà kết nối
BÀI 1: Chuyển động tích cực
BÀI 2: Thuận buồm xuôi gió?
Một năm “bình thường mới” đã đi qua mang lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đó là những gam màu sáng ở nhiều lĩnh vực như xuất khẩu, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp..., nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều thách thức, khó khăn.
Nhịp đập mới đang bắt đầu, guồng quay của các doanh nghiệp lại phải tiếp tục trong năm 2023 và những năm tiếp theo, hứa hẹn mang lại những cung bậc mới. Nhưng hơn hết, Tiền Giang đang tính những bài toán tạo đà trong liên kết vùng.
TIẾP TỤC NỖ LỰC
Trong thành tựu chung của Tiền Giang trong năm 2022 vừa qua, ngoài giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thu ngân sách hay kết quả từ ngành Nông nghiệp cũng mang lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Đây là tiền đề không nhỏ để thúc đẩy kinh tế - xã hội Tiền Giang bước tiếp vào chặng đường mới. Nhìn ở khía cạnh nào đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rạch Gầm Trần Đỗ Liêm cho rằng, guồng quay kinh tế Tiền Giang nói chung, của khối doanh nghiệp nói riêng đã dần ổn định lại theo như các quỹ đạo trước đây.
“Một trong những dấu ấn quan trọng của Tiền Giang trong thời gian qua là việc tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhất là nguồn lực đầu tư công vào các công trình trọng điểm, mang tính động lực. Từ nguồn lực này đã góp phần lan tỏa, tác động thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển, là nền tảng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, hoạt động của khối doanh nghiệp trên địa bàn Tiền Giang cũng cần có thời gian dài nữa do tác động của nhiều yếu tố thị trường”- ông Trần Đỗ Liêm cho biết.
Tiền Giang tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, tạo đà phát triển để kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực. Ảnh: MINH THÀNH |
Chờ một tín hiệu mới lạc quan hơn cũng đã và đang là điều không ít doanh nghiệp mong muốn, bởi dù đã trải qua khoảng 1 năm “bình thường mới” nhưng vẫn còn hiện hữu nhiều yếu tố mang tính bất lợi. Trao đổi với chúng tôi gần đây, ông Nguyễn Tấn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty May mặc xuất khẩu Hoan Vinh cho rằng, hệ lụy từ tác động của dịch Covid-19 vẫn còn đeo đẳng và cần có thời gian để doanh nghiệp khôi phục chứ chưa bàn đến việc phát triển nhanh.
“Đó là sự dịch chuyển một lượng lớn khách hàng sang thị trường khác, đó là nguồn lực lao động bị suy giảm, đó là nguồn vốn hoạt động còn nhiều khó khăn... Trong khi đó, doanh nghiệp rất khó tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước do nhiều điều kiện ràng buộc khác”- ông Nguyễn Tấn Thanh cho biết.
Nhìn ở khía cạnh khác, Giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh phân bón có quy mô khá lớn trên địa bàn tỉnh cho rằng, dù kinh tế đã phục hồi khá tốt nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty chịu tác động từ nhiều yếu tố khó khăn khác. Trong giai đoạn dịch diễn ra, khi nhập hàng về, dù khó khăn trong khâu vận chuyển nhưng công ty vẫn làm được.
Tuy nhiên, giai đoạn “bình thường mới” với lĩnh vực kinh doanh phân bón lại gặp khó bởi nhu cầu tiêu thụ nhóm hàng này giảm đáng kể do giá nông sản quá thấp, nhất là đối với nhóm cây ăn trái. Trên bình diện chung, kinh tế dần phục hồi nhưng dường như không ít doanh nghiệp mới bắt đầu “thấm đòn”.
Cụ thể, năm 2021 doanh thu của công ty giảm khoảng 20% nhưng năm 2022 đã giảm khoảng 40%. Trước đây, các đại lý nhận hàng sẵn để phục vụ nhu cầu nông dân nhưng nay ngược lại, khi có đơn đặt hàng mới dám nhận về. Tất nhiên, công ty cũng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để bước tiếp chặng đường mới.
KẾT NỐI
Mặc dù còn chịu nhiều yếu tố tác động, nhưng kinh tế Tiền Giang nói chung và khối doanh nghiệp nói riêng vẫn không ngừng nỗ lực để bước tiếp chặng đường mới, với nhiều mục tiêu cụ thể. Để hoàn thành các mục tiêu của năm 2023 và những năm tiếp theo, Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế theo hướng nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh về phát triển nông sản chủ lực, thu hút phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh”, nhanh chóng phục hồi kinh tế.
Đồng thời, Tiền Giang cũng sẽ tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng tiến đến đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm của tỉnh; tập trung phát triển các đô thị trung tâm, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành...
Trong ngắn hạn, Tiền Giang cũng đặt ra các chỉ tiêu cụ thể trong năm 2023: Tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá so sánh 2010) đạt 7% - 7,5%, GRDP bình quân đầu người đạt 69,1 - 69,4 triệu đồng, 830 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.288 tỷ đồng... |
Tất nhiên, câu chuyện phát triển của Tiền Giang cũng được tính toán trong bức tranh chung của cả chặng đường dài và kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực. Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định nhiều nội dung trọng tâm cho Tiền Giang trong bức tranh chung của cả vùng.
Theo đó, Tiền Giang sẽ xây dựng hoàn thành quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững, tạo cơ sở để chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển tập trung thông qua phát triển các chuỗi sản xuất, cụm ngành, hành lang kinh tế và chuỗi đô thị.
Đồng thời, Tiền Giang cũng đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và nâng cao chất lượng đô thị; trong đó, xây dựng TP. Mỹ Tho có vai trò là một trong những trung tâm dịch vụ thương mại, logistics, du lịch tại khu vực phía Bắc sông Tiền; đô thị cửa ngõ giữa TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển đô thị kinh tế biển ở Gò Công, vùng đô thị công nghiệp tập trung tại Tân Phước; phát triển dải đô thị sinh thái ven sông Tiền, đô thị ven biển...
Bên cạnh đó, Tiền Giang tiếp tục đầu tư vào các vùng công nghiệp trọng điểm; phát triển khu vực công nghiệp Đông Nam Tân Phước và Gò Công gắn với hệ thống khu công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ; trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Gò Công, Cụm công nghiệp Gia Thuận 1, Gia Thuận 2... để thu hút nhà đầu tư thứ cấp; thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp: Tân Phước 1, Tân Phước 2, Bình Đông và các cụm công nghiệp đã quy hoạch.
Tiền Giang cũng sẽ ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giao thông liên kết vùng như: Cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, nâng cấp kinh Chợ Gạo (giai đoạn 2), đường tỉnh 864, đường vào Đồng Tháp Mười...
Tiền Giang cũng phối hợp với các địa phương trong vùng đầu tư dự án trục đô thị TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang; tuyến đường bộ ven biển; tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; đồng thời, nghiên cứu, tranh thủ các nguồn lực đầu tư phát triển giao thông thủy và logistics kết nối vùng Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
THÁI AN