.

Tiền Giang đạt nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm

Cập nhật: 19:18, 07/07/2023 (GMT+7)

(ABO) Sáng 7-7, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh đến dự.

Đại biểu đến tham dự.
Đại biểu đến tham dự.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng với sự tin tưởng, ủng hộ cao của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, với GRDP đạt 31.379 tỷ đồng, tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,97%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 3,26% và khu vực dịch vụ tăng 5,04%.

Sản xuất nông nghiệp ổn định, hàng hóa nông sản đáp ứng nhu cầu của thị trường. Công tác thủy lợi, xử lý sạt lở, phòng, chống thiên tai đã được chủ động thực hiện ngay từ rất sớm. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, trên đàn gia súc, gia cầm, trên tôm... vẫn còn xảy ra nhưng đã được các ngành chức năng hướng dẫn, xử lý kịp thời.

a
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa được 2.270 triệu USD, tăng 10,9% và kim ngạch nhập khẩu là 1.270 triệu USD, tăng 11,9%. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng mạnh, với 569.000 lượt khách, tăng 94,9%, nhất là số lượng khách quốc tế được 52.000 lượt, tăng 5,1 lần so cùng kỳ.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện được 18.515 tỷ đồng, tăng 12,9%; giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công được 2.738 tỷ đồng, tăng 52,5%. Toàn tỉnh đăng ký thành lập mới 415 doanh nghiệp, 2.950 hộ kinh doanh và có 215 doanh nghiệp quay lại thị trường hoạt động. Đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.400 doanh nghiệp, 5.120 đơn vị trực thuộc và 70.500 hộ kinh doanh đang hoạt động.

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động đăng ký thất nghiệp để quay lại thị trường lao động được phát huy hiệu quả. Theo đó, đã giải quyết việc làm cho khoảng 6.800 lao động; tổ chức cho 202 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, tăng 254,4% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh hiện có 137/142 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 96,5%; có 39/142 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 27,5%; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4/8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

 
a
Lãnh đạo địa phương và các ngành tỉnh tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những hạn chế xoay quanh các vấn đề về lĩnh vực thương mại chưa khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là đối với các sản phẩm của ngành Nông nghiệp; vai trò gắn kết giữa sản xuất với tiêu dùng của thương mại còn hạn chế.

Việc phát triển du lịch của tỉnh còn mang tính nhỏ lẻ; các doanh nghiệp chủ yếu khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên và văn hóa sẵn có, chưa đầu tư sâu, chuyên nghiệp vào việc phát triển sản phẩm mới mang nét đặc thù của địa phương…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị trong 6 tháng cuối năm 2023 cần tiếp tục thực hiện tinh thần quyết tâm khắc phục các khó khăn, chủ động đề xuất các giải pháp để đạt và vượt chỉ tiêu theo kế hoạch năm 2023.

Đồng thời, đồng chí yêu cầu thường xuyên củng cố kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; từng ngành, từng địa phương tích cực rà soát, tham mưu và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới…

LÊ MINH

.
.
.