.
NỬA NHIỆM KỲ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XI: TIỀN GIANG NỖ LỰC VƯƠN LÊN

BÀI 3: Tạo đà cho các vùng kinh tế động lực

Cập nhật: 21:15, 08/07/2023 (GMT+7)

BÀI 1: Lấy lại đà tăng trưởng

BÀI 2: Định hình sản phẩm chủ lực

Xây dựng các vùng động lực, gắn với mục tiêu phát triển các vùng kinh tế - đô thị đã được Tiền Giang tập trung thực hiện trong nhiều năm qua và gặt hái được nhiều kết quả quan trọng.

Đây cũng là một trong những khâu đột phá quan trọng được Tiền Giang lựa chọn cho chặng đường 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VỆ TINH

Tiền Giang xác định 3 vùng kinh tế - đô thị quan trọng là vùng Trung tâm, vùng phía Đông và vùng phía Tây.

ầu tư hạ tầng là bước đi quan trọng cho các vùng kinh tế mang tính động lực của Tiền Giang.  Ảnh: Minh Thành
Đầu tư hạ tầng là bước đi quan trọng cho các vùng kinh tế mang tính động lực của Tiền Giang. Ảnh: Minh Thành

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mỗi vùng cũng được gắn chặt với điều kiện tự nhiên, lợi thế, đặc thù riêng. Chiến lược phát triển này cũng đã được Tỉnh ủy Tiền Giang cụ thể hóa thông qua Nghị quyết 10 ngày 5-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 10 và nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tạo ra nhiều cú hích quan trọng cho các vùng kinh tế mang tính động lực của tỉnh.

Thực hiện mục tiêu chung, từng vùng kinh tế cũng đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh cho biết, thị xã đã tập trung đầu tư từng bước hoàn chỉnh với vai trò là đô thị trung tâm, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, các khu dân cư, khu đô thị mới, thương mại - dịch vụ; coi đó là khâu đột phá để phát triển kinh tế và giải pháp quan trọng nhất trong việc tạo động lực phát triển lan tỏa, kết nối với phát triển các đô thị vệ tinh.

Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ

Để thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn, thời gian qua tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn: Hoàn thành đưa vào sử dụng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; mở rộng các cầu hẹp trên Quốc lộ 1; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50; giai đoạn 1 Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo và khởi công giai đoạn 2 của dự án; đồng thời, khởi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2; chuẩn bị đầu tư cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; tiếp tục phối hợp nghiên cứu đầu tư dự án liên kết vùng như: Trục giao thông đô thị TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang (Quốc lộ 50B); Dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang kết nối với tỉnh Long An và tỉnh Bến Tre; tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối giao thông quốc gia như: Đường tỉnh 864 (đoạn từ huyện Cái Bè đến huyện Gò Công Đông), đường vào Đồng Tháp Mười, đường tỉnh 873, 861, 863, 869; đầu tư các cầu thay thế phà, đò như: Cái Thu, Tân Thạnh, Tân Long... cùng với việc đầu tư hệ thống tuyến đường huyện, xã, giao thông nông thôn, gắn với tiêu chí xã, huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Tiền Giang cũng đã bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 cho lĩnh vực giao thông là 9.205 tỷ đồng, chiếm 38% tổng nguồn vốn đầu tư công.

Thông qua việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội TX. Gò Công đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 và quy hoạch chung TX. Gò Công đến năm 2030; quy hoạch phân khu Bắc và Nam nội thị chương trình phát triển đô thị, quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất cũng từng bước được phê duyệt, hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện.

Quốc lộ 50 đoạn qua TX. Gò Công được nâng cấp, mở rộng, kết nối với tỉnh Long An và TP. Hồ Chí Minh qua cầu Mỹ Lợi - TP. Mỹ Tho tạo ra cơ hội phát triển cho TX. Gò Công. Bên cạnh đó, địa phương còn phối hợp Sở Giao thông Vận tải đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, nâng cấp, mở rộng và xây dựng các cầu trên các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ: Cầu Bình Xuân, cầu Nguyễn Trọng Dân; đường tỉnh 871, 871B, 862, 873, 2 tuyến đường 877, đường tỉnh 871C chuẩn bị đầu tư tạo thành đầu mối giao thông quan trọng kết nối các huyện phía Đông.

Với vai trò, vị thế là đô thị trung tâm phía Đông của tỉnh, TX. Gò Công đã và đang tận dụng các lợi thế để phát triển. Chưa dừng lại ở đó, TX. Gò Công đã và đang thực hiện nhiệm vụ kết nối với các địa phương trong vùng để tận dụng tối đa những lợi thế của từng địa phương.

“Đặc biệt là việc đầu tư đường tỉnh 871B đã tạo nên sự kết nối giữa thị xã với các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp (CCN) Gia Thuận 1, 2, tạo cơ hội việc làm và phát triển cho lao động và doanh nghiệp của khu vực; đồng thời, tích cực mời gọi đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng đảm bảo phục vụ yêu cầu phát triển đô thị (đường và khu dân cư 2 bên đường Nguyễn Trãi nối dài với tổng mức đầu tư 222 tỷ đồng, đường và khu dân cư 2 bên đường Nguyễn Trọng Dân nối dài với tổng mức đầu tư 420 tỷ đồng và khu dân cư Trương Định giai đoạn 3 với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng…) đã góp phần nâng bộ mặt thị xã lên tầm cao mới” - đồng chí Giản Bá Huỳnh cho biết.

HÌNH THÀNH TUYẾN HÀNH LANG KINH TẾ

Việc tập trung đầu tư hạ tầng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của vùng là bước đi quan trọng của tỉnh và mỗi địa phương. Đề cập về vấn đề này, Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Trần Văn Thức cho biết, là đô thị trung tâm vùng phía Tây của tỉnh, nhiều dự án lớn về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy trên địa bàn TX. Cai Lậy đã và đang được Trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng.

Điều này tạo điều kiện giao thông thuận lợi, kết nối liên huyện với các địa phương trong vùng phía Tây của tỉnh và các tỉnh lân cận; hình thành tuyến hành lang kinh tế với nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng nông sản và thương mại dịch vụ, tạo động lực cho phát triển đô thị thị xã như: Dự án Nạo vét, mở rộng tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp; Dự án Tuyến tránh Quốc lộ 1; Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Dự án Tuyến tránh đường tỉnh 868; Dự án Mở rộng đường tỉnh 868 của TX. Cai Lậy và huyện Cai Lậy; Dự án Nâng cấp, mở rộng đường huyện 52 (Lộ Dây Thép thành tuyến đường tỉnh 880B) nhằm kết nối TX. Cai Lậy với huyện Châu Thành. Khi hạ tầng được đầu tư, kết nối, cơ hội đầu tư, thu hút đầu tư chắc chắn được mở ra.

Nhìn trên bức tranh tổng thể hơn, việc xây dựng vùng kinh tế động lực của Tiền Giang, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, trên lĩnh vực phát triển công nghiệp, Tiền Giang còn tập trung vào 2 vùng mang tính động lực là khu vực Gò Công và Đông Nam Tân Phước để ưu tiên đầu tư và kêu gọi đầu tư.

Từ chiến lược này, một trong những điểm nhấn quan trọng trong hơn 2 năm qua là tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng để mời gọi đầu tư phát triển các khu, CCN ở 2 vùng công nghiệp của tỉnh là Đông Nam Tân Phước và khu vực Gò Công; đồng thời, chú trọng phát triển một số CCN ở những địa bàn có điều kiện.

Theo đó, kết quả thu hút đầu tư các dự án ưu tiên đầu tư: Khu công nghiệp Bình Đông, Khu công nghiệp Tân Phước 1 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định), Khu công nghiệp Tân Phước 2 (nhà đầu tư đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đầu tư), Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp; các CCN: Gia Thuận 1, Gia Thuận 2, Thạnh Tân,  Mỹ Phước Tây...

Trong chiến lược phát triển các vùng kinh tế mang tính động lực trong thời gian qua, Tiền Giang cũng ưu tiên phát triển các khu đô thị ở các vùng kinh tế - đô thị của tỉnh. Theo đó, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức lập các hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị như: Khu đô thị Long Bình, Khu đô thị Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây); Khu đô thị Phú Mỹ (huyện Tân Phước); Khu đô thị Thương mại - dịch vụ phía Tây Bắc; Khu đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ phía Đông (TP. Mỹ Tho), Khu đô thị Vĩnh Kim (huyện Châu Thành); điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị TX. Gò Công.

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng đã triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy thành lập thành phố Gò Công; tiếp tục tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trên địa bàn tỉnh, xử lý có hiệu quả tích cực về tình trạng phân lô, bán nền. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn đã đạt hơn 15%...

Một khi lấy lại được đà tăng trưởng, tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn, cũng như tạo đà cho các vùng động lực cũng góp phần kiến tạo cho một môi trường đầu tư mới của Tiền Giang trong tương lai.

ANH PHƯƠNG
(còn tiếp)

.
.
.