Thứ Sáu, 12/05/2023, 09:30 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Phát huy vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể

Nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội tích cực vận động, tư vấn, hướng dẫn chị em tham gia các hình thức kinh tế tập thể (KTTT). Từ đó, nhiều mô hình kinh tế riêng lẻ đã phát triển thành những tổ liên kết, tổ hợp tác (THT) đa ngành, nghề đạt nhiều kết quả cao.

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN

Xác định vai trò quan trọng của KTTT, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về KTTT. Đồng thời, vận động chị em thay đổi phương thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ thành các tổ liên kết, THT.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hưng, huyện Cái Bè tạo việc làm cho trên 800 phụ nữ.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hưng, huyện Cái Bè tạo việc làm cho trên 800 phụ nữ.

Theo đó, Hội LHPN tỉnh tăng cường phối hợp với các ngành, tranh thủ vốn hỗ trợ từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và nhiều nguồn vốn khác nhau để giúp cho chị em có được nguồn vốn trong kinh doanh, sản xuất. Đặc biệt là nâng cao trình độ tay nghề cho các thành viên của tổ liên kết, THT thông qua các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm…

Hiện Hội LHPN tỉnh đã thành lập được các mô hình tổ liên kết, THT sản xuất, kinh doanh với nhiều ngành, nghề như: May mặc xuất khẩu, may giỏ xách thân thiện môi trường, đan lục bình, nuôi heo sinh sản, chăn nuôi dê, đan đệm bàng... Hằng năm, các cấp Hội phối hợp mở trên 900 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; phối hợp các ngân hàng cho vay vốn với dư nợ đến nay gần 1.500 tỷ đồng và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hỗ trợ vốn gần 400 tỷ đồng.

Trưởng Ban Kinh tế - Gia đình Hội LHPN tỉnh Nguyễn Kim Vẹn cho biết, Hội LHPN tỉnh phối hợp các ngành tạo điều kiện, duy trì 411 tổ liên kết, THT sản xuất, kinh doanh do phụ nữ tổ chức quản lý điều hành. Đặc biệt, từ năm 2017, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” triển khai thực hiện đã tạo được sự đột phá về thay đổi nhận thức, trao quyền chủ động, sáng tạo cho các cấp Hội. Từ đó, các cấp Hội đã triển khai thực hiện đề án mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, phối hợp vận động thành lập 10 HTX có phụ nữ tham gia quản lý với hơn 400 tổ viên; trong đó, có 21 phụ nữ tham gia ban lãnh đạo HTX.

Tiếp tục khuyến khích hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, trong đó có xây dựng HTX, THT, Hội LHPN tỉnh đã xác định chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 là: Hỗ trợ nâng cao năng lực cho 450 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, chủ hộ kinh doanh; vận động hỗ trợ thành lập mới HTX và hỗ trợ nâng chất 5 HTX do phụ nữ quản lý.

Để đạt được mục tiêu đó, Hội LHPN tỉnh đã và đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về phát triển mô hình KTTT, HTX. Đồng thời, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tuyên truyền nhân rộng các mô hình HTX do phụ nữ làm chủ điển hình. Đặc biệt là tạo điều kiện để các HTX, phụ nữ tiếp cận các chính sách hỗ trợ, phát triển các mô hình khởi nghiệp, giúp phụ nữ vươn lên khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội.

NHIỀU MÔ HÌNH HIỆU QUẢ

Với ý chí vượt khó vươn lên, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động nữ tại địa phương. Trong số đó có nhiều phụ nữ lựa chọn phát triển và thành công với mô hình kinh tế hợp tác, trở thành điển hình phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương.

Hội LHPN tỉnh phối hợp HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hưng mở lớp dạy nghề cho phụ nữ.
Hội LHPN tỉnh phối hợp HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hưng mở lớp dạy nghề cho phụ nữ.

THT Đan lục bình xuất khẩu của chị Lê Thị Trinh (xã Tân Hưng, huyện Cái Bè) là một trong những đơn vị hoạt động mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của xã Tân Hưng nói riêng và huyện Cái Bè nói chung. Xuất phát từ thực tế của địa phương, năm 2002, chị Lê Thị Trinh (khi đó là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1) trăn trở làm sao có được việc làm mới phù hợp với chị em trong ấp, xã để tăng thêm thu nhập gia đình lúc nhàn rỗi.

Chị Trinh cho biết, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Đảng ủy, UBND xã và Hội LHPN xã Tân Hưng, chị đã sang tỉnh Vĩnh Long học nghề đan lục bình tại một công ty ở Khu công nghiệp Hòa Phú. Thời gian đó, chị Trinh vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm và tranh thủ tìm kiếm nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ.

Sau 3 năm học nghề, chị quyết định về mở cơ sở đan lục bình tại nhà. Buổi đầu thành lập, cơ sở chỉ có vài chị em trong ấp tham gia và gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, nhất là đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, sự giúp đỡ kịp thời của Hội LHPN xã về hỗ trợ vay vốn từ Dự án Na Uy, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiếp thêm nghị lực cho cơ sở đan lục bình phát triển.

Năm 2014 được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện, UBND xã, Hội LHPN xã về thủ tục, THT chính thức được thành lập rồi phát triển thành HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hưng. HTX sản xuất đa dạng các mặt hàng từ lục bình xuất khẩu đi các nước châu Âu. Hiện HTX đã mở rộng ở các xã như: An Thái Trung, An Hữu, Hòa Hưng, Mỹ Lợi B và các xã Mỹ Hiệp, Thanh Mỹ (tỉnh Đồng Tháp)… tạo việc làm thường xuyên cho trên 800 lao động.

Các chị em thành viên HTX cho biết, HTX đã mở ra một hướng đi mới cho tất cả chị em trong xóm, ấp. Bởi từ khi có HTX, thu nhập của chị em được cải thiện hơn trước, đời sống ổn định hơn. Ngoài ra, nếu ai chưa biết gì về nghề đan lục bình sẽ được hướng dẫn tận tình và được nhận hàng về đan tại nhà, để có thêm điều kiện chăm sóc gia đình. Thu nhập bình quân từ việc đan lục bình của mỗi chị em từ 2 đến 4 triệu đồng/tháng. Càng thuận lợi hơn, việc đan lục bình không chỉ riêng các chị em, mà các thành viên khác trong gia đình cũng có thể đan, góp phần tăng thêm thu nhập.

Vốn là người năng động, nhạy bén và quyết tâm phát triển kinh tế, 15 năm qua, chị Nguyễn Thị Hồng Sen (ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo) đã quản lý, điều hành THT Đan lát Tiên Tiến phát triển. Chị Hồng Sen cho biết: “Năm 1985, tôi là công nhân đan lát cho HTX Tiên Tiến (phường 8, TP. Mỹ Tho). Sau đó thấy chị em trong xóm cần việc làm, tôi đã mạnh dạn nhận hàng về nhà chia lại cho các chị em trong xóm cùng đan, chủ yếu là đan gia công mặt ghế bằng cói, lác… Công việc ngày càng phát triển, được Hội LHPN hỗ trợ vay vốn, tôi mua thêm nguyên liệu, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, THT của tôi có hơn 50 chị em tham gia sản xuất với thu nhập ổn định”.

Nhờ hoạch định kinh doanh tốt, nhạy bén trong việc nắm bắt thị trường, các HTX, THT do phụ nữ làm chủ đã từng bước phát huy vai trò, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội. Hội viên, phụ nữ tham gia HTX, THT không chỉ được hỗ trợ về phát triển kinh tế, mà còn được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ trong xây dựng gia đình, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, qua đó góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.