Thứ Hai, 06/03/2023, 08:30 (GMT+7)
.
ĐỒNG HÀNH VƯỢT KHÓ CÙNG DOANH NGHIỆP

BÀI 1: Tháo gỡ các "nút thắt"

Diễn biến thị trường gần đây có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, nhất là liên quan đến “mạch máu” tín dụng. Ngành Ngân hàng cũng đã và đang khơi thông nguồn lực, gỡ bỏ các “nút thắt” để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp.

NHỮNG KHÓ KHĂN

Sau câu chuyện thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh và nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp khi đại dịch Covid-19 cơ bản khép lại cũng là lúc nhiều doanh nghiệp phải “đau đầu” với dòng vốn để vận hành bộ máy. Đó là những tác động từ hạn mức tín dụng, lãi suất vay tăng cao, khởi điểm từ những tháng cuối năm 2022 đến nay. Những vấn đề này đã và đang là “nút thắt” được các ngành có liên quan tập trung tháo gỡ.

Dây chuyền chế biến rau quả cấp đông của Nhà máy chế biến nông sản của Công ty Cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.                                                                                            Ảnh: MINH THÀNH
Dây chuyền chế biến rau quả cấp đông của Nhà máy chế biến nông sản của Công ty Cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: MINH THÀNH

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ửng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát (tỉnh Tiền Giang) cho biết, lãi suất cho vay hiện nay còn khá cao nên đề nghị ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón để doanh nghiệp có mức lãi suất hợp lý cho đại lý, từ đó đại lý bán phân bón lại cho nông dân với giá hợp lý.

“Bên cạnh đó, hiện nay một số chi nhánh ngân hàng chưa có định giá tài sản ngoài tỉnh; một số ngân hàng còn hạn chế trong việc nhận thế chấp của bên thứ ba; hạn mức ngân hàng cho vay tối đa đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón có thời hạn 8 tháng, trong khi doanh nghiệp bán trả chậm cho đại lý, trang trại trong 1 năm, làm cho doanh nghiệp khó khăn quay vòng vốn”- ông Ửng cho biết.

Tín dụng ngân hàng được xem là “mạch máu” lưu thông của cả nền kinh tế nói chung và của doanh nghiệp nói riêng. Đây là nguồn lực rất quan trọng tạo đà và thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, một khi chính sách tín dụng được điều chỉnh sẽ có tác động ngay đến các doanh nghiệp. Thực tế vừa qua cho thấy, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thực hiện điều chỉnh về hạn mức tín dụng, đã có tác động ngay đến các doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Tiền Giang Nguyễn Quốc Thái đề nghị, ngành Ngân hàng không giảm hạn mức tín dụng đối với các món vay cũ; đồng thời, giải ngân theo đúng cam kết của hợp đồng tín dụng để doanh nghiệp kịp thời thanh toán các khoản chi phí phải trả (vật tư, tiền lương nhân viên).

“Nếu doanh nghiệp nào kinh doanh có hiệu quả (đầu tư có lãi, dòng tiền thanh khoản tốt, có tài sản thế chấp) đề nghị chi nhánh ngân hàng thương mại cân nhắc tăng thêm hạn mức mới. Đối với doanh nghiệp kinh doanh chưa hiệu quả thì ngân hàng nên giữ nguyên hạn mức cũ, cho giữ nguyên nhóm nợ, không phạt trễ nợ quá hạn; đồng thời, đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, hiện nay doanh nghiệp còn khó khăn khi tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ nên đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung các điều kiện áp dụng để doanh nghiệp thuận lợi khi tiếp cận và được hưởng lãi suất ưu đãi” - ông Thái kiến nghị.

Sản xuất tại Công ty GODACO (KCN Mỹ Tho).
Sản xuất tại Công ty GODACO (Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Nhiều lĩnh vực khác cũng gặp không ít khó khăn liên quan đến “mạch máu” tín dụng; trong đó, có những doanh nghiệp, cá nhân có thực hiện các khoản vay theo Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản được Chính phủ ban hành ngày 7-7-2014. Đây là chủ trương lớn của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản, nhưng thời gian qua việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Liên quan đến việc thực hiện chủ trương này, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Như Nga Nguyễn Văn Như đề nghị, ngành Ngân hàng cho gia hạn nợ đối với khoản vay theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ.

NỖ LỰC TỪ HAI PHÍA

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không ngừng nỗ lực vượt khó khăn, ổn định sản xuất, mở rộng thị trường. Tổng Giám đốc GODACO Nguyễn Văn Đạo cho biết, năm 2022 ngành Thủy sản nói chung tăng trưởng đột phá. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới. Chưa kể, hiện nay công nghệ chế biến thủy sản của Việt Nam cũng được xếp vào nhóm tiên tiến của thế giới. Riêng GODACO, các chỉ tiêu chính như doanh thu, kim ngạch, sản lượng, lợi nhuận tăng trưởng dao động từ 30% - 50%. Trên cơ sở đó, năm 2023 công ty cũng đặt ra các kế hoạch tăng trưởng từ 15% - 30% tùy từng chỉ tiêu.

Sản xuất tại Công ty GODACO (KCN Mỹ Tho).
Sản xuất tại Công ty GODACO (Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Nhìn ở khía cạnh khác, ông Đạo cũng phân tích thêm, hoạt động của các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn trong nước cũng như ngoài nước, nhưng cũng có những thông tin lạc quan như Trung Quốc bỏ chính sách Zero Covid, đây là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Nhìn từ tín hiệu thị trường, khả năng trong quý II-2023 thủy sản Việt Nam sẽ tăng tốc trở lại.

Thật ra, nhu cầu của thị trường luôn cao hơn khả năng cung ứng của các doanh nghiệp nên các chỉ tiêu đặt ra công ty có khả năng đạt được. Chưa kể năm 2023, công ty dự định đầu tư thêm vùng nuôi khoảng 50 ha, nâng sản lượng lên khoảng 100.000 tấn nguyên liệu/năm, khởi công thêm nhà máy chế biến với công suất 100 tấn nguyên liệu/ngày và tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực. “Chúng tôi mong muốn được sự hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ với các doanh nghiệp liên quan đến các chính sách tài chính, tín dụng để tiếp tục phấn đấu, nâng cao năng lực sản xuất, tìm thêm thị trường” - ông Đạo cho biết.

Nhìn trên bình diện tổng thể, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tiền Giang từ đầu năm 2023 đến nay ổn định trong điều kiện kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển sau dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội toàn diện, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.

Trên cơ sở Nghị quyết 01 ngày 6-1-2023 của Chính phủ và Chỉ thị 01 ngày 17-1-2023 của NHNN Việt Nam và bám sát các mục tiêu, định hướng của tỉnh, NHNN chi nhánh Tiền Giang cũng đã kịp thời xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01, Chỉ thị 01, Kế hoạch 27 ngày 7-2-2023 về chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2023 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện thống nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng trên toàn tỉnh.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc NHNN chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm cho biết, thời gian qua ngành Ngân hàng luôn đồng hành, sẻ chia cùng doanh nghiệp, từ đó hoạt động ngân hàng trên địa bàn Tiền Giang đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương từ cung ứng nguồn vốn, đến các dịch vụ tài chính ngân hàng. Theo đó, từ năm 2012 đến nay có 35 chương trình, hội nghị “kết nối ngân hàng - doanh nghiệp” được NHNN chi nhánh Tiền Giang thực hiện và luôn phát huy hiệu quả.

Từ khi dịch bệnh Covid-19 phát sinh, NHNN chi nhánh Tiền Giang đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quyết liệt triển khai các chính sách hỗ trợ khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước khi có dịch để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; trong đó, việc chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại tăng cường kết nối, gặp gỡ các doanh nghiệp để tiếp cận, tháo gỡ khó khăn được các ngân hàng thương mại tập trung thực hiện.  

NHÓM PVKT  
                              (Còn tiếp)

.
.
.