.

Huyện Gò Công Tây cần chủ động phát huy lợi thế, tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành tỉnh

Cập nhật: 16:42, 14/04/2023 (GMT+7)

(ABO) Sáng 14-4, Đoàn công tác của UBND tỉnh Tiền Giang do Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng làm trưởng đoàn đến làm việc với UBND huyện Gò Công Tây về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) huyện 3 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm những tháng còn lại.

đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu chỉ đạo
Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu kết luận.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Thanh Bình cho biết, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình KT-XH của huyện Gò Công Tây trong quý I năm 2023 đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện vẫn còn nhiều trăn trở về những khó khăn, bất cập trong việc đầu tư phát triển KT-XH huyện trong thời gian tới.

Để thuận lợi cho huyện trong việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 và những năm tiếp theo, lãnh đạo huyện Gò Công Tây có nhiều kiến nghị, đề xuất đến UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh.

Cụ thể, huyện kiến nghị: UBND tỉnh cần đánh giá lại Dự án Ngọt hóa Gò Công, có phân vùng sản xuất và bố trí nguồn nước sử dụng phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng địa phương. Đầu tư một số trạm bơm điện tập trung quy mô lớn có tính chất liên xã, liên huyện. Đề xuất tỉnh cho chủ trương huyện sản xuất 3 vụ lúa/năm trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, do huyện Gò Công Tây là vùng trũng và đầu nguồn của Dự án Ngọt hóa Gò Công.

Đồng thời, hỗ trợ cho các địa phương dự báo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thanh long vào các thời điểm thích hợp, để nông dân yên tâm sản xuất tránh trường hợp được mùa mất giá như trong thời gian qua. Đánh giá lại Đề án Phát triển thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025, có các chủ trương phát triển thêm hay giảm diện tích, giữ nguyên, để huyện định hướng phát triển trong thời gian tới.

Lãnh đạo huyện Gò Công Tây phát biểu tại buổi làm việc
Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Gò Công Tây phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng thời, đề xuất tỉnh xem xét có chủ trương và bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 các dự án ưu tiên, trọng điểm để tạo động lực phát triển KT-XH của huyện và liên kết vùng theo Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 5-4-2017 của Tỉnh ủy như: Đường tránh thị trấn Vĩnh Bình (giai đoạn 2) nhằm tạo điều kiện để sớm mở rộng phát triển nhanh đô thị trung tâm của huyện; đầu tư mới cầu Đồng Sơn kết nối với đường huyện 18 khi đã được nâng cấp thành đường tỉnh 872, để tạo thành trục giao thông quan trọng kết nối với huyện Châu Thành, tỉnh Long An và huyện Tân Phú Đông; đồng thời, kết nối giao thông 3 đô thị của huyện (thị trấn Vĩnh Bình, Long Bình, Đồng Sơn).

Huyện cũng kiến nghị tỉnh nghiên cứu mở mới trục kết nối từ cầu Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo - đường huyện 13, huyện Gò Công Tây - TX. Gò Công; nâng cấp đê sông Tra thành đường giao thông, để tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực phía Bắc Quốc lộ 50 và liên kết vùng, để phát triển Cụm công nghiệp Đồng Sơn và vùng quy hoạch thanh long của huyện. Phát triển tuyến đường 879D - cống rạch Tràm phục vụ vận chuyển hàng hóa nông sản thanh long, khu vực ấp Ninh Đồng B, xã Đồng Sơn qua Long An.

Đối với công tác mời gọi đầu tư, huyện đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ huyện trong việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục và sớm xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trên địa bàn huyện như: Cụm công nghiệp Long Bình, Cụm công nghiệp Vĩnh Hựu; Nhà máy chế biến hàng nông sản; Siêu thị huyện Gò Công Tây; Dự án Thương mại, dịch vụ tại đường Nguyễn Văn Côn, thị trấn Vĩnh Bình. Giới thiệu các nhà đầu tư vào huyện để xúc tiến, mời gọi đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác Bình Tân...

Cùng với đó, huyện đề nghị tỉnh quan tâm, xem xét, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 các tuyến đường giao thông, để đạt tiêu chí huyện nông thôn mới, cũng như nhu cầu đi lại, sinh hoạt và sản xuất của người dân…

Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đinh Tấn Hoàng nêu rõ những trăn trở của huyện về những điểm nghẽn khiến KT-XH huyện chưa phát triển như kỳ vọng, đó là vấn đề xử lý các bãi rác; vấn đề phát triển cơ sở giáo dục để hoàn thiện theo tiêu chí nông thôn mới theo chuẩn mới...

Đồng chí mong lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành quan tâm hỗ trợ huyện trong thời gian tới, cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện tạo tiền đề cho việc xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có nhiều ý kiến trả lời cũng như đề xuất các hướng giải quyết, giải pháp giúp huyện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng đánh giá cao công tác lãnh đạo, điều hành của huyện Gò Công Tây trong thời gian qua; lãnh đạo huyện đã rất mạnh dạn, làm được nhiều việc với nhiều cái mới, sáng tạo đáng biểu dương như: Vấn đề hỗ trợ người dân trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay mô hình phân loại xử lý rác thải sinh hoạt..., các huyện khác nên quan tâm học hỏi.

Đồng chí cho rằng các ý kiến của lãnh đạo huyện trăn trở, đề xuất rất đúng với yêu cầu thực tế để phát triển huyện và ghi nhận sự thẳng thắn trách nhiệm của lãnh đạo huyện trong phát biểu về những vấn đề còn bất cập trong công tác quản lý nhà nước ở tỉnh. Đặc biệt là ý kiến của Bí thư Huyện ủy đã làm rõ nhiều vấn đề cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Đồng chí lưu ý: Các ý kiến, kiến nghị của huyện đã được các sở, ngành trả lời làm rõ và góp ý cho huyện giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã hứa với huyện thì phải giữ lời hứa, cần khẩn trương thực hiện, tháo gỡ những điểm còn vướng. Huyện cần chủ động phát huy lợi thế của huyện, tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành tỉnh, tháo gỡ những khó khăn còn vướng mắc, nhất là các dự án, công trình trọng điểm phục vụ huyện nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới…

HOÀI THU

.
.
.