.

Tiền Giang: Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích

Cập nhật: 15:45, 19/07/2023 (GMT+7)

(ABO) Ngày 19-7, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (gọi tắt là Nghị định). Tham dự hội nghị có đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thực hiện Kế hoạch số 372/KH-UBND ngày 10-12-2021 và Công văn số 354/UBND-KT ngày 6-2-2023 của UBND tỉnh về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 109 danh mục dự án/kế hoạch liên kết được phê duyệt danh mục. Trong đó, giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2023 (tính đến 7-2023) có 29 dự án/kế hoạch liên kết được phê duyệt.

Kết quả đã huy động 29 hợp tác xã nông nghiệp, 55 doanh nghiệp (đầu vào, đầu ra), với 1.320 hộ nông dân tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản. Số lượng liên kết do hợp tác xã làm chủ trì là 28; số lượng liên kết do doanh nghiệp làm chủ trì là 1.

Đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể đạt thành tích.
Đồng chí Phạm Văn Trọng trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các tập thể đạt thành tích.

Nhiều mô hình hiệu quả như liên kết giữa Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới với Công ty TNHH Phước Lộc Thiên Hộ (huyện Cái Bè), liên kết tiêu thụ lúa của Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Hòa (xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây), liên kết rau của Hợp tác xã Rau an toàn Tân Đông (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông), liên kết tiêu thụ gà của Hợp tác xã Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công (TX. Gò Công).

Việc tham gia mô hình liên kết mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia liên kết. Cụ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia có được nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định, chất lượng; giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân thông qua các hợp đồng liên kết, tạo việc làm cho người dân.

Cùng với đó, việc liên kết tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng cho người tiêu dùng, tạo việc làm cho người lao động. Việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp giúp hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Trọng đánh giá cao tinh thần tham gia thực hiện Nghị định của các chủ thể. Việc tham gia tích cực của các chủ thể tạo điều kiện để thực hiện tốt Nghị định. Sở NN&PTNT cùng với các sở, ngành liên quan, các huyện, thành, thị phải ghi nhận nghiêm túc những khó khăn của các chủ thể, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể hiệu quả để việc thực hiện Nghị định tiếp tục đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 11 tập thể đã có thành tích trong 5 năm thực hiện Nghị định.

CAO THẮNG

 

.
.
.