.

Xây đường sắt tốc độ cao TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ cần 9 tỉ đô la

Cập nhật: 21:31, 09/01/2023 (GMT+7)

Tuyến đường sắt tốc độ cao TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ vừa được Ban Quản lý dự án đường sắt và đơn vị tư vấn hoàn thành khảo sát và đề xuất xây dựng, đưa vào khai thác tàu khách tốc độ tối đa 190 km/giờ và tàu hàng 120 km/giờ, tổng đầu tư khoảng 9 tỉ đô la.

Tàu đường sắt công nghệ động lực phân tán EMU hiện đại dự kiến sẽ được sử dụng trên tuyến TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Ảnh: TTXVN
Tàu đường sắt công nghệ động lực phân tán EMU hiện đại dự kiến sẽ được sử dụng trên tuyến TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Ban Quản lý dự án đường sắt vừa có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ sau khi làm việc với 6 tỉnh, thành phố là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ) qua 6 tỉnh, thành phố với chiều dài 174 km. Tuyến có 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, diện tích phải giải phóng mặt bằng phục vụ dự án là 196 héc-ta. Tổng mức đầu tư dự kiến 9 tỉ đô la, tương đương hơn 213.940 tỉ đồng.

Tuyến đường sắt được thiết kế tiêu chuẩn đường đôi, khổ đường 1.435mm, điện khí hóa để khai thác cả tàu khách và tàu hàng. Tốc độ thiết kế lớn nhất là 190 km/giờ, khai thác tàu khách với tốc độ dưới 190 km/h, tàu hàng dưới 120 km/giờ.

Công nghệ được lựa chọn cho tuyến đường sắt là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) với tàu khách và đoàn tàu động lực tập trung với tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến.

Đơn vị tư vấn cũng đề xuất đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nhà nước chi trả tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho nhà nước theo hình thức hợp đồng BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ).

Ban Quản lý dự án đường sắt đã cùng tư vấn làm việc với các địa phương thống nhất phương án tuyến, vị trí ga. Tuy nhiên, đến nay đơn vị này vẫn chưa nhận được ý kiến chính thức từ UBND TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Tiền Giang để hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ Giao thông Vận tải.

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay, do tuyến đi qua các đô thị lớn, đông dân cư nên phải tính toán phương án kết nối với phương thức vận tải khác, đảm bảo hiệu quả khai thác. Các ga bố trí gần nhau chủ yếu tại 2 đầu TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, trên tuyến khoảng cách giữa 2 ga xa hơn để đảm bảo tốc độ chạy tàu, thời gian hành trình.

Trước đó, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ dự kiến có 12 km trên cao khi qua TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do TP. Hồ Chí Minh có nhiều khu đô thị, dân cư; việc điều tiết giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ rất khó, nguy cơ gây ùn tắc cao. Do đó, TP. Hồ Chí Minh đề xuất nghiên cứu phương án đoạn đường sắt cao tốc qua địa bàn thành phố dài hơn 33 km sẽ làm trên cao để thuận lợi khi thực hiện.

Đại diện liên danh tư vấn cho biết, mục tiêu năm 2023 phải hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ, trước khi trình Quốc hội xin thông qua chủ trương đầu tư năm 2024.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.