.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Vì sao miền Trung là "mặt tiền" biển của cả nước nhưng chưa phát triển?

Cập nhật: 15:34, 05/02/2023 (GMT+7)

Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt câu hỏi: Vì sao miền Trung hội đủ các tiềm năng, là nơi "rừng vàng, biển bạc" và có đường bờ biển dài nhất, tài nguyên độc đáo nhất cả nước nhưng đến nay vẫn chưa khai phá, phát triển xứng tầm?

Sáng 5-2, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.

a
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Để thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển toàn diện văn hoá - xã hội vùng; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.

a
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu công bố chương trình hành động của Chính phủ

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Bên cạnh triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, hội nghị còn cụ thể hóa Nghị quyết bằng các nguồn lực triển khai thực hiện cụ thể thông qua hình thức xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ.

Mở đầu phần tham luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý, các đại biểu, chuyên gia cần tập trung phát biểu đi thẳng vào vấn đề, tập trung nêu các nguyên nhân, thách thức của vùng. Bên cạnh đó, đưa ra các giải pháp, cách tiếp cận cụ thể để thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW đưa vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững.

a
Thủ tướng tham quan các sản phẩm OCOP các tỉnh miền Trung trước hội nghị

Thủ tướng đặt vấn đề, tại sao miền Trung hội đủ các yếu tố như con người chịu thương chịu khó, ham học, hiếu học và là vùng có bề dày văn hóa truyền thống, lịch sử, di sản đồ sộ; nơi được mệnh danh là “mặt tiền” biển của cả nước nhưng đến nay vẫn chưa phát triển, phát triển nhưng chưa xứng tầm? Qua đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cần tập trung nêu lên được vấn đề chính đang là điểm nghẽn ở vùng này, để đưa ra giải pháp phù hợp, đúng đắn để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW.

“Qua đây, các đại biểu cần suy nghĩ, phân tích làm rõ vấn đề nêu trên, từ đó xác định các giải pháp đột phá trong phát triển nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW. Xác định được đột phá nào là quan trọng nhất, tìm đột phá trong đột phá phát triển nhanh nhất, bền vững nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ TN-MT cho rằng, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ rất có tiềm năng để đón bắt các xu hướng phát triển, như: chuyển đổi xanh, giảm phát thải dựa trên tài nguyên năng lượng tái tạo đang có; xây dựng kinh tế, xã hội hướng biển và thịnh vượng từ kinh tế biển trong thế kỷ 21; kết nối mở cửa, hội nhập với quốc tế thông qua hành lang Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, tuyến hàng hải đứng thứ 2 trên thế giới và tiểu vùng Mê Kông – ASEAN để trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực phát triển…

Nhiều ý kiến phân tích rõ những thách thức khi khu vực miền Trung có điều kiện khí hậu khó khăn, thiên tai, chịu tác động nặng nề biến đổi khí hậu (BĐKH). Dự báo, thời gian tới vùng này chịu nhiều tác động khí hậu như lũ lụt, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn. Vì vậy, các đại biểu, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng, trong chiến lược phát triển vùng cần gắn với thích ứng BĐKH từ quy hoạch, hạ tầng đến các đầu tư đô thị, dự án…

Tại hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định thẳng thắn nêu lên các thách thức của các tỉnh miền Trung đã đối diện khiến các tiềm năng chưa được đánh thức. Trong đó, hạn chế về hạ tầng, quy mô thị trường và lưu thông hàng hóa bởi địa hình chia cắt là trở ngại lớn nhất. Xuất phát điểm các tỉnh đều rất nhỏ chủ yếu vươn lên từ nghèo khó, quá trình này đối diện với diễn biến phức tạp thiên tai, hậu quả lịch sử. Việc liên kết, phát huy năng lực cạnh tranh trong vùng hạn chế; các doanh nghiệp trong vùng ít, quy mô nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, quốc tế; tỷ lệ lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp còn thiếu, đặc biệt là lao động có tay nghề cao…

a
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định phát biểu tại hội nghị

Qua đây, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề xuất Trung ương quan tâm sớm ban hành quy hoạch vùng; đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết phát triển trong nội vùng, liên vùng. Đặc biệt là các chính sách đầu tư cho hạ tầng khai thác, nuôi trồng thủy hải sản phục vụ cho quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế biển để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, sớm cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến giao thông theo trục Bắc - Nam như tuyến đường bộ ven biển, đường bộ cao tốc, đề nghị Trung ương quan tâm, sớm đầu tư các trục giao thông theo hướng Đông - Tây, hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây để kết nối với các tỉnh Tây Nguyên nhằm phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng ra biển của các tỉnh trong vùng…

Tiến sĩ Trần Du Lịch (Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) đề xuất Chính phủ cần mở rộng phân cấp, phân quyền cho các địa phương song song với tăng cường giám sát, giám sát kiểm tra, cá thể hóa trách nhiệm. Ngoài ra, cần chia vùng này ra làm 3 tiểu vùng để tạo được những trục phát triển phù hợp với lợi thế, tiềm năng các địa phương…

a
Tiến sĩ Trần Du Lịch phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác và các biên bản ghi nhớ, trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện địa phương cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
 

Vùng Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước (14/28 tỉnh, thành phố), với chiều dài đường bờ biển 1.900km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước.

Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

 


Theo sggp.org.vn



 

.
.
.