Thứ Ba, 23/05/2023, 14:44 (GMT+7)
.

Ngành nông nghiệp sẵn sàng ứng phó với hạn hán

Bộ NN&PTNT đã có những chuẩn bị trong kế hoạch sản xuất để ứng phó với hạn hán. Bộ đã tính đến phương án nếu phải dừng các nhà máy sản xuất đạm cũng không ảnh hưởng đến nguồn cung đầu vào của ngành trồng trọt.

a
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bảo đảm sản xuất

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt đã có công văn gửi các địa phương để ứng phó với hạn hán.

Đối với lúa gạo, sản xuất lúa Đông Xuân năm 2022-2023 khá thuận lợi, diện tích gieo trồng gần 2 triệu ha, năng suất đạt trên 70 tạ/ha. Theo ông Đức, đây là vụ đạt sản lượng cao. Ở phía bắc, vụ Đông Xuân gieo trồng khoảng 1,07 triệu ha, đang vào giai đoạn sinh trưởng và bảo vệ thực vật khá tốt. Từ nay đến cuối năm, nắng nóng và hạn hán tác động rất tiêu cực đến cây lúa, cây ăn quả và một số cây trồng khác.

Đối với lúa, đề nghị các địa phương thực hiện tưới tiết kiệm; thứ hai là sử dụng các giống chịu hạn và giống ngắn ngày (tiết kiệm nước và có chất lượng cao). Căn cứ vào nguồn nước và tình hình hạn hán, kế hoạch sản xuất phải linh động, cùng một vùng, cùng một cánh đồng phải tiết kiệm nước. Đối với vùng nếu lượng nước đủ 3 tháng hoặc tối thiểu 2,5 tháng từ lúc đẻ nhánh cho đến lúc làm sữa mới được cấy, không chuyển sang cây màu, cây ăn quả, cây lâu năm và lúa - tôm.

Đối với cây ăn quả, đây là nhóm phục vụ cho xuất khẩu và nội địa quan trọng, chịu ảnh hưởng rất lớn của hạn hán, nắng nóng. Do vậy, đối với vùng ĐBSCL, tạo và trữ nguồn nước ngay từ bây giờ; đối với loại cây ra nhiều quả, quả quá sai, quả nhỏ phải tỉa cành để tiết kiệm nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn hạn hán cũng như những vùng không có tưới, đề nghị các địa phương xem xét không để bà còn trồng mới hoặc ghép cải tạo, như vậy sẽ rất rủi ro.

Đối với cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê, chè, phải tăng cường trồng cây che bóng, phải tạo ra 3 tầng: Tầng dưới thảm cỏ phủ, tầng giữa cà phê và tầng trên che bóng; đối với chè, lưu ý với các địa phương đã cơ giới hóa, hái bằng máy thì hết sức chú ý đến mùa nắng nóng, phải giãn thời gian thu hoạch.

Có kịch bản tổng thể trong nhiều năm

Trong tuần vừa rồi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình khô hạn tại tỉnh Quảng Nam – một trong những nơi được đánh giá sẽ ảnh hưởng bởi khô hạn. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện nay, Quảng Nam chưa xảy ra tình trạng hạn hán. Nếu nắng nóng kéo dài trong những tháng tới thì có thể xảy ra hạn hán, tuy nhiên theo dự báo trong tuần này sẽ có mưa nên trước mắt không quá lo lắng về tình hình hạn hán tại đây.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa Hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%.

Trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao tuyệt đối. Đặc biệt, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo.

Điều đáng lưu ý, El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước, với mức phổ biến từ 25-50%, vì thế nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023. Trong đó, đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, hiện nay tình hình hạn hán chưa vào đợt cao điểm. Nếu lượng mưa hạn chế và khô nóng kéo dài thì dự báo khoảng tháng 7 đến tháng 10 mới xuất hiện hạn nặng. Bộ NN&PTNT đang có những tổng hợp đánh giá để đưa ra các giải pháp tổng thể không chỉ trong năm 2023 mà cho cả những năm tiếp theo vì những diễn biến đã có tính chu kỳ ngày càng khắc nghiệt của thời tiết.

Theo baochinhphu.vn
 

 

.
.
.