Triển vọng xuất khẩu của trái cây Việt Nam
Ngày 18-4, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đề nghị Mỹ sớm mở cửa cho trái dừa và chanh leo xuất khẩu sang thị trường này. Vậy, hiện tại có bao nhiêu loại trái cây được Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang các nước?
Nếu hai loại trái cây này được xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới sẽ đưa số lượng trái cây xuất khẩu sang thị trường này lên con số 9. Hiện có 7 loại nông sản được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ là xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa và bưởi da xanh.
Mít là 1 trong 14 loại cây ăn trái chọn tập trung phát triển thời gian tới. Ảnh: Trung Chánh |
Đối với thị trường Úc, hiện có 4 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang đây bao gồm xoài, nhãn, vải thiều, thanh long. Việt Nam đang đàm phán để chanh leo và bưởi được xuất sang thị trường này. Với thị trường New zealand đang có 3 loại trái cây được phép xuất khẩu là xoài, chôm chôm, thanh long.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện đã có 12 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
Sáng ngày 19-4, tại Vĩnh Long, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT và UBND tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ xuất khẩu chính ngạch khoai lang sang Trung Quốc với số lượng là 84 tấn. Hai tháng trước (2-2023) tỉnh Đăk Lăk cũng đã tổ chức lễ xuất khẩu 10 container chuối theo đường chính ngạch sang thị trường này.
Riêng thị trường châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 đã tạo cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Mặt hàng rau quả xuất khẩu sang đây có mã số HS. 8109094 (gồm các loại trái lựu, mãng cầu (na), mận, thanh trà, chanh leo, sấu đỏ, táo ta và dâu da đất). Tuy nhiên, thông tin cụ thể về những loại trái cây này vẫn chưa có nhiều dữ liệu được công bố.
Thực tế cho thấy, việc đàm phán giữa Việt Nam và các nước để trái cây xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường mất khá nhiều thời gian. Đơn cử như thị trường Úc, Việt Nam cần đến 12 năm đàm phán mới được nước cấp giấy phép cho trái vải, trái thanh long cần 7 năm đàm phán mới được đồng ý. Còn trái xoài muốn bán tại các siêu thị của Mỹ, Việt Nam cũng mất 10 năm đàm phán (2009-2019).
Qua dữ liệu thống kê, xoài là loại trái cây được nhiều thị trường nhất chấp nhận nhất, tiếp đến là thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều. Nhờ xuất khẩu tăng nên theo Cục Trồng trọt, diện tích trồng xoài của Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên. Cụ thể, năm 2017, diện tích trồng xoài của cả nước đạt gần 93.000 ha, và con số này trong hiện tại là 114.000 ha, diện tích trồng xoài được dự báo tiếp tục tăng và đạt 140.000 ha vào 2030.
Trang worldatlas.com ghi nhận Việt Nam đang đứng thứ 14 thế giới về sản lượng xoài mỗi năm và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, xếp sau Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Tương tự diện tích trồng thanh long ban đầu tập trung ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang nhưng hiện đã mở rộng ra 30 tỉnh thành trong cả nước với diện tích là 64.000 ha, theo số liệu tính đến cuối năm 2021 của Cục Trồng trọt.
(Theo thesaigontimes.vn)