Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long
Chiều 7/4, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Hội thảo “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Quang cảnh Hội thảo. |
Tham dự có các chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, đại diện các tổ chức quốc tế, Viện nghiên cứu Lúa quốc tế, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực ngành hàng lúa gạo.
Các đại biểu tập trung thảo luận, trên cơ sở phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong phát triển lúa gạo. Đó là quy hoạch vùng trồng chưa đồng bộ; thu nhập của nông dân còn thấp; tỷ lệ sản xuất bền vững còn chưa cao; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao; trong khi giá trị xuất khẩu chưa cao, chưa nhiều thương hiệu; dịch vụ hỗ trợ thương mại gạo phát triển chậm, chi phí logictics cao; sản xuất lúa gạo còn gây tác động tiêu cực đến môi trường và biến đổi khí hậu; thiếu hệ thống kiểm soát phát thải khí nhà kính…
Từ đó, các đại biểu đánh giá cao sự cần thiết của Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Trong những năm qua, ngành lúa gạo đã không ngừng phát triển với những chuyển biến tích cực trong tất cả các khâu từ sản xuất đến thương mại. Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được khắc phục nhằm hướng tới sản xuất bền vững và hiệu quả.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Thay đổi nền sản xuất lúa gạo là vấn đề không dễ, thực hiện việc thay đổi đó càng khó khăn hơn. Nếu hệ thống canh tác lúa hiện tại không thay đổi, mà tiếp tục được duy trì thì thu nhập người nông dân sẽ không cải thiện, chưa kể gây nguy cơ suy giảm tài nguyên, lãng phí đầu vào và đặc biệt là gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như khiến cho quá trình biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn.
Mục tiêu đặt ra của Đề án là hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với hệ thống sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả hệ thống sản xuất kinh doanh, thu nhập người trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội và nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến cho Đề án. |
Tại các vùng chuyên canh, lượng lúa giống gieo sạ ở mức 70 kg/ha, lượng phân bón hóa học giảm 30%, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 35%, lượng nước tưới giảm 25%. Tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến bền vững được chứng nhận hoặc được cấp mã số vùng trồng đạt 100%. Tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt 85%, thất thoát sau thu hoạch dưới 7%, rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 90% .
Lượng phát thải khí nhà kính giảm hơn 10%, lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu Việt Nam chiếm hơn 30% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh; lợi nhuận bình quân của nông dân trồng lúa ổn định và đạt hơn 40% tổng doanh thu...
(Theo nhandan.vn)