.
BÀI TOÁN KINH TẾ TUẦN HOÀN - KIẾN TẠO NỀN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

BÀI 1: Vấn đề cũ, thách thức mới

Cập nhật: 09:35, 07/08/2023 (GMT+7)

Hiện nay, không chỉ riêng Tiền Giang, mà cả Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn như nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Chính vì vậy, việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường là xu thế tất yếu, mở ra kỷ nguyên kinh tế mới - kinh tế tuần hoàn.

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải rắn của tỉnh Tiền Giang nói riêng đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, Tiền Giang cũng đang gặp phải những vấn đề thách thức từ môi trường cần được tháo gỡ để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

THỰC TRẠNG VÀ CÔNG TÁC TRIỂN KHAI

Những năm qua, Tiền Giang có tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế mạnh mẽ trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đi đôi với công tác bảo vệ môi trường luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiền Giang triển khai nhiều mô hình thu gom rác thải góp phần nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường tại địa phương.
Tiền Giang triển khai nhiều mô hình thu gom rác thải góp phần nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường tại địa phương.

Tuy nhiên, công tác quản lý rác thải trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Trong đó, dân số khu vực nông thôn chiếm trên 80% tổng số dân toàn tỉnh. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng dân số tại khu vực nông thôn là điều tất yếu, đồng thời cũng chính là sự gia tăng về khối lượng rác thải ở khu vực này.

Thực tế hiện nay, rác thải đang khiến môi trường các vùng nông thôn ngày càng bị ô nhiễm. Hầu hết các biện pháp thu gom và xử lý chất thải rắn nông thôn vẫn còn rất thô sơ, chưa đáp ứng yêu cầu và chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây thực sự là một áp lực đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường và cũng là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Chưa kể, việc đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn theo quy hoạch trên địa bàn cần nguồn vốn lớn, trong khi khả năng ngân sách nhà nước còn hạn chế; việc mời gọi đầu tư đã có nhà đầu tư quan tâm nhưng quá trình triển khai thực hiện dự án còn chậm. Các bãi rác trên địa bàn tỉnh hiện nay đã quá tải, do bãi rác hở gây ô nhiễm môi trường, nhất là vào mùa mưa, rác thải bị rỉ nước thấm ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm.

Mặt khác, ý thức của một số hộ dân chưa cao như không nộp phí vệ sinh, còn hiện trạng thải rác bừa bãi nơi công cộng. Việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi thải rác thải không đúng nơi quy định chưa được thực hiện nghiêm.

Đánh giá 6 tháng đầu năm 2022, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang Nguyễn Trí Đông cho biết, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 27.598 tấn; trong đó, khu vực đô thị phát sinh 2.883 tấn, khu vực nông thôn khoảng 24.715 tấn.

Hiện tại, công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn vẫn còn những khó khăn nhất định như: Rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; một số tuyến đường đôi khi còn phát sinh các túi nhựa và túi ni lông; việc ô nhiễm môi trường trong các hoạt động chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình vẫn còn diễn ra… làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường đất, nước, không khí khu vực nông thôn.

Ứng phó tình trạng này, công tác thu gom, xử lý rác thải nói chung và rác thải nông thôn nói riêng, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của Tỉnh ủy, UBND tỉnh như: Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường”, Chương trình hành động 84 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy và nhiều văn bản, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Cụ thể, Kế hoạch 308 ngày 11-10-2022 của UBND tỉnh định hướng tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đến năm 2025 là 80%, đến năm 2030 là 90%.

ĐỐI MẶT THÁCH THỨC

Qua gần 30 năm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta nói chung, tại tỉnh Tiền Giang nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội được nâng lên, hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường được thực hiện thường xuyên, liên tục và có hiệu quả, kịp thời xử lý các sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường nhằm không để phát sinh các điểm nóng về bức xúc, ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, Tiền Giang đang gặp phải những vấn đề thách thức từ môi trường cần được tháo gỡ để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Nhận định về khía cạnh này, đồng chí Nguyễn Trí Đông cho rằng, không thể không nhắc đến vấn đề khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước dưới đất, nước mặt, khoáng sản... Khi công nghiệp phát triển, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu và làm tăng trưởng kinh tế thì đương nhiên sẽ khai thác tài nguyên.

Sự khai thác và sử dụng tài nguyên không hợp lý có thể sẽ dẫn tới sự biến đổi môi trường sâu sắc, gây ảnh hưởng xấu đến con người và tất cả các hệ sinh thái. Đồng thời, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của nhiều cơ sở đã tạo ra khối lượng rất lớn các loại chất thải, mà nếu không xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường thì chắc chắn sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Vẫn còn tình trạng cơ sở mặc dù đã xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải (nước thải, khí thải...) khá hoàn chỉnh nhưng chưa vận hành thường xuyên, liên tục để đảm bảo xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận, nguyên nhân chủ yếu có thể để tiết kiệm chi phí.

Thực tế cho thấy, vẫn còn cơ sở xem đầu tư bảo vệ môi trường là một chi phí không thể thu hồi lại được, cũng có ý kiến cho rằng bảo vệ môi trường là một hoạt động đầu tư tốn kém, để có lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh về giá cả, cơ sở phải “hoãn” vấn đề môi trường sang một bên. Do đó, cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường hoặc thậm chí có đầu tư công trình xử lý môi trường nhưng chỉ mang tính chất đối phó với các cơ quan chức năng chứ chưa xuất phát từ trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Vấn đề “môi trường” theo quan điểm của Đảng hiện nay là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; phát triển kinh tế phải hài hòa với việc bảo vệ thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Bảo vệ môi trường được xem là thách thức đối với các cơ sở. Tuy nhiên, nếu có cách tiếp cận đúng và lựa chọn được phương pháp hiệu quả, với một nguồn đầu tư thích hợp, các cơ sở vẫn có thể đáp ứng tốt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Nếu vượt qua những thách thức này thì công tác bảo vệ môi trường có thể mang đến cho cơ sở những nguồn lợi không nhỏ.

Có thể nói, khi áp dụng các công cụ quản lý môi trường hữu hiệu sẽ giúp cơ sở nâng cao năng lực kiểm soát đầu vào, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, điện, nước, vật tư, lao động... dẫn tới giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, việc cơ sở thường sử dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường và quản lý môi trường hữu hiệu trong quá trình sản xuất… sẽ làm giảm thiểu chất thải, chủ động phòng ngừa ô nhiễm môi trường thay vì phải đối phó thụ động trước yêu cầu pháp lý hoặc khi gây ra ô nhiễm, sự cố môi trường.

Thông qua việc tuân thủ và xử lý tốt vấn đề môi trường, cơ sở sẽ nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đem lại lợi nhuận cao về kinh tế cho cơ sở và góp phần bảo vệ môi trường ở thành thị lẫn nông thôn.

LÊ MINH

(Còn tiếp)

 

.
.
.