.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY SẦU RIÊNG: BÀI TOÁN "CÂN NÃO"

BÀI CUỐI: Đừng để sầu riêng thành "sầu chung"

Cập nhật: 07:03, 28/02/2023 (GMT+7)

BÀI 1: Sức hấp dẫn của sầu riêng

BÀI 2: Ào ạt trồng sầu riêng

Việc trồng sầu riêng ồ ạt, tự phát đang đứng trước nhiều rủi ro, nhất là những khu vực chưa đảm bảo hạ tầng thủy lợi. Do đó, xác định vùng chuyển đổi phù hợp, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ đang là vấn đề mấu chốt hiện nay.

TIỀM ẨN RỦI RO

Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc trồng cây theo phong trào mang đến cho nông dân nhiều bài học “xương máu”. Gần đây nhất là bài học về việc ồ ạt trồng mít Thái. Do đó, việc phát triển “nóng” cây sầu riêng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt thích ứng và thị trường. Trong đó, việc chuyển đổi tự phát ngoài quy hoạch, hạ tầng thủy lợi chưa đảm bảo cho việc trồng cây ăn trái đang dấy lên lo ngại về khả năng thích ứng của loại cây này.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang, với sự gia tăng nhanh diện tích như hiện nay, sầu riêng cũng đứng trước nguy cơ “cung vượt cầu”. Lo ngại nhất là sự chuyển đổi sang trồng sầu riêng tại những vùng có điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong sản xuất như: Cây không sinh trưởng tốt; chất lượng trái không đảm bảo... người dân khó thu hồi vốn trong khi chi phí đầu tư cho cây sầu riêng là rất lớn.

Nông dân chú trọng tham gia xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.
Nông dân chú trọng tham gia xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.

Khi bàn về việc phát triển “nóng” diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, trong thời gian đi thực tế tại nhiều vùng, có những khu vực người dân trồng sầu riêng ngay cả trên những vùng không phù hợp, không hiệu quả với loại cây này.

“Có những vùng tuy không bị nước mặn đe dọa, nhưng lại có nguy cơ bị lũ ảnh hưởng. Hoặc có những vùng buộc phải đóng cống để ngăn mặn, khi đó phèn từ dưới đất sẽ xì lên ảnh hưởng đến cây trồng” - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ thông tin.

Theo Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Phi, thị trường tiêu thụ sầu riêng của nước ta hiện nay tập trung tại một số nước và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao và các nước ASEAN có cộng đồng người Hoa lớn. Thị trường châu Mỹ, châu Âu hiện tiêu thụ sầu riêng rất ít. Nước ta đang có lợi thế rất lớn là thị trường Trung Quốc rất gần, xuất khẩu sang nước này rất thuận lợi. Tới đây, thị trường Ấn Độ được đánh giá là có tiềm năng rất lớn với khoảng 1,4 tỷ dân. Nếu thị trường này chịu tiêu thụ loại trái này thì sầu riêng Việt Nam sẽ không lo phụ thuộc vào Trung Quốc. Đối với Tiền Giang, hiện có 3 doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc với doanh số lớn, trong đó 2 doanh nghiệp Thiện Tâm và Vạn Hòa trong năm 2022 xuất khẩu được hơn 600 tấn sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. “Hiện nay, chúng ta phải hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch. Do xuất khẩu tiểu ngạch rất bấp bênh và phụ thuộc vào thương nhân Trung Quốc. Xuất khẩu chính ngạch thường sẽ đàm phán hợp đồng kéo dài 6 tháng hoặc 1 năm, vừa có lợi cho nông dân và vừa có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu”- đồng chí Lưu Văn Phi nhấn mạnh.

Nhìn ở khía cạnh khác, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho rằng tiềm năng của trái sầu riêng Việt Nam hiện còn dư địa để phát triển rất lớn. Theo Tiến sĩ Thoại, theo thống kê, tổng diện tích sầu riêng cả nước hơn 80.000 ha, tuy nhiên trên thực tế diện tích này có thể đã đạt 100.000 ha.

Trước thực tế người dân ồ ạt chuyển sang trồng sầu riêng trong thời gian qua, Tiến sĩ Thoại cho rằng, việc chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sầu riêng nếu không được kiểm soát tốt sẽ phá vỡ quy hoạch vùng trồng lúa, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực.

“Một vấn đề rất nguy hiểm nữa là nông dân thiếu kinh nghiệm khi chuyển từ cây lúa sang cây ăn trái nên sẽ gặp khó khăn. Ngay cả việc chọn giống cây trồng, nông dân mua giống sầu riêng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng nên khi trồng sẽ không hiệu quả”  - Tiến sĩ Thoại cảnh báo.

KHÔNG ĐỂ TRỒNG TỰ PHÁT

Tiền Giang xác định sầu riêng là một trong các cây trồng chủ lực của tỉnh. Do đó, phát triển bền vững cây sầu riêng đang là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp hướng tới, nhất là đối với các khu vực có tiềm năng phát triển.

Theo lãnh đạo UBND huyện Cái Bè, để phát triển bền vững cây sầu riêng, trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền cho người dân thấy được khó khăn, hạn chế khi chuyển đổi ồ ạt, không đúng định hướng của tỉnh và huyện; đồng thời, có giải pháp kiên quyết đối với các trường hợp chuyển đổi nằm ngoài quy hoạch.

UBND huyện sẽ định kỳ kiểm tra trách nhiệm quản lý đất của UBND cấp xã trên địa bàn, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang cây lâu năm đối với những diện tích phía Nam cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và một số diện tích nằm ở phía Bắc cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Huyện sẽ chuyển đổi quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất tập trung, việc chuyển đổi phải đảm bảo khai thác hiệu quả hạ tầng có sẵn, phù hợp với định hướng.

 

Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Một trong những nội dung quan trọng là quản lý chặt chẽ các hộ dân có đất giữa đồng tự ý chuyển đổi sang cây ăn trái; đồng thời, bố trí các nguồn vốn phù hợp để từng bước hoàn thiện hạ tầng thủy lợi nhằm bảo vệ tốt vườn cây ăn trái khu vực chuyển đổi.

Hiện địa phương đang rất quan tâm đến việc cấp mã số vùng trồng, phấn đấu đến cuối năm 2023, huyện sẽ cấp được 3.500 ha sầu riêng phù hợp quy hoạch. Đồng thời, huyện cũng tập trung triển khai chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản.

Những vết xe cũ

Trong những năm gần đây, nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long chứng kiến nhiều đợt “dịch chuyển” đối với cây trồng, trong đó có người dân Tiền Giang. Đó là đợt dịch chuyển từ đất trồng lúa sang cây thanh long. Đó là “cơn sóng ngầm đưa diện tích trồng mít Thái tăng vọt. Đó là đợt dịch chuyển lớn của cam sành, bưởi thay cho cây lúa. Và gần đây nhất, đó là “cú đua” tăng tốc từ cây thanh long sang dừa Mã Lai. Những đợt dịch chuyển lớn này bên cạnh mang lại hiệu quả trước mắt cũng để lại những hệ lụy rất lớn khi thị trường tiêu thụ chính có biến động. Những đợt “giải cứu” nông sản vừa qua phần lớn cũng được khơi nguồn từ những yếu tố này.

Sầu riêng cũng là một trong những loại trái cây nằm trong “cuộc đua” này. Riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thống kê đến cuối năm 2021, diện tích sầu riêng trong vùng Đề án đạt 16.890 ha (chiếm hơn 99% diện tích sầu riêng toàn tỉnh), tăng 4.981 ha so với trước khi thực hiện Đề án, vượt gần 30% so với mục tiêu đến năm 2020 và vượt hơn 20% so với mục tiêu đến năm 2025. Hiện tại, cuộc đua trồng sầu riêng lại một lần nữa chính thức bắt đầu nên khả năng diện tích vượt tất cả các mục tiêu không còn là chuyện để bàn nữa.

Trước tình trạng người dân ồ ạt trồng sầu riêng hiện nay, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho biết, Sở đã giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẩn trương phối hợp với các địa phương khảo sát chi tiết để xác định vùng trồng sầu riêng thích nghi mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, đảm bảo tính bền vững, chứ không để người dân trồng tự phát. Sau khi xác định vùng trồng sẽ có tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phù hợp với từng vùng; đồng thời, tổ chức các hội thảo tại các địa phương về hướng dẫn kỹ thuật canh tác sầu riêng không để nông dân thất bại…

“Các địa phương nên quy hoạch khu vực vùng trồng gắn liền với đầu tư hạ tầng thủy lợi cần thiết. Đến thời điểm này, công tác ngăn mặn đã được xử lý cơ bản, riêng chống lũ các địa phương phải chủ động có đề xuất đầu tư hạ tầng, không để bị ngập úng. Một trong những vấn đề quan trọng là phải hình thành được các hợp tác xã đủ mạnh để thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng, liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng”- đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho biết.

Một trong những công việc trọng tâm hiện nay mà ngành Nông nghiệp đang tập trung thực hiện là đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 5 mã số vùng trồng được cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích khoảng 210 ha và 149 hồ sơ đề nghị cấp mới mã số vùng trồng với diện tích 5.985 ha đã gửi về Cục Bảo vệ thực vật chờ cấp mã số.

ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH

.
.
.