.

Thị trường lúa gạo nóng lên không ngừng

Cập nhật: 17:57, 11/08/2023 (GMT+7)

Ngay khi thị trường lương thực thế giới dậy sóng vì thiếu hụt nguồn cung, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để chiếm lĩnh thị trường thế giới thì vẫn có những cảnh báo về nguy cơ "bắt sóng xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước".

Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Diện tích trồng ngũ cốc tại nhiều quốc gia bị thiệt hại do hạn hán bởi sự xuất hiện của hiện tượng El Nino; Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cấm xuất khẩu các loại gạo trắng (trừ gạo Basmati); thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực,… đang tác động lớn đến nguồn cung lương thực thế giới.

Giá gạo xuất khẩu đạt mức kỷ lục

Hầu hết các thị trường gạo đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường khu vực Đông Nam Á tăng trưởng vượt bậc. Khu vực thị trường Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng trưởng cao, gần 30%.

Theo bảng giá được niêm yết trên website của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thời điểm ngày 7/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta đã vượt mức 600 USD/tấn, lên 618 USD/tấn. Cùng với đó, gạo 25% tấm cũng đã lên mức 598 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu Việt Nam hiện đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2008.

Giá gạo tăng, dẫn đến giá lúa tăng. Trong tháng 7, giá lúa vụ hè-thu các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có mức tăng trung bình từ 200-600 đồng/kg tùy loại. Giá lúa tăng sẽ có lợi cho nông dân khi Việt Nam đang bắt đầu vụ thu hoạch hè-thu, nhưng đối với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, sẽ xuất hiện những rủi ro. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phần lớn có hợp đồng cũ ở mức thấp, khi giá lúa leo thang, doanh nghiệp có thể phải bù lỗ cho lô hàng.

Không chỉ gạo của Việt Nam mà giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng tiếp tục tăng, hiện đã đạt mức 631 USD/tấn, cao hơn đáng kể so mức giá 545 USD/tấn được ghi nhận vào tuần trước; gạo 25% tấm ở mức 573 USD/tấn. Theo nhận định của các chuyên gia, việc Ấn Độ tạm thời cấm xuất khẩu gạo sẽ khiến nhiều quốc gia khó có thể tìm kiếm các lô hàng thay thế, nhất là từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, Thái Lan và Việt Nam - hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sẽ thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị thiếu hụt từ Ấn Độ.

Với số liệu được đưa ra từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (dự kiến năm nay cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, sản lượng đạt hơn 43 triệu tấn, tăng 452 nghìn tấn so năm 2022), Bộ Công thương nhận định, ngoài bảo đảm an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu từ 7,5-8 triệu tấn gạo, vượt khoảng 800 nghìn tấn so năm 2022.

Chất lượng, uy tín mới là giải pháp sâu rễ bền gốc

Tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo vừa diễn ra tại Cần Thơ, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, đây là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể, cũng như mở rộng thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới.

Theo dõi sát diễn biến giá cả, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, cơ hội có, nhưng nguy cơ, rủi ro cũng không kém. Việc nắm cơ hội thị trường là cần thiết, nhưng hơn hết, việc bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm, bảo đảm tiến độ các đơn hàng đã ký kết cho đối tác mới là giải pháp sâu rễ bền gốc.

Liên quan đến bảo đảm an ninh lương thực, ông Phạm Việt Hà - Vụ trưởng Quản lý hàng dự trữ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết: Năm 2023, kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Dự trữ Nhà nước mua 220 nghìn tấn gạo để nhập kho dự trữ quốc gia. Căn cứ vào đó, Tổng cục đã giao cho 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực tổ chức đấu thầu rộng rãi trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, mở thầu ngày 26/6 vừa qua. Kết quả, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đã ký kết hợp đồng 189.380 tấn gạo; đang hoàn thiện thủ tục để ký kết hợp đồng thêm 5.805 tấn. Số lượng gạo không trúng thầu là 24.770 tấn. Trong số 189.380 tấn đã ký kết hợp đồng, tính đến ngày 8/8, đã nhập kho được 76.500 tấn.

Được biết, mỗi năm, Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp cho các mục tiêu khoảng 100 nghìn đến 130 nghìn tấn gạo. Riêng năm 2021 là năm xuất cấp gạo lớn nhất từ trước đến nay, với 252 nghìn tấn gạo để thực hiện các mục tiêu; trong đó hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19 là 142 nghìn tấn. Ông Hà tự tin, với số gạo đang tồn kho, lượng gạo trúng thầu năm 2023 và đã nhập kho dự trữ quốc gia, so nhu cầu sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia của Chính phủ trong các năm gần đây, thì nguồn gạo dự trữ bảo đảm đáp ứng chỉ đạo theo điều hành của Chính phủ trong điều kiện bình thường.

Điều 12, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định: Khi đã được kinh doanh xuất khẩu gạo, một trong những điều kiện đối với doanh nghiệp là phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà doanh nghiệp đã xuất khẩu trong sáu tháng trước đó.

Vụ trưởng Quản lý hàng dự trữ chia sẻ: "Nguyên nhân số gạo không trúng thầu là do hồ sơ dự thầu không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu; hoặc, giá dự thầu của nhà thầu cao hơn giá gói thầu. Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ tiếp tục phấn đấu mua đủ số gạo theo kế hoạch được giao, còn việc có mua đủ được hay không thì chưa thể khẳng định, bởi còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường". Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, liệu có xảy ra trường hợp các doanh nghiệp hủy hợp đồng đã ký kết khi giá gạo xuất khẩu tăng cao hay không? Câu trả lời của ông Hà, là từ trước đến nay, chưa từng xảy ra trường hợp nào như vậy!

Tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023, về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế,… Cũng tại Chỉ thị này, Thủ tướng lưu ý, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo để tận dụng thời cơ, vẫn phải bảo đảm được an ninh lương thực cho đất nước trong mọi tình huống.

(Theo nhandan.vn)

 

 

.
.
.