BÀI 2: Tìm về con đường lúa - gạo
BÀI 1: Nhất cận thị, nhị cận giang…
Trải dài hơn một thế kỷ, đi cùng với nhiều thăng trầm của lịch sử, kinh Xà No (Hậu Giang) không chỉ trở thành tuyến đường thủy mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mà còn mang dáng dấp của con đường lúa - gạo miền Hậu Giang xưa.
Góp nhặt những tư liệu về kinh Xà No, chúng tôi mới cảm nhận được hết giá trị và ý nghĩa to lớn cùa dòng kinh này trong chuỗi chiều dài lịch sử của vùng đất Nam bộ. Vì lẽ đó, Festival Lúa - gạo lần thứ I được tổ chức ngay bên dòng kinh Xà No, ngoài việc tôn vinh cây lúa, người trồng lúa, còn gợi mở nhiều vấn đề trong sản xuất, xuất khẩu và xây dựng vị thế hạt gạo Việt Nam.
XUẤT PHÁT ĐIỂM CỦA XUẤT KHẨU GẠO
Đi cùng với hệ thống kinh đào ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Vĩnh Tế, Chợ Gạo, Bảo Định…, kinh Xà No cũng đã để lại dấu ấn riêng trong dòng chảy sông ngòi, kinh, rạch của ĐBSCL. Bởi không chỉ mang lợi ích về giao thông, kinh Xà No còn được xem là xuất phát điểm của hạt gạo xuất khẩu cả miền Hậu Giang của hơn một thế kỷ trước.
Tìm hiểu lịch sử mới thấy, kinh Xà No được đào với chiều dài khoảng 40 km, bắt nguồn từ Vàm Xáng (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang và cuối cùng là đổ ra sông Cái Lớn (Hậu Giang - Kiên Giang). Để đào kinh này, Toàn quyền De Lanessan (Pháp) lúc bấy giờ cho đấu thầu và Công ty Montvenoux trúng thầu với giá đào 0,35 francs/m3. Công trình được khởi công vào năm 1901 và đến giữa năm 1903 đào xong, với bề rộng mặt kinh trên 60 m.
Lễ hội đua ghe ngo diễn ra trên dòng kinh Xà No. |
Tổng chi phí cho công trình này khoảng 36,8 triệu francs. Ngày 11-12-1903, người Pháp đã hoàn tất hồ sơ địa chính hệ thống công trình. Ngày 29-6-1904, Thống đốc Rodier phê chuẩn, từ đó kinh Xà No chính thức đưa vào khai thác và sử dụng cho đến nay.
Theo những lão nông kỳ cựu ở vùng đất này, vào những năm của thập niên 30, 40 của thế kỷ trước, nơi đây đã hình thành nhiều đồn điền lớn, trong đó lớn nhất là đồn điền của người Pháp tên Tây Albert ở khu vực Bảy Ngàn, với diện tích khoảng 30.000 ha và hơn 3.000 hộ tá điền.
Tây Albert đã xây hẳn một kho chứa lúa lớn tại khu vực Bảy Ngàn mà người dân thường gọi là Lầu Trắng, Lầu Ông Kho. Huyện Châu Thành A (Hậu Giang), nơi đây khi xưa đồng ruộng bao la, Tây Albert đã thu lúa hàng triệu giạ mỗi năm và hạt lúa được xuất khẩu đầu tiên ở Nam kỳ. Tây Albert có 2 chiếc tàu lớn và nhiều ghe nhỏ để đi thu lúa ruộng của tá điền. Nông dân làm tá điền cho Tây Albert phải làm quần quật quanh năm suốt tháng vẫn không đủ ăn.
Cuộc sống của tá điền giai đoạn này vô cùng khó khăn, bị bóc lột nặng nề bằng việc cho vay nặng lãi, vay lúa giống với giá cao và hàng loạt các tệ nạn khác nhằm vơ vét người nông dân. Ngày đó, một công lúa trúng lắm chỉ 7 - 8 giạ nhưng phải đóng hết 4 giạ. Tới mùa, nếu tá điền giấu lại mới còn được vài giạ để ăn, nếu không toàn bộ phải đóng cho Tây Albert hết.
Kinh Xà No ra đời, ngoài việc giải quyết tiêu thoát nước cho khoảng 40.000 ha miền đất Hậu Giang, phục vụ cho người dân đến khai hoang, sản xuất và sinh sống; nó còn là trục kinh rất quan trọng cho việc giao thương lúa - gạo miền Hậu Giang.
Bởi xưa kia xuất khẩu gạo chủ yếu bằng đường biển qua thương khẩu Rạch Giá - Hà Tiên, khi có kinh Xà No nối liền giữa biển Tây và sông Hậu, lúa - gạo Hậu Giang gom phần lớn về chợ Cái Răng qua đường kinh xáng này và dọc theo tuyến kinh mọc lên nhiều “chành lúa” rất lớn.
Theo số liệu sưu tầm được, năm 1899 Nam kỳ đã xuất cảng được 500.000 tấn, sau khi có kinh Xà No tăng lên 1,3 triệu tấn, riêng Cần Thơ mỗi năm xuất khẩu 116.000 tấn, đứng nhất vào thời kỳ này. Rõ ràng kinh Xà No có thể ví như con đường lúa - gạo miền Hậu Giang.
Với địa thế và giá trị lịch sử như thế, Festival Lúa - gạo lần thứ I được tổ chức bên bờ kinh Xà No - Hậu Giang, một trong những nơi có lượng gạo xuất khẩu lớn nhất Nam bộ; bởi từ năm 1913 miền Hậu Giang đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo và năm 1928 Hậu Giang đã xây dựng kho dự trữ hơn 100.000 tấn gạo.
NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU
Đi dọc dòng kinh xáng Xà No, chúng tôi mới cảm nhận được dáng dấp và những điều kỳ diệu từ con đường lúa - gạo miền Hậu Giang. Sống bên dòng Xà No gần cả cuộc đời, ông Lý Thành Hoa, gần 80 tuổi, có hơn 7 công ruộng nằm cạnh dòng kinh Bảy Ngàn (một nhánh của kinh Xà No) vui vẻ: “Nhiều năm qua, bà con ở đây đã làm được 3 vụ lúa mỗi năm. Bây giờ người ta làm lúa tính theo tấn chứ không tính theo giạ như trước nữa. Tụi tui làm ruộng bây giờ có máy móc, có khuyến nông hỗ trợ, nên năng suất lúa cao gấp mấy lần ngày trước. Phù sa của dòng kinh Xà No bồi đắp giúp cho ruộng lúa trĩu hạt hơn, đời sống tụi tui khá hơn”- ông Hoa vẫn sảng giọng của một lão nông tri điền. Người dân dọc bờ kinh Xà No đều gắn bó với cây lúa, nhưng cuộc sống đã đổi thay nhiều. Dọc kinh Xà No, gia đình nào cũng tự hào khi được sống bên dòng kinh này.
Người ta ví von rằng, kinh Xà No như người mẹ hiền cung cấp dòng sữa ngọt cho hạt lúa vùng đất này sinh sôi, nẩy nở. Chính nguồn sữa này đã cung cấp phù sa cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp trong vùng và là nguồn sống cho rất nhiều thế hệ người dân ở đây.
Cũng chính tại dòng kinh này, hàng chục kinh nội đồng được xẻ ngang, xẻ dọc như bàn cờ nhằm tiêu úng xả phèn và cung cấp phù sa cho đồng ruộng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, kinh xáng Xà No có thể ví như con đường lúa - gạo miền Hậu Giang. Bởi ngay từ xa xưa, dòng kinh này đã mang lại giá trị to lớn, đặc biệt là cho người trồng lúa.
Từ vùng đất hoang hóa, bây giờ dọc kinh xáng này đã hình thành vùng lúa cao sản, chất lượng cao để xuất khẩu. Ngoài việc giải quyết tiêu thoát nước cho khoảng 40.000 ha, kinh Xà No còn phục vụ vận chuyển lúa - gạo cho miền Hậu Giang.
Miền Hậu Giang có địa lý quan trọng của vùng ĐBSCL, là miền đồng bằng rất rộng ở phía Nam thuộc hữu ngạn con sông Hậu. Dân số khu vực này dưới thời kỳ Pháp thuộc ước khoảng 1 triệu người, với diện tích khoảng 20.000 km2. Đây cũng là một trong những khu vực được thực dân Pháp tập trung khai phá ngay từ những ngày đầu khai thác Nam bộ, thông qua việc cải tạo và đào mới rất nhiều tuyến kinh. Thậm chí, khi phát hiện lợi ích đào kinh vượt quá sức tưởng tượng về khai khẩn đất đai và giao thông thủy, không thể thỏa mãn với việc đào thủ công của dân phu, Pháp bắt đầu một chương trình đào kinh thực nghiệm bằng tàu cuốc. Từ đó, hàng loạt tuyến kinh đào mới ra đời, diện tích sản xuất lúa vùng này cũng tăng lên nhanh chóng. Miền Hậu Giang ngày nay bao gồm các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, TP. Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Trên lĩnh vực sản xuất cây lúa, khu vực này hằng năm có tổng sản lượng lương thực đạt hơn 11 triệu tấn, chiếm 60% sản lượng lúa của toàn vùng ĐBSCL. |
Cũng chính nhờ dòng kinh Xà No đã biến một vùng đất phèn nặng, hoang hóa thành vùng đất sản xuất nông nghiệp trù phú. Quá khứ, hiện tại và tương lai, khu vực này hình thành trung tâm trung chuyển, vận chuyển, giao lưu lúa - gạo ở ĐBSCL qua kinh Xà No. Những năm gần đây, kinh xáng Xà No lại khoác trên mình chiếc áo mới bởi một dự án đầu tư đường, kè 2 bên bờ kinh được xây dựng hoàn thành từ nguồn vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ, với vốn đầu tư khoảng 998 tỷ đồng, với chiều dài dự án trên 30 km.
Đặc biệt, cách đây hơn 10 năm, ngay chính bên dòng Xà No, Công viên Kinh Xáng Xà No đã được UBND TP. Hà Nội quyết định công nhận là một công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngày nay, ngoài việc khai thác kinh tế, con kinh này đã tạo nên cảnh quan đặc sắc cho mảnh đất Vị Thanh. Nhịp sống thương hồ, quán xá, các cửa hàng bán buôn ven kinh Xà No đã tạo nên một đô thị sầm uất ở bờ Nam sông Hậu. Kinh Xà No cũng được đưa vào danh mục tuyến đường thủy quốc gia TP. Hồ Chí Minh - Cà Mau. Việc giao thương theo đó cũng trở nên nhộn nhịp hơn.
Từ vùng đất hoang sơ dần được khai phá, vùng sản xuất lúa cũng được định hình với quy mô ngày càng lớn hơn, con đường xuất khẩu lúa - gạo cũng được mở ra ngay trên những tuyến kinh đào của hơn một thế kỷ trước. Từ đó, nhu cầu sản xuất, mua bán hàng nông sản dần được mở rộng, trung tâm thương mãi của vùng châu thổ cũng được định hình ngay trên chính cửa ngõ của các dòng sông, kinh, rạch. Kinh tế sông của vùng đồng bằng châu thổ cũng đã bắt đầu lớn mạnh.
NHÓM PVKT
(còn tiếp)