.
MỞ RỘNG TUYẾN CAO TỐC TP. HỒ CHÍ MINH - TRUNG LƯƠNG - MỸ THUẬN:

Xóa "nút thắt" giao thông với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 14:47, 28/07/2023 (GMT+7)

Trước nhu cầu bức thiết trong việc đi lại và giao thương hàng hóa của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang phối hợp với các địa phương nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.

DỰ KIẾN KHỞI CÔNG NĂM 2025

Thực tế cho thấy, hạ tầng giao thông vẫn đang là “điểm nghẽn” trong phát triển đối với các tỉnh, thành ĐBSCL. Do đó, bên cạnh việc đưa vào sử dụng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, Chính phủ cũng đang triển khai đầu tư các tuyến cao tốc khác như: Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc (An Giang) - Trần Đề (Sóc Trăng), An Hữu - Cao Lãnh (Đồng Tháp)…

Đầu tư mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận là vấn đề cấp thiết hiện nay đối với ĐBSCL.
Đầu tư mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận là vấn đề cấp thiết hiện nay đối với ĐBSCL.

Tuy nhiên, với lưu lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng như hiện nay, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đang cho thấy sự quá tải. Đây là tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây của TP. Hồ Chí Minh kết nối các tỉnh, thành ĐBSCL. Tuyến đường dài khoảng 40 km, quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp.

Sau hơn 12 năm khai thác, nhất là sau khi dừng thu phí năm 2019, tuyến cao tốc này có lưu lượng phương tiện lưu thông tăng cao (khoảng 52.000 lượt xe/ngày đêm), thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn. Theo đó, với quy mô hiện tại, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương không đáp ứng nhu cầu vận tải. Do đó, cần sớm nghiên cứu để đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này theo quy hoạch, đáp ứng được nhu cầu lưu thông trên tuyến, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL cũng như của cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương là nền tảng, bước khởi đầu trong đầu tư đường cao tốc cho khu vực ĐBSCL.

Tiếp nối đó là tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được hình thành. Tiền Giang là một trong những tỉnh đầu tiên được nhận trách nhiệm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án đường cao tốc. Tuy nhiên, do nằm trong khuôn khổ, với nguồn lực giới hạn, hiện mật độ giao thông đang quá tải, tỉnh kiến nghị phối hợp cùng TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An nghiên cứu mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon, Thủ tướng Chính phủ đã cho chủ trương mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Dự án sẽ do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Vừa qua, tỉnh Tiền Giang và Long An đã làm việc với Bộ GTVT để nghiên cứu mở rộng tuyến cao tốc này.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Dự án Đầu tư mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Dự án đi qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang, có điểm đầu tại Km 10+000 (sau nút giao Chợ Đệm), thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh; điểm cuối tại Km 49+620 (trước nút giao Thân Cửu Nghĩa), thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; với tổng chiều dài khoảng 39,6 km.

Về quy mô đầu tư, dự án sẽ mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương giai đoạn 2 thêm 4 làn xe để đạt quy mô 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 200 ha (đã giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 1). Tốc độ thiết kế đường sau khi mở rộng 120 km/giờ. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9.765 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ GTVT.

Về thời gian thực hiện, theo Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT, chủ đầu tư sẽ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư hoàn thành trong năm 2023; tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định, quyết định đầu tư hoàn thành trong năm 2024; tổ chức lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, thẩm định, quyết định duyệt thiết kế hoàn thành trong năm 2025. Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong năm 2025; tổ chức thi công, hoàn thành và đưa dự án vào khai thác trong năm 2027.

KIẾN NGHỊ MỞ RỘNG CAO TỐC TRUNG LƯƠNG - MỸ THUẬN

Kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 1) cũng vừa được đưa vào khai thác vào cuối tháng 4-2022. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thiết kế với vận tốc 80 km/giờ, gồm 4 làn xe và dải phân cách giữa. Tuyến chưa bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp so le nhau khoảng cách thiết kế từ 4 - 5,3 km.

Theo đại diện Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, trung bình mỗi ngày đêm, có khoảng 20.000 lượt phương tiện lưu thông trên tuyến. Nhìn tổng thể, việc đưa vào vận hành tuyến cao tốc này đã góp phần giảm tải cho Quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Tiền Giang), góp phần hạn chế tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông mỗi dịp lễ, tết. Tuy nhiên, qua đánh giá, với tình hình hiện nay, tuyến cao tốc này chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Điểm bất cập lớn nhất của tuyến cao tốc này là hiện chưa có làn dừng khẩn cấp; trạm dừng nghỉ chưa được triển khai đầu tư. Do đó, việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Khi đó, cao tốc này sẽ kết nối đồng bộ với các dự án như: Cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau… tạo động lực cho sự phát triển của khu vực ĐBSCL.

Theo đồng chí Trần Văn Bon, tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT đang kiến nghị Thủ tướng cho chủ trương mở rộng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Khi có chủ trương mở rộng, địa phương sẽ cùng Bộ GTVT phối hợp nghiên cứu đầu tư.
 

ANH THƯ

.
.
.