BÀI 3: Khai thác tiềm năng, thế mạnh từng vùng
BÀI 2: Mở rộng đầu tư, tăng cường kết nối
BÀI 1: Đi tìm sản phẩm đặc trưng
Chiến lược phát triển du lịch của Tiền Giang những năm gần đây được xác định dựa trên những trung tâm chính như: Khu du lịch Cái Bè, Khu du lịch cù lao Thới Sơn, Khu du lịch biển Tân Thành và Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Từ định hướng chung, mỗi địa phương sẽ lựa chọn tiềm năng, lợi thế để khai thác du lịch một cách hiệu quả và bền vững.
TẠO ĐIỂM NHẤN CHO THÀNH PHỐ TRUNG TÂM
Là trung tâm du lịch của tỉnh cũng như của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo chủ trương chung của Chính phủ, TP. Mỹ Tho không ngừng nỗ lực để tận dụng và khai thác tốt nhất tiềm năng về du lịch. Đánh giá tình hình phát triển du lịch của TP. Mỹ Tho, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Lê Thị Bé Phượng nhận định, du lịch là một loại hình dịch vụ mà TP. Mỹ Tho tập trung đầu tư phát triển những năm gần đây.
Đoàn khách du lịch nước ngoài dừng chân tại Cảng Du thuyền Mỹ Tho. Ảnh: MINH THÀNH |
Trong tuyến du lịch lữ hành về vùng ĐBSCL, Mỹ Tho là trạm dừng chân đầu tiên để du khách đến tham quan; trong đó, du lịch sinh thái, miệt vườn là lợi thế của thành phố, bởi cảnh quan sông nước và các vườn cây ăn trái quanh năm, tiêu biểu là Khu du lịch Thới Sơn. Đồng thời, Mỹ Tho có nhiều di tích văn hóa, lịch sử; trong đó, nổi bật là chùa Vĩnh Tràng, nhà Bạch Công tử, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu… là những điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến với thành phố. Bên cạnh đó, nghệ thuật đờn ca tài tử, ẩm thực và các làng nghề truyền thống cũng là những yếu tố quan trọng góp phần thu hút khách du lịch đến với thành phố.
Một trong những điểm nổi bật của thành phố trong thời gian qua là việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển du lịch. Những công trình lớn được tỉnh và thành phố quan tâm đầu tư đã và đang làm thay đổi diện mạo của thành phố như: Kè sông Tiền và hệ thống chiếu sáng nghệ thuật khu vực kè phường 1, phường 2, phường 4, phường 6, Cảng Du thuyền Mỹ Tho, Quảng trường Hùng Vương...
Bên cạnh đó, việc cải tạo cảnh quan môi trường, tổ chức thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn như: Di tích nhà Bạch Công Tử, Hầm bí mật ấp 3A, Bia Căn cứ Thành ủy, Bia Căn cứ Thành đội… góp phần tạo nên cảnh quan, môi trường sạch đẹp hơn. Ngoài ra, thành phố cũng đầu tư nâng cấp, sửa chữa, lắp mới 7 hệ thống biển quảng cáo về du lịch, các biển chỉ dẫn đến các khu, điểm du lịch trọng điểm, bản đồ chỉ dẫn du lịch trên địa bàn thành phố và phối hợp VNPT Tiền Giang lắp đặt 25 bộ phát wifi để du khách có thể truy cập thông tin.
Ngoài những di tích lịch sử - văn hóa vật thể được giữ gìn và tôn tạo, TP. Mỹ Tho còn có di sản văn hóa phi vật thể là đờn ca tài tử - một trong những dấu ấn về truyền thống văn hóa, lịch sử của Mỹ Tho mà nhiều người muốn tìm hiểu, nghiên cứu. Bên cạnh đó, đồng chí Lê Thị Bé Phượng cũng cho biết, thời gian qua thành phố còn tập trung, quan tâm công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, xây dựng hình ảnh du lịch Mỹ Tho cũng như tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch thành phố với mong muốn Mỹ Tho trở thành điểm đến lý tưởng của du khách.
CHÚ TRỌNG DU LỊCH XANH
Thực tiễn cho thấy, huyện Cái Bè có lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch rất lớn do việc kết hợp ba thế mạnh chính: Chợ nổi, ngành nghề thủ công và di sản kiến trúc lịch sử - văn hóa (Làng cổ Đông Hòa Hiệp). Cảnh quan thiên nhiên phong phú cùng diện tích vườn cây ăn trái khá lớn trên 16.000 ha, chiếm phần lớn diện tích vườn cây ăn trái của tỉnh cùng nhiều chủng loại, trong đó có nhiều loại trái cây nổi tiếng có thương hiệu trong và ngoài nước nên đã hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Theo lãnh đạo UBND huyện Cái Bè, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cũng được các cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư đáng kể, nhất là cơ sở lưu trú đạt chất lượng cao không ngừng phát triển, hoạt động xúc tiến, quảng bá được chú trọng.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Cái Bè còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa được công nhận cấp tỉnh và cấp quốc gia phục vụ tốt nhu cầu du lịch lễ hội và tâm linh, phương tiện vận chuyển, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển khá đồng bộ cùng với các khu nghỉ dưỡng cao cấp đang hoạt động đáp ứng được nhu cầu của du khách trong và ngoài nước…
Xác định du lịch là thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong những năm qua UBND huyện đã phê duyệt Đề án Phát triển du lịch huyện Cái Bè giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025; Đề án Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
Trên cơ sở đó, huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành huyện và các doanh nghiệp tăng cường quảng bá du lịch, kêu gọi đầu tư, hợp tác phát triển du lịch và phát triển mới các sản phẩm đặc thù; trong đó, chủ lực là du lịch homestay, du lịch văn hóa sông nước miệt vườn, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương kết hợp với làng nghề truyền thống và du lịch nông nghiệp… đã đạt được một số kết quả nhất định, qua đó lượt khách du lịch đến tham quan Cái Bè tăng dần theo từng năm từ 8% - 15%, tuy nhiên đến năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch Cái Bè.
Nhằm phục hồi và phát triển du lịch Cái Bè sau đại dịch covid-19 đảm bảo tính bền vững cao cũng như tiếp tục phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch trong thời gian tới, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, với những giải pháp lâu dài để thúc đẩy du lịch của huyện nhà phát triển mang tính đồng bộ và hiệu quả, cụ thể như: Tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025, qua đó bám sát quy hoạch của huyện cũng như quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2030 để thúc đẩy phát triển du lịch. Huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư theo hướng có trọng tâm.
Tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế hiện có về du lịch xanh, như điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử trên địa bàn gắn với quy hoạch phát triển du lịch toàn tỉnh, đặc biệt là liên kết với các sản phẩm du lịch của huyện Cai Lậy, TP. Mỹ Tho, TP. Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp và Bến Tre để khai thác lợi thế du lịch xanh trên tuyến sông Tiền, hợp tác với các thị trường trọng điểm như: TP. Hồ Chí Minh và TP. Mỹ Tho để phát triển theo hướng bền vững…
Cái Bè cũng đã có kế hoạch đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ như: Du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút du khách.
Về điều kiện tự nhiên, Tân Phước có hệ sinh thái động, thực vật phong phú đặc trung của vùng Đồng Tháp Mười mang lại cho huyện nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong đó, Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười có diện tích 107 ha, là nơi lưu giữ hệ sinh thái nguyên sinh của vùng Đồng Tháp Mười ngày xưa, được đánh giá cao về tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Khu bảo tồn đã được tỉnh đầu tư kinh phí các hạng mục phục vụ phát triển du lịch như: Nhà dừng chân, bến xe, bến cầu tàu, đường nội khu... Cùng với đó, diện tích đất trồng khóm lớn với hơn 15.000 ha cũng tạo nên cảnh sắc đặc trưng cho vùng đất từng là “rốn lũ, rốn phèn” với tập quán canh tác đặc sắc của người dân. Tân Phước còn có các làng nghề gắn liền với các cây trồng tại địa phương như: Làng nghề Bàng buông xã Tân Hòa Thành, các cơ sở sản xuất kẹo, mứt khóm. Bên cạnh các lợi thế tự nhiên, Tân Phước còn có 9 di tích được công nhận, trong đó có khả năng kết nối du lịch về nguồn gồm: Bến đò Phú Mỹ, đình Phú Mỹ, đình Dương Hòa, miếu Bà Chúa Xứ Cống Tượng. Về du lịch tâm linh, huyện Tân Phước có 2 cơ sở tôn giáo là chùa Phật Đá (Linh Phước cổ tự) và Thiền viện Trúc Lâm Chánh giác là điểm nhấn quan trọng thu hút du khách thập phương đến tham quan viếng chùa, lễ Phật và tham quan du lịch. Dù có nhiều tiềm năng, nhưng việc phát triển du lịch trên địa bàn Tân Phước vẫn còn khá hạn chế. Theo đánh giá của Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong, trong những năm qua, huyện đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác và phát triển hoạt động du lịch trên cơ sở thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, kế hoạch của UBND huyện. Tuy nhiên, đến nay hoạt động khai thác các loại hình du lịch trên địa bàn huyện vẫn chưa đạt được như mong đợi, dù lượng khách thập phương đến tham quan Khu bảo tồn, viếng chùa, lễ Phật hằng năm rất đông (hằng năm trên 100.000 người). CAO THẮNG |
ANH PHƯƠNG
(còn tiếp)