.

Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc

Cập nhật: 16:10, 10/02/2023 (GMT+7)

Vừa qua, Trung Quốc ra thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản. Đây là tin mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong việc xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Để thúc đẩy giao thương nông sản trong thời gian tới, ngày 10/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)”

Việt Nam và Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của nhau

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định: Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các Quy định 248 và 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang Trung Quốc và quản lý an toàn thực phẩm.

Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai rất mạnh xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.

“Trung Quốc và Việt Nam luôn xác định là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động thúc đẩy và triển khai các quy định giữa hai nước. Cụ thể, các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao và bộ, ngành có liên quan đều phối hợp chặt chẽ với các địa phương biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… để kết nối doanh nghiệp hai nước nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu thương mại giữa hai nước. Hiện nay, tại Lào Cai, một ngày có trên 500 xe xuất khẩu nông sản, còn tại Lạng Sơn bình quân mỗi ngày có trên 800 xe được thông quan. Như vậy, lưu lượng xe bắt đầu có tăng lên”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại diễn đàn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại diễn đàn.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương cũng khẳng định Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD. Tỷ trọng xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm đến 24%.

“Tuy có vị trí, vai trò quan trọng và nhiều tiềm năng như vậy nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với địa phương nước bạn còn nhiều điểm đáng tiếc, chưa được như kì vọng”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi bày tỏ.

Theo đó, năm 2022, kim ngạch thương mại Vân Nam (Trung Quốc)-Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD, chỉ chiếm 5% trong kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Nhiều cửa khẩu vẫn chưa phát huy được lợi thế. Tỉnh Vân Nam vẫn chưa có nhiều cơ chế hợp tác với các bộ, ngành phía Việt Nam. Một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam, điển hình như thủy hải sản, vẫn chưa khai thác được thị trường tiềm năng này.

Thúc đẩy giao thương nông sản Việt Nam-Trung Quốc

Từ đó, theo ông Tô Ngọc Sơn, đối với công tác tổ chức sản xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương của Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất, nuôi trồng theo tín hiệu thị trường.

Trong quản lý chất lượng, cần tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng, đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP.

“Để có thể tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai nước. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường”, ông Tô Ngọc Sơn chia sẻ.

Để có thể tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai nước.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương Tô Ngọc Sơn

Còn đối với các doanh nghiệp, ông Sơn cho rằng cần nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc; tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam-Trung Quốc; khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản; xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ; nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường; chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu khi nhiều vụ việc mất thương hiệu đáng tiếc đã từng xảy ra.

Trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với tỉnh Vân Nam, đại diện Bộ Công thương Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy hiệu quả của các cửa khẩu đường bộ, đường sắt tiếp giáp với tỉnh Vân Nam; tăng cường quảng bá các mặt hàng có tiềm năng của Việt Nam như thủy hải sản, trái cây…; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi đoàn công tác với tỉnh Vân Nam.

(Theo nhandan.vn)

 

 

 

.
.
.