Thứ Tư, 08/03/2023, 09:25 (GMT+7)
.
ĐỒNG HÀNH VƯỢT KHÓ CÙNG DOANH NGHIỆP

BÀI 2: Khơi thông "mạch máu" tín dụng

BÀI 1: Tháo gỡ các "nút thắt"

Dưới tác động của nhiều yếu tố, ngành Ngân hàng buộc phải điều chỉnh các chính sách để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thông suốt “mạch máu” của nền kinh tế.

Thế nhưng, việc “khơi thông” dòng vốn tín dụng, nhất là đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, luôn là nhiệm vụ quan trọng mà các tổ chức tín dụng phải tính toán, cân nhắc.

NHIỀU YẾU TỐ TÁC ĐỘNG

Trên bức tranh tổng thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đánh giá, nhìn lại cuối quý III-2022, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu liên tục tăng cao và đạt các mốc kỷ lục, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện tăng lãi suất nhanh, mạnh nhằm ngăn chặn và kiểm soát lạm phát, USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Trong năm 2022, lạm phát là thách thức vĩ mô lớn nhất, khiến cho hầu hết ngân hàng trung ương các nước đều lựa chọn chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. 

 Vietcombank chi nhánh Tiền Giang thực hiện giảm 0,5%/ năm LSCV với tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và  phát sinh mới tại ngân hàng từ ngày 1-1-2023 đến hết ngày 30-4-2023.                                                               Ảnh: MINH THÀNH
Vietcombank chi nhánh Tiền Giang thực hiện giảm 0,5%/năm LSCV với tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng từ ngày 1-1-2023 đến hết ngày 30-4-2023. Ảnh: MINH THÀNH

Nằm trong xu hướng chung, thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam thời gian qua phải có chính sách điều chỉnh để thích ứng. Đó là vào tháng 9 và 10-2022, NHNN Việt Nam đã 2 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất. Tất nhiên, trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, lãi suất tiền gửi và cho vay trong quý III-2022 có tăng so với năm trước (bình quân tăng tương ứng là 1,19%/năm và 1,21%/năm).

Đặc biệt, có giai đoạn cao điểm, lãi suất huy động tăng lên đến 10% - 11%/năm. Việc NHNN Việt Nam điều chỉnh tăng lãi suất tác động truyền dẫn đến lãi suất cho vay (LSCV). Đây cũng là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh NHNN Việt Nam đồng thời phải tập trung điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Theo NHNN chi nhánh Tiền Giang, đến cuối tháng 1-2023, toàn tỉnh có 6.093 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong tháng 1-2023, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu vốn cho 1.286 lượt doanh nghiệp vay vốn với doanh số cho vay lũy kế đạt 4.483 tỷ đồng, 2.020 doanh nghiệp đang phát sinh dư nợ đạt 28.602 tỷ đồng, tăng 0,85% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 33,17% tổng dư nợ toàn tỉnh. Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 15.964 tỷ đồng.

Hiện toàn tỉnh có 1.646 doanh nghiệp nhỏ và vừa còn dư nợ, chiếm 19% dư nợ toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (tháng 1-2022 tăng trưởng dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1,19%).

Theo NHNN chi nhánh Tiền Giang, nằm trong bức tranh chung thị trường tiền tệ của cả nước, đến cuối tháng 12-2022, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, lãi suất huy động có kỳ hạn dưới 6 tháng là 6%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng là từ 5,6% - 10,5%/năm.

Theo đó, LSCV bằng đồng Việt Nam (VNĐ) phổ biến ở mức trên 5,5% - 9%/năm đối với ngắn hạn (chiếm gần 50% tổng dư nợ ngắn hạn VNĐ); trên 11% - 13%/năm đối với trung, dài hạn (chiếm hơn 48% tổng dư nợ trung, dài hạn VNĐ). Các mức LSCV cao đều có xu hướng tăng nhẹ, tỷ trọng dư nợ so với cuối năm 2021 theo xu hướng tăng lãi suất chung của nền kinh tế sau các lần điều chỉnh tăng của NHNN Việt Nam nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trong năm của Chính phủ, đặc biệt là vấn đề kiểm soát lạm phát.

ĐỒNG THUẬN GIẢM LÃI

Trên thực tế, lãi suất là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động doanh nghiệp. Khi LSCV tăng cao tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối diện với áp lực về trả lãi và thanh toán các khoản nợ đến hạn, duy trì hoạt động và bộ máy sản xuất, nên khả năng sinh lợi suy giảm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam về giảm mặt bằng lãi suất, cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày 7-12-2022, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp với các tổ chức tín dụng hội viên để kêu gọi đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động tiền gửi VNĐ tối đa cao nhất là 9,5%/năm. Đồng thời, ngày 15-12-2022, Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục tổ chức họp với các tổ chức tín dụng hội viên để bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, các tổ chức tín dụng căn cứ quy mô, tiềm lực giảm LSCV để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nhiều chính sách miễn phí, giảm lãi vay

Hệ thống Vietcombank thực hiện giảm 0,5%/ năm LSCV với tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng từ ngày 1-1-2023 đến hết ngày 30-4-2023. Hệ thống ACB triển khai chính sách giảm LSCV dành cho khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân hiện hữu (với LSCV từ 9% - 12%), khách hàng được giảm LSCV từ 1% - 2%/năm, áp dụng từ ngày 1-2-2023 đến ngày 31-3-2023.

Bên cạnh chính sách miễn, giảm lãi, các tổ chức tín dụng còn có các gói sản phẩm, chương trình giảm LSCV đối với các khoản cấp tín dụng mới và hiện hữu như: Gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, với gói 120.000 tỷ đồng (LSCV từ 6,6% - 8,8%/năm, áp dụng từ tháng 1 đến tháng 3-2023), gói 30.000 tỷ đồng (LSCV 10,2%/năm, áp dụng cả năm 2023), gói ưu đãi thúc đẩy khách hàng doanh nghiệp FDI năm 2023 (với LSCV 6,1% - 8,8%/năm VNĐ, USD từ 2,6 - 4,2%/năm) thời gian thực hiện từ ngày 1-1-2023 đến ngày 30-6-2023.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam triển khai gói ưu đãi thúc đẩy khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2023 với quy mô 20.000 tỷ đồng; gói ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ mới - SME UP với quy mô 10.000 tỷ đồng (LSCV tối thiểu 8%/năm, thực hiện đến ngày 30-6-2023)…

Trên cơ sở này, NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang đã chủ động chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện cam kết đồng thuận về mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi và cho vay doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Nghiêm túc thực hiện đồng thuận lãi suất huy động VNĐ không quá 9,5%/năm tại tất cả các kỳ hạn, không huy động vốn với lãi suất đột biến, không thực hiện lôi kéo khách hàng, khuyến mãi không đúng quy định; căn cứ vào khả năng, năng lực tài chính, các ngân hàng tiếp tục giảm chi phí, giảm lợi nhuận, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, giảm LSCV với mức giảm từ 0,5% - 2%/năm (tùy từng đối tượng), trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, vào ngày 9-2-2023, NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang đã tổ chức buổi Ký kết đồng thuận mặt bằng lãi suất trên địa bàn tỉnh giữa các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, thống nhất thực hiện các nội dung thỏa thuận về mặt bằng lãi suất huy động trên địa bàn tỉnh; ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và thông báo với các sở, ngành, trang thông tin điện tử ngành Ngân hàng tỉnh về đường dây nóng của NHNN chi nhánh Tiền Giang tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng trên địa bàn.

Theo Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Văn Nhựt, thông qua nhiều giải pháp, kết quả đến cuối tháng 1-2023, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Tiền Giang giảm khá mạnh, khoảng 1% - 2%/năm so với giai đoạn cao điểm, phổ biến ở mức 8% đến dưới 9,5%/năm, tạo tiền đề giảm LSCV. Số liệu thống kê cho thấy, hiện có hơn 41,28% dư nợ ngắn hạn VNĐ tập trung ở mức trên 5,5% - 9%/năm; 44,48% dư nợ trung dài hạn tập trung ở mức trên 11% - 13%/năm.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, trong đó có các doanh nghiệp. Các chi nhánh tổ chức tín dụng đã chủ động thực hiện miễn, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng, ân hạn thời gian trả lãi đối với các khách hàng vay mới; triển khai các gói tín dụng và chương trình ưu đãi của hệ thống dành riêng cho các đối tượng doanh nghiệp.

NHÓM PVKT

(còn tiếp)

.
.
.