Thứ Sáu, 10/03/2023, 10:14 (GMT+7)
.
ĐỒNG HÀNH VƯỢT KHÓ CÙNG DOANH NGHIỆP

BÀI CUỐI: Tập trung nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh

BÀI 1: Tháo gỡ các "nút thắt"

BÀI 2: Khơi thông "mạch máu" tín dụng

Dựa trên những kết quả đã đạt được của ngành Ngân hàng năm 2022, trong năm 2023 và những năm tiếp theo ngành Ngân hàng, nhất là việc khơi thông nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm cho biết:

 

Theo Chỉ thị 01 ngày 17-1-2023, Thống đốc NHNN Việt Nam đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm túc các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2023 nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, với các nội dung cơ bản như sau: Điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Theo đó, trong năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14% - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đồng thời, triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” và đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nhằm bảo đảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3% và tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc cung ứng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Ngành Ngân hàng tập trung thực hiện chuyển đổi số để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Ngành Ngân hàng tập trung thực hiện chuyển đổi số để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

* Phóng viên (PV): Đâu là khâu được ngành Ngân hàng chọn đột phá trong năm 2023?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Bám sát chỉ đạo theo Chỉ thị 01 của NHNN Việt Nam, trong năm 2023, NHNN chi nhánh Tiền Giang sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Thống đốc NHNN Việt Nam quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh; nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách và những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai, tập trung tháo gỡ, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Đồng thời, NHNN chi nhánh Tiền Giang chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, NHNN, tập trung: Cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần hạn chế tín dụng đen; tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ.

Ngoài ra, NHNN chi nhánh Tiền Giang cũng tập trung theo dõi, nắm bắt tình hình cấp tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực trên địa bàn, đặc biệt là tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng…

* PV: Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Ngân hàng Tiền Giang đề ra những giải pháp cụ thể như thế nào?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Hoạt động ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh năm 2023 tập trung vào các giải pháp trọng tâm: Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng, chính sách điều hành lãi suất, tỷ giá và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam.

Quản lý hoạt động tiền tệ ngân hàng trên địa bàn phát triển an toàn, lành mạnh, phấn đấu tăng trưởng tín dụng 14% - 15% so với cuối năm 2022 nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế địa phương. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý trên cơ sở bảo đảm khả năng thanh khoản, an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng.

Nhiều chính sách ưu đãi về thuế

Phó Cục trưởng Cục Thuế Tiền Giang Nguyễn Quốc Sơn cho biết, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế suy giảm, đình đốn. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản khiến cho hàng triệu lao động mất việc làm. Trong bối cảnh đó, ngành dịch vụ đối mặt với những sức ép rất lớn từ tác động của dịch bệnh, cũng như phương thức phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, đại dịch cũng là cơ hội để Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong nhiều ngành và lĩnh vực. Đây là dấu ấn quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thích ứng, dần hồi phục trở lại trong năm 2022. Nhìn chung kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh mới.

Đứng trước nhiều khó khăn, Chính phủ đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, ổn định và khôi phục sản xuất, với việc ban hành nhiều chính sách quan trọng như: Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định 15/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội; Nghị định 34/2022 ngày 28-5-2022 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.

Đặc biệt, ngày 30-10-2022, Chính phủ ban hành Nghị định 91/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020 ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp liên quan thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, từ ngày 1-7-2022, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 123/2020 của Chính phủ và Thông tư 78/2021 của Bộ Tài chính; đồng thời, ngành Thuế cũng tập trung thực hiện cải cách hành chính theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành Ngân hàng cũng sẽ tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, các chương trình, đề án trọng tâm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ, bảo đảm kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng; tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, cắt giảm chi phí hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng tập trung thúc đẩy triển khai chuyển đổi số nhanh, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ, phát triển ngân hàng số, triển khai đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận một cách an toàn, thuận lợi, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện trên địa bàn; đồng thời, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công, hành chính công, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, khu vực nông thôn, thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia…

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

NHÓM PVKT (thực hiện)

.
.
.