Người đưa cây lục bình ra thế giới
Cây lục bình trôi trên sông, rồi tấp vào các dải đất, hoặc quanh các cù lao, mọc trong các mương rường. Có nơi, lục bình là vấn nạn “rác”. Thế nhưng, những năm gần đây, cây lục bình trở thành nguyên liệu làm sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, được mệnh danh là cây xóa đói giảm nghèo, thậm chí còn giúp người dân thu về hàng triệu USD.
Chị Lê Thị Trinh (ấp 1, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang) gần 30 năm gắn bó với nghề đan lục bình |
Bôn ba đi tìm đối tác
Gần 30 năm gắn bó với cây lục bình, chị Lê Thị Trinh (ấp 1, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã trải qua biết bao thăng trầm. Nhớ lại những năm tháng long đong, chị Trinh hay nói đùa, mình như phận lục bình nổi trôi. Chị Trinh đau đáu nỗi niềm phải làm được gì đó cho gia đình, làng xóm, địa phương, vì “Nhà nước tạo điều kiện cho mình học nghề, từ cách đi cắt lục bình, phơi khô, đến từng kiểu đan… để tạo ra một sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị, giúp kết nối với doanh nghiệp để có đầu ra. Tại sao chúng ta không cố gắng hết sức, khi mà cây lục bình dưới sông là của trời ban”.
Trước đây, gia đình chị Trinh cũng thuộc hộ nghèo. Được biết ở Vĩnh Long có dạy nghề đan lục bình, chị khăn gói đi học nghề. Sau một thời gian, chị xin vào làm tại một công ty để tiếp tục vừa học vừa làm lấy kinh nghiệm. Cũng từ đây, chị lần ra được nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ. Chị về lại quê nhà, tổ chức dạy nghề cho chị em nghèo ở địa phương.
Chị Trinh cho hay: “Ban ngày làm, buổi tối dạy, rồi nghe ngóng tình hình ở đâu tiêu thụ hàng thủ công làm từ cây lục bình là tôi lỉnh kỉnh mang sản phẩm thảm chân, giỏ sách, bội, chậu, khay, thùng, đôn, dép… đến chào hàng. Vì là sản phẩm thân thiện với môi trường nên chắc chắn các nước trên thế giới sẽ rất ưa chuộng, nên từ Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Lâm Đồng, đến tận các tỉnh phía Bắc…, tôi đều tìm đến các doanh nghiệp xuất khẩu để mong có đầu ra.
Cũng may trời thương, các sản phẩm đã được chấp nhận. Đến nay Tổ hợp tác đan lục bình xuất khẩu xã Tân Hưng của tôi đang rất ổn định đầu ra, mỗi tháng xuất hàng ngàn sản phẩm, doanh thu trung bình hơn 1 tỷ đồng. Có thời điểm hút hàng, chúng tôi phải đi khắp các tỉnh của ĐBSCL để tìm mua lục bình khô. Không chỉ bản thân tôi, mà các nghệ nhân từ già đến trẻ đều phấn khởi vì gia đình đã thoát nghèo, cuộc sống khấm khá hơn nhờ đan lục bình”.
Vượt lên chính mình
Dù đã có một cơ ngơi khang trang rộng rãi, cô gái đan lục bình năm xưa giờ thành bà chủ, nhưng chị Trinh vẫn rất điềm đạm, giản dị, luôn tìm cách hỗ trợ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cơ sở của chị Trinh luôn rộng cửa chào đón những học viên mới đến học nghề miễn phí. Sau khi học thành nghề, người thợ sẽ được hướng dẫn giao nguyên liệu về nhà làm; thành phẩm thì đến giao lại và được trả tiền công sòng phẳng.
Theo chị Trinh, có rất nhiều chị em bận việc nhà, đưa đón con đi học và cả những người lớn tuổi chỉ cần biết đan, đến nhận hàng về làm túc tắc mỗi khi nhàn rỗi, thì người ít nhất cũng được 3 triệu đồng/tháng, nhiều thì 5 triệu đồng/tháng. Còn thợ chuyên làm, mỗi tháng cũng được hơn 15 triệu đồng. Ngay cả người không biết đan lục bình, chỉ cần chịu khó cắt lục bình đem phơi khô cũng có thu nhập khá, vì hiện nay giá lục bình khô khoảng 20.000 đồng/kg.
Tại cơ sở của chị Trinh, xe tải lớn nhỏ ra vào tấp nập, sản phẩm giao đến chưa kịp nhập kho đã được chuyển lên xe tải để đưa đi xuất khẩu. Cũng chính nhờ hoạt động hiệu quả như vậy mà chị Trinh đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài tỉnh, giúp hàng trăm hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống đầy đủ hơn.
Nhìn những chuyến hàng lên xuống và nhiều nghệ nhân đến giao hàng nhận tiền, nhận nguyên liệu, chị Trinh cho biết, hồi đó chị cũng như vậy: “Tôi từng mơ ước mở rộng phát triển nghề để bà con có thu nhập ổn định hơn và cũng đã thực hiện, nhưng vì không có vốn, phải vay mượn khắp nơi, rồi hàng giao không nhận được tiền liền mà lại phải trả tiền cho công nhân… Tôi đã rất cố gắng, nhưng chỉ được một thời gian thì lâm nợ. Thật sự lúc ấy, tôi đã nghĩ quẩn...
Nhưng cũng may, tôi được gia đình động viên, hỗ trợ bán 15 công ruộng để giải quyết các khoản nợ trong vòng 2 ngày 1 đêm. Với quyết tâm “té ở đâu đứng dậy ở đó”, tôi đã đứng lên từ chính nơi mình té ngã. Đó là một khoảng thời gian đẫm nước mắt. Giờ đây, cơ ngơi gầy dựng lại được như thế này là niềm mơ ước lớn nhất trong đời. Nhìn lớp lớp lục bình qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo, thân thiện môi trường, vươn ra các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…, chuộng nhất là Mỹ, ai nấy đều phấn khởi, tự hào về sản phẩm Việt Nam”.
Theo sggp.org.vn