.

Để hương vị trái xoài lan xa và đạt đến giá trị bền vững

Cập nhật: 14:55, 03/05/2023 (GMT+7)

Xoài là loại trái cây chủ lực của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung. Đây cũng là một trong 5 ngành hàng được tỉnh Đồng Tháp chọn thực hiện tái cơ cấu để nâng cao giá trị và thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, để đạt kết quả, bên cạnh “gỡ nút thắt” sản xuất nhỏ lẻ, thì cần đặc biệt chú trọng đến khâu bảo quản, vận chuyển xuất khẩu.

Chuẩn hoá sản xuất, bảo quản vận chuyển đúng cách để gia tăng giá trị cho trái xoài Đồng Tháp. Ảnh: Thành Thật
Chuẩn hoá sản xuất, bảo quản vận chuyển đúng cách để gia tăng giá trị cho trái xoài Đồng Tháp. Ảnh: Thành Thật

Những năm gần đây, trái xoài Đồng Tháp đã được bán vào nhiều thị trường quốc tế như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Singapore và Trung Quốc. Thương hiệu xoài Đồng Tháp đã từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường, tạo giá trị ổn định. Phía sau những kết quả này là những nỗ lực, công sức và tâm huyết của người nông dân bền bỉ thực hiện theo các tiêu chuẩn xuất khẩu để hướng đến phát triển ổn định và bền vững.

Từ “gỡ nút thắt” nhỏ lẻ, chuẩn hóa sản phẩm

Tại hội thảo “Nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài” được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp vào tuần rồi trong khuôn khổ lễ hội xoài năm 2023, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chiến lược phát triển ngành hàng xoài đến năm 2030, cả nước sẽ có 140.000 héc ta diện tích sản xuất, sản lượng đạt 1,1-1,5 triệu tấn mỗi năm.

Với chiến lược nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có chủ trương “phát triển nóng” loại cây trồng này. Bởi, diện tích sản xuất và sản lượng xoài cả nước hiện đã đạt đến con số 115.000 héc ta và 950.000 tấn. “Tôi nghĩ, nó (xoài) cũng chỉ phát triển đến con số như vậy thôi, chứ không nóng như các loại cây trồng khác (sầu riêng và mít – PV), ông Tùng nói.

Trong khi đó, về khía cạnh xuất khẩu, ông Đặng Văn Vĩnh đến từ Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, xoài là 1 trong những loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và hiện đã bán sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, châu Á chiếm 79,8%; châu Âu 8%; châu Mỹ 6,8%; châu Úc 0,3% và còn lại là các thị trường khác.

Theo ông Vĩnh, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam trong năm ngoái đạt 89,1 triệu đô la Mỹ, giảm 122,6 triệu đô la Mỹ so với năm 2021. Kết quả xuất khẩu sụt giảm do thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc giảm mua đến 67,6% trong năm 2022 so với 2021 (kim ngạch xuất khẩu xoài sang Trung Quốc năm 2022 đạt 54,8 triệu đô la Mỹ – PV).

Theo tìm hiểu của KTSG Online, việc Trung Quốc giảm nhập khẩu do trước đó đã xảy ra tình trạng hàng loạt lô xoài xuất khẩu của Việt Nam đã vi phạm các quy định của quốc gia này, bao gồm cả tình trạng doanh nghiệp cố tình lấy sản phẩm khác “mạo danh” sản phẩm có mã số vùng trồng để bán vào Trung Quốc.

Sự việc nêu trên đã dẫn đến chuyện Trung Quốc quyết định tạm dừng nhập khẩu xoài từ các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói bị cáo buộc gian lận nhằm điều tra nguyên nhân, khắc phục. Điều này, đã tác động xấu đến kết quả xuất khẩu xoài của Việt Nam vào Trung Quốc nói riêng và toàn ngành hàng này nói chung như đã nêu ở trên.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam khuyến cáo, đối với việc thực hiện quy trình sản xuất, nông dân nên cố gắng bỏ thói quen, lề lối làm việc có hại cho sản phẩm và uy tín ngành hàng. “Thực tế, khi chúng ta không thực hiện đúng những quy định của thị trường, thì hàng hoá chúng ta không thể nào xuất khẩu được”, ông dẫn chứng.

Ngoài ra, theo ông Bình, cần nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến, bởi dư địa để phát triển lĩnh vực này đối với trái cây Việt Nam nói chung và trái xoài nói riêng còn rất lớn. “Sản phẩm chế biến từ rau quả rất được ưa chuộng, bởi an toàn về mặt vệ sinh thực phẩm, tiện lợi khi sử dụng, bảo quản được lâu và giá trị gia tăng cũng rất cao”, ông cho biết và dẫn chứng, tốc độ trưởng xuất khẩu đối với sản phẩm chế biến hiện đạt 20-30%/năm, thậm chí đạt 40%/năm.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T nhấn mạnh, một trong những “nút thắt” cần tháo gỡ để nâng cao chất lượng trái xoài Đồng Tháp nói riêng và ngành hàng xoài Việt Nam nói chung là phải phá bỏ thực trạng nhỏ lẻ, manh mún.

Muốn vậy, không còn cách nào khác, những người làm nông, đặc biệt nông dân ngành hàng xoài phải liên kết lại với nhau. “Khi có liên kết mới tạo được vùng nguyên liệu lớn, mới có được các hội quán, hợp tác xã để từ đó có thể đàm phán với doanh nghiệp hoặc đầu tư được những công nghệ bảo quản”, ông dẫn chứng và cho biết, việc liên kết sẽ giúp nông dân “có tiếng nói hơn” khi đàm phán với các đơn vị cung cấp đầu vào, tức sẽ được tiếp cận với sản phẩm có giá tốt hơn, giúp giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn.

Đến bảo quản, vận chuyển phải đúng chuẩn

Để trái xoài đến tay người tiêu dùng vẫn đảm bảo về mặt chất lượng hay nói cách khác muốn “chinh phục” được khách hàng, thì yếu tố không kém phần quan trọng cần phải chú trọng, đó là vận chuyển và bảo quản.

Bà Nguyễn Tú Uyên, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dịch vụ vận chuyển CMU Logistics cho biết, từ vườn đến cơ sở đóng gói, đến đơn vị xử lý kiểm dịch thực vật cũng như quá trình vận chuyển xuất khẩu, trái xoài phải đi qua rất nhiều công đoạn khác nhau.

Theo đó, ở mỗi công đoạn, phải được xử lý, bảo quản đúng cách nhằm giúp sản phẩm có được chất lượng tốt nhất. “Ví dụ, tại vườn, sau khi thu hoạch, trái xoài phải được chứa trong các sọt nhựa đúng chuẩn, tức phần tiếp xúc giữa sọt với bề mặt trái không gây ra các tác động ảnh hưởng chất lượng sản phẩm”, bà Uyên dẫn chứng.

Với một số thị trường như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Chi Lê, Hàn Quốc có yêu cầu xử lý hơi nước nóng hoặc chiếu xạ trước khi xuất khẩu, thì vấn đề cần quan tâm là nhiệt độ bảo quản. “Chẳng hạn, xoài xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu xử lý hơi nước nóng, thì trái xoài khi chuyển đến cơ sở xử lý không nên làm lạnh (sau khi xử lý hơi nước nóng phải được giữ ở nhiệt độ lạnh theo yêu cầu). Trong khi đó, với thị trường yêu cầu chiếu xạ, thì bắt buộc phải làm lạnh trước khi đưa vào nhà máy chiếu xạ”, bà dẫn chứng.

Theo bà Uyên, đến khâu xuất khẩu, hiện được vận chuyển thông qua ba hình thức, bao gồm đường hàng không, đường biển và đường bộ. Trong đó, tuỳ vào mỗi hình thức vận chuyển sẽ có những yêu cầu khác nhau về bảo quản. “Đối với vận chuyển bằng đường biển, chúng ta hay sử dụng container tiêu chuẩn bình thường, thì với loại này, xoài sau khi đưa vào container phải giữ nhiệt độ lạnh ở mức 8-12 độ và độ thông gió ở mức 85-95%”, bà dẫn chứng.

Trong khi đó, đối với vận chuyển đường bộ bằng xe container, bà Uyên lưu lý, phải khởi động làm lạnh container và xoài cũng phải được làm lạnh trước khi đóng vào container. “Đặc biệt, trong suốt quá trình vận chuyển phải giữ được nhiệt độ lạnh và phải có thiết bị giám sát nhiệt độ để theo dõi”, bà lưu ý.

Ngoài ra, tại cảng đến cũng phải có biện pháp giám sát chất lượng sản phẩm. “Khi chúng ta dỡ hàng từ container xuống kho bãi, thì phải thực hiện trong môi trường nhiệt độ lạnh, hạn chế hoạt động của các thiết bị phát sinh hơi nóng và khí thải vào nơi bốc dỡ”, bà Uyên lưu ý và đề nghị, nên yêu cầu khách hàng nhập khẩu kiểm tra thiết bị giám sát nhiệt độ trong quá trình vận chuyển xem có thay đổi hay không, bởi đây là cơ sở nếu có sự cố, thì yêu cầu nhà vận chuyển logistics phải có trách nhiệm.

Đặc tính của trái xoài, đó là sinh nhiệt trong quá trình chín, dễ bị tác động của môi trường, sinh ra khí etylen thúc đẩy quá trình chín cũng như khí CO2 tăng lên trong quá trình chín và dễ bị hư do nhựa từ trái xoài chảy ra. “Do đó, để tăng chất lượng, giảm rủi ro trong quá trình vận chuyển, thì vấn đề quan trọng cần lưu ý là tuyệt đối không được làm đứt chuỗi lạnh”, bà Uyên nhấn mạnh.

Muốn vậy, nhà vận chuyển logistics phải: thứ nhất, tư vấn để nhà xuất khẩu sau khi thu hoạch phải nhanh chóng vận chuyển hàng đến cơ sở đóng gói; thứ hai, khi đóng gói phải đúng quy trình, xử lý đúng quy định…

(Theo thesaigontimes.vn)

 

.
.
.