Thứ Hai, 17/04/2023, 09:38 (GMT+7)
.
DU LỊCH TIỀN GIANG SẼ KHỞI SẮC

BÀI 1: Đi tìm sản phẩm đặc trưng

Trong dòng chảy các ngành kinh tế của Tiền Giang, du lịch được xem là còn nhiều dư địa để phát triển. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy ban hành ngày 5-4-2017 về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 11) đã góp phần đánh thức ngành Du lịch theo hướng phát triển, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử của tỉnh...

Những luồng gió mới trong phát triển du lịch Tiền Giang đã được thổi lên, đặc biệt là với một tư duy tươi mới hơn sau khi triển khai và thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy. Việc đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế và tiếp cận với những loại hình, sản phẩm mới mang tính đặc trưng sẽ góp phẩn đưa du lịch Tiền Giang vươn xa hơn.

NHIỀU LỢI THẾ

Nhìn từ thực tiễn nhận thấy rằng, hoạt động du lịch của Tiền Giang hình thành từ rất sớm, bắt đầu từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, du lịch Tiền Giang đã đón khách quốc tế của các nước xã hội chủ nghĩa, với chương trình MEKONG TOUR nổi tiếng. Cũng từ đó, hình ảnh du lịch sông nước miệt vườn Tiền Giang đã có trên bản đồ du lịch thế giới.

Du khách tham quan sông nước Tiền Giang qua Bến tàu thủy du lịch Mỹ Tho.	                                               Ảnh: Minh Thành
Du khách tham quan sông nước Tiền Giang qua Bến tàu thủy du lịch Mỹ Tho. Ảnh: Minh Thành

Từ những yếu tố mang tính nền tảng đó, phát huy lợi thế hiện hữu, trong những năm qua du lịch Tiền Giang luôn đứng trong nhóm khá của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về số lượng khách quốc tế nên doanh thu và lượng khách du lịch hằng năm tăng tương đối cao và ổn định. Vào những năm cao điểm, như năm 2018 hay năm 2019, ngành Du lịch Tiền Giang có thể đón hơn 2 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1/3 là khách du lịch quốc tế.

Doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch có thể đạt trên 1.000 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh và góp phần thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển. Đây cũng là giai đoạn ngành Du lịch Tiền Giang có nhiều chuyển biến tích cực, tạo ra được nhiều hoạt động sôi nổi để phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân và mang lại hiệu quả cho cộng đồng những người làm kinh tế du lịch.

Theo dõi suốt chuỗi hoạt động của ngành Du lịch Tiền Giang, chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự dịch chuyển đáng kể. Con số thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho thấy, nếu năm 2015 Tiền Giang đón được hơn 1,5 triệu lượt khách, trong đó có trên 517.198 lượt khách quốc tế và năm 2016 Tiền Giang đã đón khoảng 1,7 lượt khách, trong đó có 662.000 lượt khách quốc tế.

Cứ thế liên tiếp cho đến những năm gần đây, số lượng khách ngày càng tăng với tốc độ bình quân gần 10% hằng năm; đến năm 2020 Tiền Giang đón khoảng 2,2 triệu lượt khách, trong đó có trên 900.000 khách quốc tế. Tuy nhiên, những năm gần đây do tác động nặng nề của dịch Covid-19, nằm trong xu thế chung của cả nước, lượng du khách đến Tiền Giang giảm đáng kể. Sau khi Chính phủ thực hiện chủ trương mở cửa, thực hiện kích cầu du lịch nên lượng khách dần phục hồi.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2022 lượng khách đến Tiền Giang cũng xấp xỉ bằng 50% so với giai đoạn cao điểm của năm 2018 và 2019. Hiện nay, Tiền Giang đang nỗ lực tìm các giải pháp để khôi phục hoạt động của ngành Du lịch thông qua việc tập trung mọi nguồn lực cho phát triển hoạt động lữ hành, nghiên cứu các thế mạnh đặc thù, khai thác các địa danh, di tích văn hóa lịch sử, mạnh dạn mở thêm các tour tham quan mới, liên kết với các đơn vị kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh nhằm tạo nguồn khách…

TÌM HƯỚNG ĐI RIÊNG

Nhìn vào bức tranh du lịch cho thấy, Tiền Giang hiện có nhiều sản phẩm du lịch: Du lịch sinh thái tham quan sông nước, miệt vườn; du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa, du lịch cộng đồng; du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe; du lịch thương mại, công vụ (MICE). Tuy nhiên, nhìn chung sản phẩm du lịch sinh thái Tiền Giang chủ yếu tham quan sông nước, miệt vườn và nghỉ dưỡng.

Khách quốc tế tham quan cù lao Thới Sơn.
Khách quốc tế tham quan cù lao Thới Sơn., TP. Mỹ Tho.

Đây chính là sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang và cũng là sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Đi tìm một sản phẩm riêng biệt cho ngành Du lịch của Tiền Giang không phải là điều đơn giản, nhất là trong bối cảnh các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL không ngừng thay đổi hình ảnh để thu hút khách du lịch.

Phân tích kỹ về hoạt động du lịch của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua mới nhận ra rằng, là tỉnh đi đầu của ĐBSCL về du lịch sông nước miệt vườn nhưng giờ đây một số tỉnh trong vùng đã có nhiều sản phẩm du lịch, đa dạng hơn so với Tiền Giang. Từ đó cho thấy, sự phát triển về du lịch của tỉnh còn xa so với tiềm năng và nguyên nhân cơ bản là chưa tìm được hướng đi phù hợp để mở đường cho sự phát triển.

Tiền Giang có lợi thế là nằm ở cửa ngõ của vùng ĐBSCL, là nơi hội tụ của ba vùng sinh thái (vùng sinh thái nước ngọt phù sa, sinh thái rừng ngập mặn và vùng sinh thái ngập phèn Đồng Tháp Mười); cùng với nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh được xem là các yếu tố thuận lợi cơ bản để khai thác và phát triển du lịch của Tiền Giang.

Chưa kể, theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt, Khu du lịch Thới Sơn đã được quy hoạch thành 1 trong 5 khu du lịch quốc gia và TP. Mỹ Tho là Trung tâm du lịch phía Đông của vùng ĐBSCL. Câu hỏi đang được đặt ra là đâu là sản phẩm khác biệt của ngành Du lịch Tiền Giang và cần một tư duy mới hơn trong phát triển. Câu hỏi khó này cũng được đặt ra trong nội dung cốt lõi của Nghị quyết 11.

Phát biểu tại Hội thảo phát triển du lịch Tiền Giang gần đây, PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng, Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (TP. Hồ Chí Minh) cũng đưa ra nhận định, thời gian qua, nhìn chung các sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp văn hóa với những sinh hoạt đặc trưng liên quan sông nước, miệt vườn, làng nghề, ẩm thực, đờn ca tài tử... là thế mạnh và có thể coi đó là thương hiệu nổi bật nhất của Tiền Giang.

Tuy nhiên, đó cũng là những sản phẩm đặc thù và tiêu biểu của toàn vùng ĐBSCL. Tiền Giang đã luôn thu hút đông đảo khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế (được xếp hạng 1 trong vùng) nhưng khách đến chủ yếu với mục đích tham quan, hiệu quả kinh tế từ du lịch thấp, chưa có nhiều dịch vụ gia tăng để thu hút và giữ chân du khách. Hiện nay, du khách đến Tiền Giang chủ yếu vẫn là mục đích tham quan, trải nghiệm du lịch sông nước, khám phá văn hóa nông thôn miệt vườn...

Với mong muốn thay đổi một cách toàn diện, thời gian qua ngành Du lịch đã tích cực triển khai nhiều nội dung nằm trong Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 11, với việc tập trung đầu tư theo từng vùng kinh tế. Xuất phát từ những yếu tố nội tại hiện nay, nhất là bài toán kinh tế do ngành Du lịch mang lại, để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế thông qua tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch, Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch theo đặc điểm và phát triển vùng kinh tế của tỉnh, dựa trên yếu tố về vị thế và tiềm năng của từng vùng để tận dụng và khai thác du lịch một cách hợp lý.

Theo đó, ở Vùng kinh tế - đô thị phía Tây, trong các năm qua tỉnh chọn Cái Bè làm động lực khởi phát với Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp, lễ hội này được nâng dần quy mô và cấp độ sau mỗi lần tổ chức, từ đó lan tỏa về hướng Cai Lậy qua cù lao Tân Phong. Ở Vùng kinh tế - đô thị Trung tâm, ngành Du lịch đã củng cố và nâng chất du lịch Thới Sơn, kết hợp với các hoạt động sẽ tổ chức tại sông Tiền như: Xây dựng phố đi bộ, khu ẩm thực, chợ đêm đúng nghĩa cùng với việc nâng cấp, mở rộng Công viên Tết Mậu Thân khi có điều kiện để gắn với hoạt động tại Quảng trường Hùng Vương dần hình thành khu vui chơi phức hợp, đa dạng.

Ở Vùng kinh tế - đô thị phía Đông sẽ khởi đầu phát triển công nghiệp và thị trường bất động sản, thương mại để phát triển đô thị; từ đó phát triển du lịch biển Tân Thành gắn với các di tích văn hóa tại TX. Gò Công và cồn Ngang của huyện Tân Phú Đông cùng với việc mở rộng Đền thờ Trương Định trở thành trung tâm lễ hội của Vùng kinh tế - đô thị phía Đông.

Không riêng Tiền Giang, cuộc chạy đua về sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành ĐBSCL đã bắt đầu nhiều năm qua với mong muốn giữ chân du khách, nhằm giải bài toán kinh tế mang lại từ du lịch. Bắt nhịp với xu thế này, Nghị quyết 11 đã thổi thêm một tư duy tươi mới hơn về phát triển du lịch. Đó cũng là tiền đề để du lịch Tiền Giang bắt nhịp và vươn lên.

ANH PHƯƠNG
                          (còn tiếp)

 

.
.
.