Nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển cây dừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
(ABO) Sáng 17-5, tại huyện Chợ Gạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang phối hợp với UBND huyện Chợ Gạo tổ chức Hội nghị Phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ dừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Quang cảnh hội nghị. |
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, tổng diện tích dừa của toàn tỉnh là 21.654ha, với diện tích cho trái là 18.116 ha, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng 244.115 tấn/năm.
Thu nhập từ cây dừa tương đối khá và ổn định nên diện tích có xu hướng tăng nhanh. Từ năm 2015 đến nay, diện tích dừa đã tăng 5.749 ha, với tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình 4,5%/năm.
Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang phát biểu kết luận hội nghị. |
Theo thống kê, khi cây dừa vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định, nhà vườn trồng dừa thu lợi nhuận trung bình khoảng 91,2 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh những thuận lợi, việc sản xuất và tiêu thụ dừa hiện còn gặp một số khó khăn. Trước hết là trên địa bàn tỉnh có rất ít cơ sở sơ chế, chế biến, chưa có liên kết sản xuất dừa.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi phát biểu tại hội nghị. |
Thương lái chủ yếu thu mua dừa bán lại cho địa phương khác nên việc tiêu thụ dừa phụ thuộc vào nguồn thu mua bên ngoài. Mặt khác, giá cả không ổn định nên ảnh hưởng đến đầu tư chăm sóc của người trồng…
Tại hội nghị, các hợp tác xã đã chia sẻ về tình hình sản xuất, khó khăn trong liên kết tiêu thụ dừa; các doanh nghiệp thông tin về nhu cầu và tiêu chuẩn để thu mua dừa. Lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đã nêu lên các giải pháp để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ dừa bền vững.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, dừa là loại cây có rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng phát biểu tại hội nghị. |
Qua hội nghị này, ngành Nông nghiệp sẽ kiến nghị với UBND tỉnh cho chủ trương để phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương xây dựng Đề án Phát triển cây dừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đây là công việc rất cần thiết.
Liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa để phát triển bền vững. |
Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho biết, trong thời gian tới, cần phải thành lập các hợp tác xã để bà con trồng dừa tham gia vào hợp tác xã và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp.
Các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, người dân trồng dừa xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ…
M. THÀNH