.

Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng

Cập nhật: 23:21, 30/08/2023 (GMT+7)

(ABO) Các quy định mới theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28-6-2023 và Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngày 23-8-2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hơn, góp phần cung ứng thêm vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế.

Ngày 28-6-2023, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ký ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 (Thông tư 39) của NHNN Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2023. Theo đó, Thông tư 06 có những điểm mới nổi bật như sau:

Điểm cần chú ý thứ nhất là Thông tư 06 đã bổ sung thêm 01 mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử. Theo đó, Thông tư 06 sẽ thúc đẩy các TCTD ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hơn nữa vào hoạt động cho vay, từ đó rút ngắn quy trình, thủ tục, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay với thời gian nhanh hơn, thuận tiện hơn.

Giao dịch tại NHNN chi nhánh Tiền Giang.
Giao dịch tại NHNN chi nhánh Tiền Giang.

Đây là những quy định sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực cho việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tại Thông tư 06 cho phép TCTD triển khai eKYC khách hàng vay vốn dựa trên việc khai thác dữ liệu định danh cá nhân.

Việc cho phép tiếp cận, khai thác thông tin khách hàng từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân gia tăng nguồn thông tin chính thống rất có giá trị cho TCTD, đảm bảo hoạt động eKYC lành mạnh, minh bạch, an toàn, phòng ngừa kịp thời rủi ro gian lận, rửa tiền, tội phạm, tiết kiệm chi phí và nguồn lực xã hội.

Ngoài ra, Thông tư 06 cũng quy định cơ chế cho phép triển khai việc eKYC dựa trên việc khai thác thông tin đã được eKYC bởi TCTD khác (tương tự eKYC mở tài khoản thanh toán). Như vậy, các nguồn dữ liệu để đối chiếu được quy định tại Thông tư 06 rất đa dạng, mang tính chính thống và đáng tin cậy, là nền tảng quan trọng đảm bảo hoạt động eKYC an toàn, lành mạnh, kịp thời phòng ngừa rủi ro gian lận.

Điểm cần chú ý thứ hai là đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (ví dụ như: Vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng...), Thông tư 06 quy định khách hàng không cần phải có phương án, dự án.

Theo đó, phương án sử dụng vốn của khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn và nguồn trả nợ của khách hàng, mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống.

Tuy nhiên, đối với những nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thường có giá trị lớn, khách hàng mới phải bổ sung phương án, dự án trong hồ sơ đề nghị vay vốn đối với nhu cầu vốn này để TCTD có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng và để đảm bảo giám sát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Một điểm quan trọng thứ ba là Thông tư 06 còn bổ sung quy định TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống.

Có nghĩa là việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại TCTD khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác (nếu có).

Thay vì, tại Thông tư 39 hiện hành, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.

Ví dụ giả định như sau: Trường hợp một khách hàng cá nhân đang có dư nợ của khoản vay mua nhà tại một ngân hàng A. Tuy nhiên, khách hàng nhận thấy tại ngân hàng B, cùng khoản vay mua nhà như vậy lãi suất cho vay thấp hơn so với ngân hàng B; đồng thời nếu khách hàng vay vốn sẽ được hưởng thêm ưu đãi đối với một số các dịch vụ khác tại ngân hàng B.

Theo đó, với quy định Thông tư 06, khách hàng hoàn toàn có thể đến ngân hàng B đề xuất nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn cho khoản vay mua nhà mà khách hàng đang vay tại ngân hàng A. Như vậy, khách hàng dễ dàng tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, được tiếp cận và sử dụng thêm các dịch vụ mới.

Giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Tiền Giang.
Giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Tiền Giang.

Ngoài ra, điểm mới tiếp theo tại Thông tư 06 còn bổ sung việc TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm. Khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, do đó Thông tư 06 bổ sung quy định nêu trên để tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn phục vụ nhu cầu này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngày 23-8-2023, NHNN đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 06) từ ngày 1-9-2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.

Những quy định sau được ngưng thi hành, cụ thể:

“Điều 8. Những nhu cầu vốn không được cho vay  

8. Để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.

9. Để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.

10. Để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Khách hàng đã ứng vốn của chính khách hàng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh, mà các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay;

b) Các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh là các chi phí có sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng theo phương án sử dụng vốn đã gửi tổ chức tín dụng để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó”.

    PV

.
.
.