Thứ Tư, 26/04/2023, 10:57 (GMT+7)
.

Tân Phú Đông - những "đổi thay" sau 15 năm

Sau 15 năm thành lập, từ một huyện nghèo, Tân Phú Đông đã nỗ lực vươn lên đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Đổi thay lớn nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống, vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng lên.

Huyện Tân Phú Đông được thành lập đầu năm 2008 trên cơ sở chia tách địa giới 6 xã cù lao thuộc 2 huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây. Tuy có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng khi mới chia tách, Tân Phú Đông là một huyện đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội rất thấp.

Hạ tầng giao thông được huyện tập trung đầu tư.
Hạ tầng giao thông được huyện tập trung đầu tư.

KINH TẾ CHUYỂN BIẾN RÕ NÉT

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, từ ngày thành lập huyện đến nay, huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển. Trên lĩnh vực kinh tế, điểm nhấn quan trọng là huyện đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - ngư - lâm nghiệp sang ngư - nông - lâm nghiệp một cách có hiệu quả, phù hợp với tiềm năng, điều kiện tự nhiên.

Địa phương đã khuyến khích nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, qua đó giúp năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi từng bước tăng lên. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, bền vững đã và đang được nhân rộng. Từ đó, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đến năm 2022 của huyện đạt hơn 2.510 tỷ đồng, tăng 1,77 lần năm 2008.

Sả là một trong những cây trồng chủ lực tại địa phương.
Sả là một trong những cây trồng chủ lực tại địa phương.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm gần đây, trên nền đất canh tác kém hiệu quả, người dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Những diện tích đất lúa kém hiệu quả đã được người dân chuyển sang trồng sả và các loại cây trồng khác, giúp nâng cao thu nhập. Hiện diện tích sả toàn huyện khoảng 3.800 ha, lớn nhất tỉnh.

CÁC KẾT QUẢ QUA 15 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng đạt 100%.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100%.

Tỉnh đầu tư đường ống dẫn nước BOO Đồng Tâm vượt sông Cửa Tiểu, Cửa Trung sang huyện. Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước từ hệ thống nước tập trung đạt 90,7%.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,34%.

Toàn huyện có 12 trường đạt chuẩn quốc gia.

50% số xã đạt chuẩn NTM.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 49,258 tỷ đồng, tăng 13,13 lần so với năm 2008.

Xác định nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển, với con tôm là sản phẩm chủ lực. Nông dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, từ đó đạt hiệu quả cao. Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 7.540 ha, sản lượng 33.150 tấn, tăng 244,49% so với năm 2008.

Tỷ lệ tăng trưởng giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hằng năm là 5% - 7%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp toàn huyện ước đạt 217,294 tỷ đồng. Hoạt động thương mại - dịch vụ từng bước phát triển ổn định. Huyện đã đầu tư xây dựng mới 4 chợ (Tân Thạnh, Tân Phú, Phú Đông và Phú Tân) đạt chuẩn chợ nông thôn mới (NTM) với kinh phí đầu tư hơn 19 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa chợ Bà Từ, chợ Phú Thạnh, chợ Tân Thới, chợ Rạch Vách với kinh phí trên 5,1 tỷ đồng. Giá trị sản xuất của toàn ngành Thương mại, Dịch vụ năm 2022 đạt 343 tỷ đồng, tăng 2,57 lần so với năm 2008.

ĐỘT PHÁ HẠ TẦNG

Một trong những điểm nhấn mang tính đột phá là việc tỉnh đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm vượt sông Cửa Tiểu, Cửa Trung, sang địa bàn huyện với tổng kinh phí 68 tỷ đồng. Huyện cũng tập trung kêu gọi hỗ trợ đầu tư 45 tuyến ống nhánh với chiều dài 81 km, tổng kinh phí 13,542 tỷ đồng, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn. Dù xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay, huyện đã lãnh đạo thực hiện ra mắt 3 xã NTM gồm: Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh. Dự kiến 3 xã còn lại sẽ ra mắt xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2023.

Xác định kết cấu hạ tầng là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện đã nỗ lực đầu tư, đến nay đã có bước tiến rất dài, nhất là về giao thông, thủy lợi, điện... Đến nay huyện đã xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường đến trung tâm các xã; xây dựng đường và cầu nông thôn nối liền từ xã đến ấp, liên ấp.

 Hạ tầng giao thông được huyện  tập trung đầu tư.
Hạ tầng giao thông được huyện tập trung đầu tư.

Đồng thời, xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, kết hợp với giao thông nông thôn. Hệ thống lưới điện nông thôn phát triển mạnh. 100% số xã, ấp đều đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội cũng được địa phương quan tâm đầu tư. Nhiều công trình quan trọng như: Bệnh viện huyện; hệ thống trạm y tế; trường học các cấp được xây dựng mới. Đến nay, huyện đã thực hiện đầu tư 148 công trình với tổng kinh phí thực hiện là 623,442 tỷ đồng.

Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - giáo dục - y tế - quốc phòng, an ninh cũng được huyện Tân Phú Đông đặc biệt quan tâm. Theo đó, đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo phát triển cả về quy mô, chất lượng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Cơ sở vật chất trường học được tăng cường, tạo ra sự thay đổi rõ nét về cơ sở trường học.

Trên lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, huyện đã tập trung lãnh đạo xây dựng các chương trình hành động, triển khai các giải pháp, nâng cao hiệu quả thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy về đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền ngày càng cao; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được phát huy, nhân dân đoàn kết, xã hội đồng thuận.

Hoạt động văn hóa - thể thao ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Huyện đã đầu tư xây dựng, nâng cấp một số trung tâm văn hóa, thể dục - thể thao các xã (6/6 xã, đạt 100%). Mạng lưới y tế cơ sở từng bước được nâng cấp và hoàn thiện.

Có 6/6 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế. Số bác sĩ tăng lên hằng năm, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 4,89 bác sĩ; số giường bệnh/vạn dân đạt 11,6 giường. Chất lượng khám, chữa bệnh, thái độ phục vụ bệnh nhân của y, bác sĩ ngày càng tốt hơn.

Một trong những dấu ấn quan trọng qua 15 năm hình thành và phát triển là huyện đã vươn lên không còn là huyện nghèo. Theo đó, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và thực hiện chính sách an sinh xã hội được các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ. Nhiều giải pháp giảm nghèo, giúp người dân nâng cao thu nhập đã được triển khai hiệu quả, góp phần kéo giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo của huyện. Công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với đất nước được thực hiện tốt, giải quyết đầy đủ và kịp thời.

15 năm tuy không phải dài nhưng cũng đủ khẳng định sự thành lập huyện Tân Phú Đông là chủ trương đúng đắn của tỉnh. Điều này đã giúp Tân Phú Đông từ một huyện nghèo bước sang một trang mới. Thành quả đạt được sau 15 năm là huyện đã có sự chuyển biến tích cực, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.

TRỌNG ĐẠT

* ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ HOÀNG MỸ (ĐẢNG VIÊN CHI BỘ ẤP TÂN HIỆP, XÃ TÂN THỚI):

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG

 

Qua 15 năm thành lập, đến nay, huyện Tân Phú Đông có sự thay đổi vượt bậc, trên cả mong đợi của người dân địa phương; nhất là các công trình như: Điện, đường, trường, trạm… đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, nâng cao dân trí và chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe người dân.

Để xây dựng huyện phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới, tôi kỳ vọng huyện nhà có sự phát triển đồng bộ hơn về hệ thống cầu, đường giao thông. Đồng thời, chú trọng xây dựng các công trình trọng điểm như: Cầu bắc qua xã Tân Thạnh; cầu nối huyện với đất liền… nhằm có điều kiện kêu gọi, thu hút đầu tư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tạo việc làm cho lao động địa phương.

* ÔNG NGÔ MINH TUẤN, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH MTV NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TUẤN HIỀN (ẤP BÃI BÙN, XÃ PHÚ THẠNH):

TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN

 

Trước sự tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu, để nghề nuôi tôm phát triển bền vững và thật sự là kinh tế mũi nhọn của huyện, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, khép kín như: Đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ hơn trong vùng nuôi; mở rộng liên kết sản xuất vùng… Khi đó, các doanh nghiệp sẽ an tâm đầu tư vốn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.
 

 

* ÔNG LÊ THÀNH TĂNG (ẤP TÂN XUÂN, XÃ TÂN PHÚ):

CẦN HÌNH THÀNH CÁC CƠ SỞ CHẾ BIẾN NÔNG SẢN

 

Trong thời gian tới, tôi kỳ vọng huyện Tân Phú Đông sẽ phát triển nhanh và bền vững trên các lĩnh vực đời sống, xã hội. Trong đó, lĩnh vực sản xuất nông - ngư nghiệp cần sớm được quy hoạch theo vùng chuyên canh nuôi tôm, trồng sả, dừa và các loại hoa màu…

Đồng thời, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân áp dụng vào quá trình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, chú trọng biện pháp sản xuất nông sản sạch. Nhà nước cần kêu gọi đầu tư các cơ sở chế biến hoặc sơ chế các mặt hàng nông sản đặc trưng của huyện như: Cây sả, con tôm, trái dừa… góp phần giải quyết việc làm và tăng giá trị nông sản của nông dân.


HỮU DƯ

 

.
.
.