Xuất khẩu gạo tính đường dài: Thương hiệu và uy tín quốc gia
Trong bối cảnh thị trường lương thực trên thế giới có nhiều biến động, cả thế giới đang dõi theo từng hành vi, động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh lợi ích kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bình ổn thị trường gạo tiêu thụ nội địa, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế.
Theo số ước của liên Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 7 năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Theo tính toán, 5 tháng còn lại của năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 2,67 triệu tấn gạo. Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam...
Vận chuyển gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời tại thành phố Cần Thơ. Ảnh: Internet |
Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, giá gạo xuất khẩu tăng đã đem lại niềm vui cho người dân, doanh nghiệp. Song điều đáng chú ý hiện nay là thị trường tiêu dùng nội địa vẫn được duy trì ổn định-đây là tín hiệu tích cực góp phần thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này.
Tuy nhiên, chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng lưu ý, trên thị trường bắt đầu có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý. Trong khi đó, mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong "rổ" tính giá CPI. Vì vậy, làm sao phải kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân. Gạo là mặt hàng thiết yếu, nếu bị tăng giá đột ngột sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng theo như bún, phở, các loại dịch vụ… “Vừa qua, Bộ Công Thương đã liên tục đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải làm sao vừa tận dụng được cơ hội xuất khẩu gạo, vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là đúng đắn, bởi nếu cứ chạy theo giá gạo tăng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Nói rõ hơn, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết, điều quan trọng đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam là bám sát thị trường, làm ăn tử tế, trách nhiệm; đừng quá đặt lợi ích ngắn hạn mà phải tìm cách giữ được bạn hàng.
Không chỉ lợi ích kinh tế
Trên thế giới, số lượng quốc gia có thể sản xuất gạo đủ đáp ứng nhu cầu của chính mình và xuất khẩu được không nhiều và Việt Nam là một trong số đó. Những quốc gia này, không chỉ có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực của đời sống người dân nước mình, mà còn giữ vai trò, trọng trách lớn đối với thị trường gạo toàn cầu.
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long. |
Theo TS Võ Trí Thành, câu chuyện về gạo không chỉ là vấn đề được mùa được giá của người nông dân, vấn đề kinh doanh có lãi của thương lái, của doanh nghiệp hay điều hành bảo đảm an ninh lương thực của cơ quan quản lý nhà nước chúng ta nữa. Bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, khi Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng trong bảo đảm hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới, góp phần bảo đảm nguồn cung lương thực ổn định và phát triển bền vững của rất nhiều quốc gia.
“Nhiều bài toán đặt ra ở thời điểm hiện tại, và tôi cho rằng Bộ Công Thương đang nỗ lực hài hòa lợi ích các bên, một mặt trước hết bảo đảm an ninh lương thực trong nước trong mọi tình huống, ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô; mặt khác vẫn tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, cân bằng lợi ích kinh doanh giữa các thành phần tham gia thị trường gắn với giữ chất lượng sản phẩm, bảo đảm thương hiệu gạo Việt. Đây là hướng đi đúng, hợp lý”, TS Võ Trí Thành đánh giá.
Để bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công Thương cho biết, Bộ cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương để theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước...
Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
(Theo www.qdnd.vn)