.

Tiền Giang: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường

Cập nhật: 06:51, 26/05/2023 (GMT+7)

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tiền giang được thành lập theo Quyết định 1887 ngày 28-5-2003 của UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất tổ chức Sở Địa chính và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương), Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công nghệ). Từ khi thành lập đến nay, Sở TN&MT đã từng bước hoàn thiện và thực hiên hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TN&MT.

PHÁT TRIỂN VỀ SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG

Ngày 9-9-2003, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3461 quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở TN&MT, quản lý nhà nước với 9 lĩnh vực gồm: Đất đai; tài nguyên nước; địa chất và tài nguyên khoáng sản; môi trường; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; biến đổi khí hậu và viễn thám. Trong đó, các lĩnh vực quản lý nguồn lực là đầu vào của nền kinh tế, có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, sự phát triển bền vững của tỉnh và có liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.

Ngày đầu mới thành lập, Sở TN&MT chỉ có 55 công chức, viên chức và người lao động với 8 phòng, đơn vị trực thuộc Sở.

Trải qua các giai đoạn sắp xếp và phát triển, nhất là thực hiện các Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Đề án 02 của Tỉnh ủy, đến nay, Sở TN&MT có 9 phòng, đơn vị trực thuộc Sở gồm: Văn phòng; Thanh tra Sở; Phòng Quản lý đất đai; Phòng Quản lý môi trường; Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biển; các đơn vị sự nghiệp: Văn phòng Đăng ký đất đai và Trung tâm Công nghệ thông tin là đơn vị loại 1, Trung tâm Quan trắc TN&MT là đơn vị loại 2 và Trung tâm Phát triển quỹ đất do ngân sách đảm bảo kính phí hoạt động với gần 580 công chức, viên chức và người lao động (tăng hơn 10 lần so với năm 2003).

Toàn ngành TN&MT của tỉnh có trên 800 công chức, viên chức và người lao động. Cùng với đó, Sở TN&MT ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng công chức, viên chức, người lao động khi Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp được thành lập từ tháng 8-2015.

Qua từng thời kỳ, Sở TN&MT luôn chú trọng xây dựng phát triển thông qua công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia học chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kỹ năng nghề nghiệp, nhằm từng bước củng cố đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành TN&MT ngày càng có năng lực chuyên môn, kỹ năng làm việc, nhất là đối với cấp xã, phường và thị trấn. Hiện nay, về trình độ chuyên môn, cán bộ, công chức, viên chức của Sở có 1 tiến sĩ và 29 thạc sĩ (trong đó có 1 nghiên cứu sinh); còn lại là đại học, cao đẳng; có 51 người có trình độ trung cấp, chủ yếu là viên chức.

Công tác cải cách hành chính được Sở  TN&MT chú trọng thực hiện trong thời gian qua.                                Ảnh: YẾN KHA
Công tác cải cách hành chính được Sở TN&MT chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Ảnh: YẾN KHA

Cùng với đó, Sở TN&MT đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, Trường Trung học Địa chính Trung ương III (nay sáp nhập vào Trường Đại học TN&MT miền Nam) tổ chức được 4 lớp trung cấp quản lý đất đai với gần 200 cán bộ, công chức cấp xã, huyện tham gia. Hằng năm, Sở tổ chức tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho gần 180 cán bộ của ngành TN&MT cấp huyện và xã.

THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC THAM MƯU

Trong suốt quá trình thành lập và phát triển, Sở TN&MT kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành kịp thời các chương trình, kế hoạch, đề án, các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý, góp phần từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển của ngành, làm cơ sở cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Cụ thể, năm 2004, Sở đã tham mưu ban hành 4 văn bản; đến năm 2022 đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 17 văn bản (tăng gấp 4 lần), đây là những định hướng, chỉ đạo quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về TN&MT, phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

Trong đó, nổi bật có việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030…

Sở đã tham mưu thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy như: Nghị quyết  05 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ môi trường; Chỉ thị 03 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác quản lý đất đai, khoáng sản; Chỉ thị 03 về thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường”…

Cùng với đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh lập hệ thống quy hoạch, kế hoạch dài dạn của ngành về đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản cát sông trong từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn đến 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Trong đó, quy hoạch của ngành được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn đến năm 2030; đồng thời, xây dựng kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu; Kế hoạch Ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Tiền Giang, Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Cấp ủy, lãnh đạo Sở TN&MT rất quan tâm và chú trọng chỉ đạo thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, nhằm cải tiến lề lối làm việc, thái độ phục vụ của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, thông qua đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Giai đoạn đầu mới thành lập, Sở thẩm định, giải quyết các thủ tục hành chính về TN&MT gồm giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép về môi trường, khai thác nước, cát sông… khoảng 8.500 hồ sơ; đến năm 2022 đã giải quyết trên 110.000 hồ sơ (tăng gần 13 lần); trong đó, nhiều nhất là vào năm 2018, với gần 170.000 hồ sơ.

Có thể nói, qua 20 năm xây dựng và phát triển, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động ngành TN&MT Tiền Giang với sự nỗ lực, quyết tâm đã từng bước khắc phục khó khăn, tồn tại, nâng cao hiêu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội trên địa bàn tỉnh.

CAO THẮNG

.
.
.