.
BÀI TOÁN KINH TẾ TUẦN HOÀN - KIẾN TẠO NỀN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

BÀI 4: Tạo sức bật mới

Cập nhật: 08:45, 15/08/2023 (GMT+7)

BÀI 3: "Bước đệm" khởi sắc

BÀI 2: Bắt kịp với xu thế

BÀI 1: Vấn đề cũ, thách thức mới

Thời gian qua, Tiền Giang đã triển khai các chương trình hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất từ việc tái sử dụng nguồn phụ phẩm, chất thải như một nguồn nguyên liệu tiếp theo của chu trình sản xuất kinh tế tuần hoàn (KTTH).

Để tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị, việc khai thác tiềm năng nguồn phụ phẩm là cơ hội chuẩn hóa vai trò “mắt xích” trong phát triển nông nghiệp bền vững.

HƯỚNG TỚI QUY TRÌNH KHÉP KÍN

Tại ấp Thân Bình, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, hiện có Công ty TNHH Phát triển trang trại sạch đang vận hàng theo hướng mô hình liên kết nuôi trùn quế theo nguyên lý KTTH. Ông Nguyễn Công Vinh, đại diện công ty chia sẻ, mô hình mà công ty đang hướng đến với mong muốn được góp sức cho quê hương xây dựng một nền nông nghiệp sạch, tái sử dụng các phụ, phế phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình khép kín, giúp tạo ra giá trị gia tăng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chủ thể tham gia liên kết sản xuất của công ty là nuôi, cung cấp trùn quế giống, phân trùn, dịch trùn và giá thể phân các loại… Trong đó, công ty thu mua phân bò tươi, phân trùn, phân heo của các trang trại, hộ chăn nuôi để làm nguồn thức ăn cho trùn quế. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp, nông dân và cơ sở sản xuất để thu mua phụ, phế phẩm trong nông nghiệp như xơ dừa, rơm, trấu, vỏ đậu phộng, cây lục bình…

Đánh giá hiệu quả của mô hình Nuôi sâu canxi theo hướng KTTH ở cấp độ hộ nông dân.
Đánh giá hiệu quả của mô hình Nuôi sâu canxi theo hướng KTTH ở cấp độ hộ nông dân.

Qua thời gian hoạt động, công ty đã ký hợp đồng liên kết với trên 50 doanh nghiệp, trang trại ở trong và ngoài tỉnh. Nhằm đảm bảo liên kết bền vững, công ty đã cung cấp trùn giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Ông Nguyễn Công Vinh cho biết thêm, công ty luôn hướng đối tác đến áp dụng quy trình sản xuất khép kín. Cụ thể, trang trại nuôi bò sử dụng phân để nuôi trùn, phân trùn thu hoạch bán cho công ty, số còn lại dùng bón cây và trồng cỏ để nuôi bò; còn trùn thịt sử dụng để chăn nuôi thủy sản; trang trại nuôi heo ép phân lấy xác bán cho công ty, còn nước phân dùng sản xuất biogas để chạy máy phát điện…

Đối với các trang trại, hộ chăn nuôi không kết hợp nuôi trùn thì bán phân chuồng cho công ty làm thức ăn cho trùn. Được biết, mỗi ngày công ty tiêu thụ các loại phân chăn nuôi và phân trùn quế từ đơn vị liên kết khoảng 400 - 450 tấn.

Đồng thời, hằng tháng công ty còn thu mua trên 7.000 bao xơ dừa, tận thu khoảng 6.500 bao rơm phế phẩm từ mô hình trồng nấm, sử dụng gần 2.000 bao trấu từ các cơ sở xay xát lúa; tiêu thụ trên 100 tấn lục bình tươi từ khu vực Đồng Tháp Mười; thông qua hoạt động logistics để tiêu thụ 2.500 bao vỏ đậu phộng mỗi tháng từ các tỉnh miền Trung…

Hằng năm, Tiền Giang có lượng vỏ dứa khoảng 136.740 tấn; vỏ sầu riêng là 88.400 tấn và hàng ngàn tấn vỏ và phụ phẩm từ cây dừa.

Theo đánh giá ở cấp độ hộ nông dân tham gia mô hình, anh Võ Văn Thanh (xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo) chia sẻ, qua thời gian nuôi thử nghiệm sâu canxi bằng hình thức nuôi bể xi măng 3 m2, số lượng trứng là 25 g (có giá 150.000 đồng), thời gian nuôi là 45 ngày, lượng sâu canxi thu được khoảng 20 kg, giá dao động cao điểm từ 100.000 - 180.000 đồng/kg, cho lợi nhuận 1,8 - 3,4 triệu đồng.

Do trong sâu canxi có chứa 40 - 46% protein, 34% chất béo, 9,34 mg canxi nên được đánh giá là nguồn thức ăn lý tưởng trong chăn nuôi gia cầm, thủy, hải sản… Đồng thời, trong quá trình nuôi, tổng lượng phân heo cho sâu canxi ăn là 350 kg, lượng phân sâu canxi thải ra thu được khoảng 270 kg; lượng phân thu được sẽ tái sử dụng cho hoạt động trồng trọt hoặc trở thành nguồn thức ăn nuôi trùn quế. Với lượng trứng 25 g nuôi trong thời gian 45 ngày mà cho hiệu quả và lợi ích vượt trội cho thấy, việc nuôi ở quy mô lớn hơn sẽ rất có tiềm năng phát triển thành trang trại khép kín dưới dạng liên kết hộ cá nhân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Sâu canxi là loại ăn tạp, trong quá trình nuôi nhận thấy chỉ với 1 m2 sâu canxi cần 14 giờ để xử lý 14 kg rác thải sinh hoạt hữu cơ và từ 24 - 48 giờ để xử lý các phụ phẩm nông nghiệp. Đặc biệt khi nuôi, sâu canxi thải ra một lượng phân rất nhỏ so với khối lượng chất thải chúng ăn vào và cũng không tạo ra nguồn nước thải. Vì thế, sâu canxi có thể làm giảm từ 80% - 90% lượng chất thải, giảm thiểu tình trạng các mầm bệnh phát sinh từ chất thải trực tiếp ra môi trường. Từ đó chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp chất thải hữu cơ được giảm thiểu rất đáng kể so với các phương pháp khác.

TẬP TRUNG KHAI THÁC TIỀM NĂNG

TS. Nguyễn Thành Hiếu và các cộng sự tại Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, năm 2021, Việt Nam có tổng diện tích đất nông nghiệp khoảng 27,9 triệu ha, ngành trồng trọt và chăn nuôi đã tạo ra hàng trăm triệu tấn sản phẩm mỗi năm. Song song với sản phẩm chính, hằng năm hoạt động trồng trọt tạo ra khoảng hơn 150 triệu tấn phụ phẩm bao gồm cả phụ phẩm trong sản xuất và chế biến.

Trong khi một lượng lớn phế, phụ phẩm trong trồng trọt đã được thu gom và sử dụng hiệu quả như rơm, trấu, cám, lõi ngô… phục vụ cho các hoạt động kinh tế như làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm giá thể trồng cây, sản xuất năng lượng sinh khối, sản xuất phân hữu cơ, sử dụng làm vật liệu phủ đất mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân; một phần phụ phẩm trong sản xuất, chế biến còn chưa được sử dụng một cách hiệu quả, không chỉ gây lãng phí, mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Hằng năm, Tiền Giang có lượng phế, phụ phẩm từ cây dứa khoảng 136.740 tấn và đang bị lãng phí khi chưa được tận dụng đúng cách.
Hằng năm, Tiền Giang có lượng phế, phụ phẩm từ cây dứa khoảng 136.740 tấn và đang bị lãng phí khi chưa được tận dụng đúng cách.

Đối với cây ăn trái, nguồn phế, phụ phẩm cũng khá lớn, tuy nhiên việc thu gom, sử dụng phụ phẩm còn rất hạn chế và kém hiệu quả. Trong đó, cây chuối có diện tích canh tác 151.000 ha, hằng năm tạo ra 2,25 triệu tấn trái và khoảng 2,2 triệu tấn thân, lá.

Cây chuối chứa 90% - 92% là nước, vì vậy khi cho bò, lợn, gà, vịt, ngỗng ăn rất tốt, bổ sung chất xơ, tăng cường sức đề kháng nhờ kali, giảm lượng axit dư thừa ngăn ngừa các bệnh đường tiêu hóa cho vật nuôi. Tuy nhiên, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân thường đốn bỏ thân chuối ngay tại vườn, chỉ một lượng nhỏ được dùng ủ làm phân hữu cơ.

Công nghiệp chế biến từ nguồn phụ phẩm, chủ yếu là lá, dùng làm vật liệu bao gói rau, củ, quả; bẹ chuối đánh sợi để buộc; thân và lá cây chuối dùng làm nguyên liệu để làm thành sản phẩm bao bì, gói quà và đồ thủ công mỹ nghệ… Hiện nay, có nơi nông dân được doanh nghiệp chế biến mua thân, lá chuối giá 500 - 700 đồng/kg, nhưng số lượng còn ít. Nhìn chung, nông dân chưa có nguồn thu đáng kể từ thân, lá cây chuối sau thu hoạch.

Bên cạnh đó, cây dứa với diện tích canh tác trên 48.600 ha, sản lượng trái tươi hằng năm trên 711.000 tấn và khoảng 876.000 tấn phụ phẩm (gồm 518.000 tấn thân, lá và 358.000 tấn vỏ trái).

Nguồn phát thải từ thân, lá dứa chưa được chú trọng; thân, lá dứa thường vứt bỏ dưới mương, kinh hoặc đất để vệ sinh đồng ruộng; vỏ trái dứa phát thải từ các nhà máy chế biến được bán cho nông dân ủ chua làm thức ăn cho gia súc hoặc do các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực môi trường thu gom, xử lý cùng với các loại chất thải khác để làm phân bón hữu cơ. Một số nhà máy chế biến dứa đã tổ chức thu gom vỏ trái và bã ép dứa bán cho các trang trại chăn nuôi hoặc bán cho công ty chế biến thức ăn gia súc.

Cây thanh long có diện tích trồng trên 55.000 ha, hằng năm sản xuất ra trên 547.000 tấn trái và tạo ra khoảng 168 triệu tấn phụ phẩm (gồm 67.000 tấn thân, cành và 111.000 tấn vỏ trái). Cành non được các nông hộ có chăn nuôi thường tận dụng làm thức ăn cho gia súc; các hộ khác sử dụng để ủ thành phân hữu cơ.

Tuy nhiên, lượng cành được tận dụng để làm thức ăn gia súc hiện rất thấp, dưới 10%. Lượng cành sử dụng để sản xuất phân hữu cơ cũng chưa được thu gom và ủ đúng quy trình. Vẫn còn trên 50% lượng cành bị bỏ trên đồng ruộng, để khô và đốt bỏ.

Vỏ trái hiện chưa được thu gom và sử dụng hiệu quả, phần lớn các nhà máy chế biến trả tiền cho công ty môi trường thu gom và xử lý rác thải này. Các công ty môi trường thường không phân loại vỏ trái rác để sử dụng, mà chỉ phân loại rác thải không nguy hại và đưa đến điểm tập kết để xử lý bằng cách bổ sung vi sinh, ủ nóng để làm phân bón hữu cơ. Trong khi vỏ trái thanh long chứa nhiều đường, dễ ủ chua làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, nhưng hiện nay tỷ lệ sử dụng cho mục đích này còn rất thấp…

Có thể nói, nếu như được sử dụng, tái sử dụng một cách có hiệu quả, các nguồn phát thải trong trồng trọt hứa hẹn tiềm năng rất lớn. Các ngành chế biến phân hữu cơ, chế phẩm sinh học và các ngành kinh tế khác cũng có thể sử dụng các nguồn phát thải của ngành trồng trọt một cách hiệu quả.

LÊ MINH

(Còn tiếp)

.
.
.