.

Vực dậy làng nghề truyền thống ở Tiền Giang

Cập nhật: 10:46, 29/03/2023 (GMT+7)

Hầu hết các làng nghề truyền thống của tỉnh Tiền Giang được hình thành từ rất lâu. Trải qua bao thăng trầm, một số làng nghề vẫn tồn tại nhưng nguy cơ lớn bị mai một. Nhận thấy thực trạng này, ngành chức năng Tiền Giang đang tìm cách tháo gỡ để bảo tồn và vực dậy các làng nghề truyền thống.

a
Bà Phạm Thị Kim Ðào đan chiếu bằng máy ở làng chiếu truyền thống thuộc xã Long Ðịnh, huyện Châu Thành.

Tỉnh Tiền Giang có 13 làng nghề đang hoạt động, trong đó có tám làng nghề và năm làng nghề truyền thống, tập trung vào các nhóm ngành nghề chính như: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ. Các làng nghề giải quyết việc làm cho hơn 15.500 lao động nông thôn, tạo thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/tháng/người.

Nhiều làng nghề truyền thống ở tỉnh Tiền Giang có lịch sử hơn trăm năm tuổi. Ðến nay, các làng nghề này vẫn tồn tại, thậm chí có một số làng nghề phát triển thịnh vượng. Trải qua thời gian, bằng bàn tay khéo léo, tài hoa và khối óc sáng tạo của mình, người thợ đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, mang đậm nét đời sống, văn hóa địa phương mà không nơi nào có được như: Nghề dệt chiếu Long Ðịnh (huyện Châu Thành), tủ thờ Gò Công (thị xã Gò Công). Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công được hình thành và phát triển hơn 100 năm tọa lạc tại xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Làng nghề có gần 380 hộ, với khoảng 2.000 lao động thường xuyên và thời vụ tham gia. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn hai triệu tủ/năm.

Ông Ngô Tấn Lộc, sinh năm 1972, xã Tân Trung, thị xã Gò Công là một trong những người con của ông Ngô Tấn Ðức, chủ thương hiệu tủ thờ Ba Ðức nổi tiếng ở vùng đất Nam Bộ cho biết: "Ông được kế thừa nghề đóng tủ thờ truyền thống của gia đình từ rất nhỏ. Thời điểm đó, những chiếc tủ có kiểu dáng rất đơn điệu, chưa có các điểm nhấn hoa văn. Do thẩm mỹ của người dân ngày một cao và sự cạnh tranh của thị trường đòi hỏi đa dạng kiểu dáng tủ; kỹ thuật chạm, khắc dần có những bước phát triển đột phá".

Tủ thờ nơi đây thường đóng mặt trước bằng gỗ căm xe, gỗ mun, cẩm lai, gõ đỏ và chỉ có mặt sau hoặc kệ bên trong mới đóng bằng gỗ thao lao… Các chi tiết bộ phận của tủ đều được lắp nối với nhau bằng chốt gỗ (mộng), tạo nên sự độc đáo, rất bền và đẹp. Bước đầu, tủ thờ chỉ có 3 trụ, cẩn xà leo (khảm ốc, xà cừ), cẩn hoa văn (bông dâu lép). Ðến nay, những người thợ đã phát triển lên đến 25 trụ, với các bộ đũa, chỉ đắp hoa mỹ được cẩn trai hoặc ốc xà cừ hoa văn sáng lấp lánh.

Theo ông Ngô Tấn Lộc, nội dung phản ánh của hoa văn trên từng chiếc tủ rất phong phú, với các tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, thường dựa theo các điển tích cổ, thể hiện triết lý các trường phái khác nhau như các tiểu cảnh tứ linh: Long, lân, quy, phụng; hoặc tứ quý: Mai, lan, trúc, cúc; hay lấy tích "Nhị thập tứ hiếu", "Quan công phò nhị tẩu"; Phước, Lộc, Thọ… mang tính dân gian, đậm nét văn hóa vùng đất Gò Công nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung.

Làng nghề dệt chiếu Long Ðịnh ở xã Long Ðịnh, huyện Châu Thành (Tiền Giang) có lịch sử hình thành hơn 60 năm. Sản phẩm đặc trưng này được cư dân vùng chiếu nổi tiếng ở Kim Sơn (Ninh Bình) di cư vào đây năm 1954 làm ra. Hiện, toàn xã có 60 hộ tham gia, với 100 lao động thường xuyên. Sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên được thị trường trong nước ưa chuộng. Ngoài ra, làng nghề còn xuất khẩu hàng nghìn chiếc chiếu cao cấp sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Bà Phạm Thị Kim Ðào, một người có thâm niên hơn 50 năm kinh nghiệm làm chiếu ở khu phố Lương Minh Chánh, xã Long Ðịnh cho biết: "Nghề dệt chiếu không quá khó nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như: Cắt, phơi, nhuộm và đan thành chiếu. Kỹ thuật làm chiếu ở đây cũng có nhiều nét khác biệt. Chiếu Long Ðịnh bao giờ cũng dày dặn, mầu sắc, hoa văn cũng tươi tắn và đẹp hơn". Ngoài cách làm chiếu thủ công truyền thống, nhiều hộ dân nơi đây đã đầu tư máy móc để làm chiếu theo hướng công nghiệp, cho ra sản lượng nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Theo người dân có nhiều năm kinh nghiệm trong làng nghề, muốn có chiếc chiếu đẹp thì nguồn nguyên liệu lác phải thật khô, trắng, cọng bóng tròn, không quá to. Khâu dệt là yếu tố quyết định cho chiếu đẹp hay xấu. Khi dệt, không để lác gãy, tránh bị hở. Công đoạn tạo mầu cũng lắm công phu. Muốn mầu không phai, không dính lên quần áo khi nằm, lác phải được nhúng vào chảo mầu đang sôi, chờ cho nước sôi lại lần nữa để mầu thấm vào từng sợi lác…

Việc bảo tồn và phát triển làng nghề là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Tiền Giang. Vì vậy, địa phương mong muốn duy trì, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa; xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông hộ, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

a
Khảm xà cừ trên chiếc tủ thờ Gò Công.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Trung, thị xã Gò Công Phan Văn Thành Trí cho biết: Ðể bảo tồn và phát triển làng nghề tủ thờ Gò Công, địa phương tiếp tục phối hợp Ủy ban nhân dân thị xã và ngành chức năng tỉnh hỗ trợ cho làng nghề mở rộng thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Yêu cầu các cơ sở sản xuất cần đổi mới công nghệ, đưa công nghệ tiên tiến thay thế dần kỹ thuật thủ công. Ðịa phương cũng quy hoạch lại khu vực sản xuất, hình thành khu sản xuất tập trung để thuận lợi cho Nhà nước đầu tư công nghệ xử lý môi trường. Xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông đã xuống cấp. Các ngành, đoàn thể của xã sẽ tạo điều kiện cho người dân trong làng nghề tiếp cận chính sách vay vốn ưu đãi…

Trong những năm qua, làng nghề chiếu Long Ðịnh gặp nhiều khó khăn do chưa có quỹ đất để xây dựng nhà kho, sân phơi. Nguồn vốn vay ưu đãi của người dân cũng không thực hiện được do đa số đều thế chấp giấy tờ ở ngân hàng. Vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chiếu ngày càng thu hẹp…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Ðịnh, huyện Châu Thành Trần Văn Thuê cho rằng: "Ðể bảo tồn và phát triển có hiệu quả làng nghề chiếu Long Ðịnh, ngành chức năng của tỉnh, huyện cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: Rà soát, khảo sát xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển ngành nghề nông thôn nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng làng nghề phù hợp nhằm khai thác, phát huy lợi thế của nó…".

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập cho biết: Ngày 5/1/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 03/KH-UBND nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các ngành nghề, làng nghề được bảo tồn và phát triển. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi và đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề. Ðối với những nghề, làng nghề đang bị mai một thì địa phương xác định bảo tồn bằng việc hỗ trợ duy trì các hộ hoặc nhóm hộ nghề, nghệ nhân hoạt động "trình diễn" để lưu giữ, truyền nghề và phục vụ nhu cầu du lịch, văn hóa. Những nghề, làng nghề đang gặp khó khăn thì tỉnh hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ có tay nghề cao và các cơ sở trong làng nghề duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm độc đáo phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, các lễ hội của cộng đồng, từng bước phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng tập trung đầu tư phát triển các làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới như: Thiết kế, xây dựng các tuyến, điểm và tổ chức hoạt động du lịch, tham quan; giáo dục, trải nghiệm nghề và làng nghề truyền thống; liên kết chặt chẽ với các chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của làng nghề và các sản phẩm của địa phương.

Theo nhandan.vn
 

 

.
.
.