Bài cuối: Cộng đồng làm du lịch
BÀI 1: Đi tìm sản phẩm đặc trưng
BÀI 2: Mở rộng đầu tư, tăng cường kết nối
BÀI 3: Khai thác tiềm năng, thế mạnh từng vùng
Câu chuyện phát triển du lịch Tiền Giang nói riêng và bức tranh du lịch của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung chắc chắn còn nhiều việc phải làm.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy cho thấy những kết quả tích cực nhưng cũng là tiền đề để du lịch Tiền Giang đánh giá lại đúng thực trạng và tìm hướng cho bước đi tiếp theo.
KHAI THÁC LỢI THẾ
Khai thác du lịch cộng đồng được xem là một trong những bước đi quan trọng trong thời gian qua, bởi đây là một trong những lợi thế lớn của Tiền Giang. Trong đó, việc tổ chức các lễ hội, đặc biệt là Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp, cũng tạo dấu ấn riêng; đồng thời, thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển.
Trao đổi với chúng tôi vào cuối tháng 3, ông Phan Văn Đức (chủ nhà cổ Ba Đức, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè), người có thâm niên làm du lịch cộng đồng cho biết, trước đây trung bình mỗi ngày, nhà cổ đón hơn 100 lượt khách đến tham quan. Riêng trong các đợt Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp, nhà cổ của ông đón khách nhiều hơn ngày thường. Để tạo điều kiện giữ chân du khách, ông cũng đã đầu tư tại nhà cổ 15 phòng phục vụ cho khách lưu trú. “Số lượng khách lưu trú lại nhà cổ tùy theo thời điểm du lịch trong năm.
Khi khách lưu trú lại, chúng tôi tổ chức hoạt động ăn uống, trải nghiệm như làm bánh xèo, chả giò để khách tự tay làm và thưởng thức hoặc đờn ca tài tử khi khách có nhu cầu. Hiện tại, nhà cổ chủ yếu đón khách quốc tế đến tham quan, trong đó có khoảng 70% là khách có quốc tịch Pháp” - ông Phan Văn Đức chia sẻ.
Du khách trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại cù lao Thới Sơn. |
Tất nhiên, phát triển du lịch không chỉ tập trung ở từng cộng đồng riêng lẻ, mà cần gắn chặt các vùng kinh tế trong tỉnh để tạo ra nhiều tour, tuyến hấp dẫn hơn. Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Lê Thị Bé Phượng cho rằng, thời gian qua thành phố phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động du lịch, thiết kế đa dạng các tuyến du lịch liên kết giữa TP. Mỹ Tho với các địa phương như: Tuyến TP. Hồ Chí Minh - Gò Công - Mỹ Tho - Cái Bè; tuyến TP. Hồ Chí Minh - Cái Bè - Mỹ Tho - Gò Công, qua đó đã đưa một số điểm trên địa bàn thành phố vào tour, tuyến để khai thác du lịch. Bên cạnh đó, thành phố còn chú trọng phát triển cơ sở dịch vụ du lịch.
Theo đó, thành phố hiện có 1 khách sạn xây dựng theo tiêu chuẩn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao được đưa vào khai thác. Ngoài ra, thành phố còn có hơn 80 cơ sở lưu trú du lịch với 1.825 phòng, 1.949 giường; 35 nhà hàng, quán ăn lớn phục vụ khách du lịch và có trên 45 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đang hoạt động du lịch...
Ở góc nhìn của các công ty kinh doanh lữ hành, du lịch Tiền Giang cũng phải đặt trong bức tranh chung của cả khu vực. Đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết, để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh khách du lịch, không chỉ riêng Saigontourist, mà các đơn vị kinh doanh du lịch trong cả nước đã thiết kế các tuyến, điểm, kết nối nhiều điểm du lịch trong tỉnh, từ TP. Hồ Chí Minh qua Long An đến Tiền Giang rồi các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ… Phát triển du lịch của Tiền Giang không thể tách rời sự phát triển du lịch chung của vùng ĐBSCL cũng như du lịch của cả nước. Chính vì vậy, việc phối hợp với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL là chiến lược vô cùng quan trọng, khi mà các sản phẩm du lịch của các tỉnh thường trùng lắp với nhau thì việc tăng cường hợp tác, liên kết sẽ thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái bền vững.
TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ
Tuy nhiên, là trung tâm du lịch lớn của tỉnh, khi đặt vấn đề đâu là những điểm khó của du lịch Mỹ Tho hiện nay, đồng chí Lê Thị Bé Phượng cũng nhìn nhận thực tế, với sự phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL ngày càng thuận lợi hơn, vì vậy nhiều địa phương như Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã có nhiều mô hình phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn như Mỹ Tho, do đó Mỹ Tho không còn là lựa chọn hàng đầu của các công ty lữ hành du lịch như trước đây. Chưa kể, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế, xuống cấp.
Chất lượng đội ngũ nhân lực của ngành Du lịch thành phố thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển du lịch theo hướng văn minh. Ngoài ra, việc đầu tư nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương còn hạn chế, có sự trùng lặp về sản phẩm du lịch với các địa phương khác, ít tạo điểm nhấn với du khách.
Từ thực tiễn này, trong định hướng và giải pháp phát triển du lịch của TP. Mỹ Tho trong thời gian tới, đồng chí Lê Thị Bé Phượng cho rằng, TP. Mỹ Tho sẽ thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức, đặc biệt là chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch: Cổng thông tin du lịch tỉnh Tiền Giang; Bản đồ du lịch điện tử; Ứng dụng tra cứu thông tin du lịch trên thiết bị thông minh (smartphone) TienGiang Tourism…, sử dụng wifi du lịch thông minh tại các điểm du lịch; tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Mỹ Tho trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, TP. Mỹ Tho sẽ phối hợp các đơn vị có liên quan hoàn chỉnh, thông qua Đề án Nghiên cứu phát triển du lịch rạch Bà Ngọt và rạch Gò Cát và đưa vào triển khai trong thời gian tới nhằm phát triển du lịch nông nghiệp đô thị. Thành phố nghiên cứu thực hiện phát triển du lịch trên kinh Bảo Định gắn với các vườn cây ăn trái và các điểm du lịch trên dọc tuyến kinh; thực hiện Đề án Phát triển làng hoa kiểng thành phố gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…
Nhìn trên bức tranh tổng thể hơn về định hướng phát triển du lịch Tiền Giang, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho biết, Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22-1-2020, trong bối cảnh ngành Du lịch đang phát triển mạnh mẽ, thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng được nâng cao, khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch Đông Nam Á và thế giới.
Chiến lược được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho sự phát triển của ngành Du lịch trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, cũng trong năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu đã gây tổn thất to lớn cho ngành Du lịch, ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Để phục hồi nhanh và phát triển bền vững, ngành Du lịch Việt Nam cũng như ngành Du lịch các địa phương; trong đó có Tiền Giang, cần tận dụng được lợi thế cạnh tranh, cơ hội mở cửa để đề ra được những định hướng đúng và giải pháp thực tiễn, đồng thời thực hiện hiệu quả góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.
Nhìn ở khía cạnh hẹp hơn, TS. Nguyễn Anh Tuấn, đối với Tiền Giang, du lịch cộng đồng cần được xem là vấn đề lớn; bởi hiện nay bên cạnh việc giữ gìn môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy tốt các tài nguyên thiên nhiên và nhân văn khá phong phú vốn có để tạo ra thật nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng, có khả năng thu hút và lôi cuốn đông đảo du khách (đặc biệt là du khách quốc tế) nhằm tăng thời gian lưu trú tại địa phương đó là việc có ý nghĩa hết sức cấp thiết.
Ngoài những nỗ lực của Nhà nước để xúc tiến đầu tư các công trình du lịch trọng điểm, việc phát huy vai trò của cộng đồng cư dân tại chỗ vẫn là một trong những yếu tố mang tính chiến lược của địa phương.
Dẫn chứng thực tế bước đầu cho thấy, thời gian qua việc cải thiện điều kiện vệ sinh ở các điểm du lịch quanh biển Tân Thành, ở khu vực Bến tàu du lịch Cái Bè, khu vực các cơ sở ngành nghề truyền thống ở ấp An Ninh, xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) và nhiều nơi khác... rõ ràng bên cạnh tác động của Nhà nước, của ngành chức năng thì vai trò của cộng đồng cần phải được khẳng định.
“Một dẫn chứng khác là cù lao Tân Phong nổi tiếng với các loại cây ăn trái, dịch vụ ẩm thực, đò chèo, đờn ca tài tử, dịch vụ lưu trú dưới hình thức homestay (lưu trú nhà dân). Dịch vụ nơi đây nhìn chung mang tính chất bình dân, chủ yếu do người nhà trong gia đình tự đứng ra phục vụ hoặc sử dụng lao động thuê mướn tại chỗ.
Tuy chưa được chuyên nghiệp nhưng các du khách vẫn đánh giá cao tính thân thiện và dịch vụ tại đây vì họ thích khám phá về con người và cảnh quan gắn với nếp sống đồng quê ở nơi đây”- TS. Nguyễn Anh Tuấn dẫn chứng.
Nhìn chung, trong chương mới của du lịch Tiền Giang chắc chắn còn nhiều việc phải làm, ngoài việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch, đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết, hợp tác xây dựng các sản phẩm mới, tập trung khai thác lợi thế, tận dụng tối đa tiềm năng của tỉnh là những bước đi rất quan trọng.
ANH PHƯƠNG