Thứ Bảy, 15/04/2023, 11:32 (GMT+7)
.

Huyện Cai Lậy: Hoàn thiện thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt, cung cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 
Xã Hội Xuân có hơn 900 ha vườn cây ăn trái, gần 90% diện tích vườn chuyên canh sầu riêng. Ngoài ngân sách đầu tư, địa phương huy động tốt nguồn lực trong nhân dân hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất mùa khô năm 2023, người dân xã Hội Xuân đóng góp gần 200 triệu đồng nạo vét 3 tuyến kinh với tổng chiều dài hơn 1,5 km.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Cai Lậy đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Cai Lậy đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi.

Những ngày này, ấp Hội Tín (xã Hội Xuân) đang nạo vét tuyến rạch Cầu Chùa, công trình hoàn thành dẫn nước tưới tiêu cho hơn 10 ha vườn cây ăn trái trong khu vực. “Tuyến rạch này nhiều đoạn bị bồi lắng, gây tắc dòng chảy, mùa khô thì cạn nước, còn mùa mưa thì không thoát kịp, ảnh hưởng sản xuất của người dân. Vì vậy khi địa phương vận động, công trình nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân” - Trưởng ấp Hội Tín (xã Hội Xuân) Lê Văn Liễn cho biết.

Xã Tân Phong có gần 1.300 ha vườn cây ăn trái với các loại cây trồng chủ lực: Sầu riêng, chôm chôm, mít, nhãn… Chủ động bảo vệ sản xuất nông nghiệp, Ban lãnh đạo các ấp tập trung tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên kiểm tra hệ thống đê bao, nạo vét mương vườn dự trữ nước tưới.

Các tháng đầu năm 2023, từ kinh phí vận động, xã Tân Phong hoàn thành đập ngăn mặn ấp Tân Bường A với kinh phí 180 triệu đồng, nhân dân đóng góp ngày công. Các công trình thủy lợi trên địa bàn xã hoàn thiện tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất. Ông Trần Văn Nghĩa (ấp Tân Luông B, xã Tân Phong) cho biết: “Những năm qua, địa phương quan tâm đầu tư hệ thống cống, đập, đê bao phục vụ sản xuất, người dân rất an tâm.

Đặc biệt sau đợt hạn, mặn mùa khô năm 2020, nông dân các vùng sản xuất chuyên canh cũng chủ động hơn trong việc đóng góp kinh phí, ngày công hoàn thiện các công trình thủy lợi, ứng phó với triều cường và xâm nhập mặn”.

Là huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Cai Lậy huy động nguồn lực đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Toàn huyện có 276 tuyến kinh, 138 cống do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, UBND huyện và 16 xã, thị trấn quản lý, điều tiết nước nội đồng phục vụ sản xuất và dân sinh. Hằng năm, huyện Cai Lậy đều có kế hoạch nạo vét, trục vớt lục bình, khơi thông dòng chảy... đảm bảo thông thoáng lòng sông, kinh, rạch, không gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước.

Thực hiện tiêu chí Thủy lợi của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hơn 10 năm qua, địa phương đã sửa chữa, nâng cấp 265 công trình thủy lợi với tổng kinh phí đầu tư hơn 146 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện. Hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới và tiêu nước chủ động cho 100% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Đảm bảo kinh tế nông nghiệp, huyện Cai Lậy sẽ tập trung quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ, xây dựng, hoàn thiện các công trình, chủ động trong công tác dự báo phòng, chống thiên tai. Đồng thời, tiếp tục rà soát hệ thống kinh, mương, cống đập, đê bao, có kế hoạch đầu tư nạo vét, nâng cấp, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất trước tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.