Giữ thương hiệu gạo Việt giữa biến động lương thực toàn cầu
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhiều lần nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương sao cho việc tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững.
Dự báo, giá gạo xuất khẩu sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ảnh minh họa |
Sau khi đạt mức xuất khẩu kỷ lục 7,1 triệu tấn gạo năm 2022, hoạt động xuất khẩu gạo trong 7 tháng năm 2023 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, tăng 18,7% về lượng, tăng 29,6% về kim ngạch, giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, những ngày gần đây, giá gạo xuất khẩu liên tục tăng cao.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 19/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng loại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn, gạo cùng loại của Thái Lan có giá 561 USD/tấn. Như vậy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn của Thái Lan 10 USD/tấn, còn gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn 57 USD/tấn. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới. Dự báo, giá gạo xuất khẩu sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thị trường còn nhiều yếu tố khó đoán
Mặc dù vậy, theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thị trường gạo trong nước nói chung và thị trường xuất khẩu gạo nước ta phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là những biến động từ bên ngoài.
Mới đây, ngày 20/7, Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo (trừ gạo basmati) khiến nguồn cung gạo toàn cầu thiếu hụt, ảnh hưởng mạnh tới hơn 140 quốc gia đang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Trước đó vài ngày, ngày 17/7, Nga tuyên bố sẽ không gia hạn thoả thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Hai sự kiện này, cùng với tình trạng hạn hán đã tác động dây chuyền khiến nhiều nước tăng nhu cầu dự trữ gạo.
Mặt trái của lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã xuất hiện khi ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân trồng lúa, dẫn đến sản lượng có thể sụt giảm đến 5%. Khi giá thế giới tăng nhưng nông dân Ấn Độ không được hưởng lợi là một áp lực khiến Ấn Độ phải cân nhắc việc giới hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo theo chủng loại gạo hoặc thời gian. Tương tự, việc Nga không gia hạn thoả thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen cũng có thể thay đổi khi Thổ Nhĩ Kỳ mới đây tuyên bố các cuộc đàm phán kỹ thuật giữa Moscow và Kiev về thỏa thuận ngũ cốc sẽ sớm diễn ra tại Istanbul. Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đang nỗ lực phát triển các đề xuất để nối lại thỏa thuận này.
"Biến động chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo khiến thị trường thương mại gạo toàn cầu diễn biến quá nhanh, có nhiều nhân tố khó đoán định", Cục Xuất nhập khẩu nhìn nhận.
Tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đánh giá: Sản xuất lúa gạo có quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến có lúc khó kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ; thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: MOIT |
Giữ chất lượng hạt gạo và thương hiệu gạo Việt
Với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại (thương mại trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới), Bộ Công Thương đã chọn sự "cố định" khi đưa ra những chỉ đạo, điều hành về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "Việc quan trọng nhất hiện nay đó là bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm để giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu".
Để tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao tại Công điện số 610/CĐ-TTg và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân tập trung triển khai các nhóm giải pháp.
Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, khẩn trương rà soát, hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.
Đối với công tác tìm kiếm, thông tin và phát triển thị trường, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta là thành viên để chủ động đàm phán với các đối tác nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Ngoài ra, hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế…
Về công tác kiểm tra, giám sát. Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Ảnh minh họa |
Cần sự bắt tay nhịp nhàng của các bộ, ngành
Đồng tình với quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Chỉ đạo vừa tận dụng cơ hội thị trường nhưng vẫn bảo đảm vấn đề an ninh lương thực mà Bộ Công Thương đang thực hiện là "đúng và trúng" vấn đề. Bởi an ninh lương thực là vấn đề sống còn của nền kinh tế, không thể để người dân bị thiếu lương thực hay phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu. Để có được an ninh lương thực thì điều đầu tiên chúng ta cần có tích trữ phù hợp.
"Thị trường là bình thông nhau. Do đó, khi giá gạo xuất khẩu thế giới và trong nước đang rất “nóng” sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số nước thì các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo tại thị trường trong nước rất có thể sẽ xảy ra. Chúng ta cần phòng bệnh hơn chữa bệnh", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng: Bên cạnh những tín hiệu vui trong việc hạt gạo Việt Nam được giá thì điều lo ngại là trên thị trường bắt đầu có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi.
"Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý. Mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong giá CPI, vì vậy, việc kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến sẽ góp phần kiểm soát CPI, không gây xáo trộn đời sống người dân. Đặc biệt, gạo là mặt hàng thiết yếu, nếu bị tăng giá đột ngột sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng theo. Bộ Công Thương liên tục đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải làm sao vừa tận dụng được cơ hội xuất khẩu gạo, vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là điều cần thiết", chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nói.
Có thể thấy, với quan điểm chỉ đạo và mục tiêu xuyên suốt đó, trong các buổi phát biểu trên nghị trường, tại các hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa các bộ, ngành; giữa bộ, ngành với doanh nghiệp, hiệp hội, giữa doanh nghiệp, hiệp hội với địa phương sao cho việc tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững.
Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8 mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất: Thời gian tới, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng của ngành. Tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan kịp thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ cho người trồng lúa và thương nhân sản xuất, xuất khẩu gạo để họ chuyên tâm vào sản xuất, nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến cáo tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; đồng thời, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu. Đồng thời, chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và đạt quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.
Trong buổi làm việc với các đối tác nước ngoài, bên cạnh thảo luận hợp tác kinh tế, thương mại nói chung, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng luôn đưa nội dung hợp tác về nông sản, trong đó có mặt hàng gạo. Trong buổi làm việc với ông Thomas Vilsack, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Bộ Công Thương đề nghị Hoa Kỳ mở rộng đầu tư FDI trong lĩnh vực nông nghiệp sang Việt Nam hơn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm, sản xuất các máy móc thiết bị nhằm hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp.
Hay trong buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà, Thứ trưởng phụ trách quan hệ kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao Chile… Bộ Công Thương cũng đề nghị đối tác khuyến khích các doanh nghiệp dệt may, nông sản, thực phẩm gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp, cũng như tham dự các hội chợ, triển lãm tổ chức tại mỗi nước.
(Theo baochinhphu.vn)