Tiền Giang: Hiệu quả từ quy trình phục hồi sầu riêng sau hạn, mặn
Nhờ áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, nhiều vườn sầu riêng suy kiệt sau đợt hạn, mặn năm 2020 đến nay đã phục hồi tốt và cho trái ổn định.
PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Mùa khô năm 2019 - 2020, xâm nhập mặn diễn biến rất phức tạp và gay gắt, ảnh hưởng đến vùng chuyên canh cây ăn trái của tỉnh, đặc biệt là cây sầu riêng. Do thiếu nước ngọt để tưới nên nhiều vườn sầu riêng trên địa bàn tỉnh, cây bị suy kiệt, chết. Trước tình hình đó, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tham mưu UBND tỉnh cho phép thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng các mô hình vườn sầu riêng áp dụng kỹ thuật tiên tiến phục hồi sau hạn, mặn và thích ứng với xâm nhập mặn ở xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang”. Trong đó, đề tài chú trọng đến các mô hình thí điểm áp dụng quy trình 5 bước phục hồi cây sầu riêng sau hạn, mặn, làm cơ sở khoa học khuyến cáo cho người dân nhân rộng.
Vườn sầu riêng của ông Triệu phục hồi tốt nhờ áp dụng quy trình 5 bước. |
Mùa hạn, mặn 2020, 1 ha sầu riêng Monthong gần 20 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Rép (ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình) bị ảnh hưởng khoảng 50%. Với sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn, gia đình ông Rép đã thực hiện việc rửa mặn và tiến hành xử lý để phục hồi cây sầu riêng theo 5 bước gồm: Rửa mặn cho đất, phục hồi bộ rễ và bộ lá, hỗ trợ bộ lá phát triển, hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá, tăng cường dinh dưỡng và quang hợp. Kết quả, cây phục hồi được 80% và cho trái ổn định trở lại.
Cũng trong mùa hạn, mặn năm 2020, 1 ha sầu riêng Ri6 khoảng 7 - 8 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Triệu (ấp Long Quới, xã Ngũ Hiệp) cũng bị ảnh hưởng nặng. Gia đình ông Triệu đã được các ngành chuyên môn hỗ trợ thực hiện quy trình phục hồi 5 bước cho 1 ha sầu riêng. Sau đó, do thấy hiệu quả, nên ông Triệu đã nhân rộng quy trình này để áp dụng cho 1 ha sầu riêng còn lại của gia đình. Ông Triệu cho biết: “Sau đợt hạn, mặn 2020, vườn sầu riêng của gia đình bị thiệt hại khoảng 50%, đa số cây bị vàng lá. Sau đó, nhờ Sở KH&CN, Viện Cây ăn quả miền Nam hỗ trợ, gia đình đã rửa mặn cho vườn sầu riêng và dùng các chế phẩm vi sinh để hỗ trợ cây phục hồi. Đến nay, vườn sầu riêng của tôi đã phục hồi khoảng 80%. Đến thời điểm này, cây phát triển tốt và cho trái ổn định”.
Theo Sở NN&PTNT, sau ảnh hưởng của hạn, mặn, với sự quyết tâm của ngành Nông nghiệp, sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành và địa phương, sự đồng lòng vượt khó của người dân trong việc áp dụng quy trình 5 bước phục hồi vườn sầu riêng sau hạn, mặn, đến năm 2021 (chỉ sau gần 3 tháng áp dụng quy trình), diện tích sầu riêng bị ảnh hưởng của hạn, mặn đã phục hồi hoàn toàn. Năng suất sầu riêng đạt từ 24 - 29,2 tấn/ha và chất lượng trái sầu riêng được đảm bảo. Với giá bán từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, nhà vườn thu được lợi nhuận trên 1,1 tỷ đồng/ha. |
Thạc sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng Bộ môn Nông học - Viện Cây ăn quả miền Nam - Chủ nhiệm nội dung thực hiện cho biết, sau đợt hạn, mặn năm 2020, Viện được Sở KH&CN đặt hàng tham gia nghiên cứu hỗ trợ phục hồi cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu để giúp cây sầu riêng bị ảnh hưởng do hạn, mặn phục hồi. Đồng thời, thực hiện các mô hình từ các kết quả nghiên cứu của thí nghiệm.
Cụ thể, Viện Cây ăn quả miền Nam chọn các vườn sầu riêng có cây bị ảnh hưởng khoảng 50% trở lại. Bước thứ nhất trong quy trình phục hồi cây sầu riêng là rửa mặn cho cây. Theo đó, nhà vườn sẽ tiến hành tưới nước liên tục để rửa muối trong đất. Đồng thời, kiểm tra nước trong mương vườn, nếu độ mặn cao thì tiến hành tháo xả, không tưới cho cây. Sau khi rửa được mặn sẽ tiến hành phục hồi bộ rễ cho cây.
“Do sầu riêng bị ảnh hưởng bởi mặn nên bộ rễ của cây bị hư. Do đó, phải dùng các chế phẩm hữu cơ, sinh học để giúp bộ rễ phục hồi và phát triển mới. Đồng thời, kết hợp phun phân bón lá trên cây để cây ra chồi mới… Sau khi triển khai các mô hình, khả năng phục hồi của cây sầu riêng ở các vườn rất tốt” - Thạc sĩ Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm.
NHÂN RỘNG
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), qua nhiều hình thức tuyên truyền, quy trình 5 bước trong phục hồi cây sầu riêng sau hạn, mặn nhanh chóng được đưa vào áp dụng. Điều này góp phần giúp nông dân khôi phục lại các vườn sầu riêng bị ảnh hưởng do hạn, mặn. Ước tính, diện tích sầu riêng đã áp dụng thành công quy trình 5 bước trong phục hồi cây sầu riêng sau hạn, mặn trên 2.000 ha (trên 95% diện tích bị ảnh hưởng) tại các vùng trọng điểm trồng sầu riêng thuộc các huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy và huyện Châu Thành.
Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang Lê Quang Khôi, Đề tài “Nghiên cứu xây dựng các mô hình vườn sầu riêng áp dụng kỹ thuật tiên tiến phục hồi sau hạn, mặn và thích ứng với xâm nhập mặn ở xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang” là nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp thiết vào thời điểm năm 2020. Để thực hiện nhiệm vụ này, Sở KH&CN đã kết nối với Viện Cây ăn quả miền Nam, Trường Đại học Tiền Giang, Sở NN&PTNT để huy động các nhà khoa học, nhà quản lý, chính quyền địa phương và người trồng sầu riêng thực hiện việc đề xuất nội dung, giải pháp giải quyết cấp bách cho cây sầu riêng bị suy kiệt sau hạn, mặn nhằm giảm thiệt hại cho vùng chuyên canh sầu riêng của tỉnh.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, các mô hình thử nghiệm cho thấy, cây sầu riêng bị suy kiệt đã được phục hồi, các giải pháp trong quy trình 5 bước đã mang lại hiệu quả tốt, được ngành Nông nghiệp đánh giá cao và tập huấn nhân rộng trong vùng sầu riêng bị thiệt hại.
Trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ thành lập Hội đồng khoa học đánh giá nghiệm thu. Dựa trên kết quả đánh giá của các nhà khoa học, Sở KH&CN sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng Sổ tay hướng dẫn “Quy trình 5 bước phục hồi vườn sầu riêng sau hạn, mặn”. Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật này sẽ được phổ biến trong toàn tỉnh để người dân biết áp dụng, tạo thế chủ động trong tình hình biến đổi khí hậu và hạn, mặn ngày càng diễn biến phức tạp.
TRỌNG ĐẠT